Giữa hy vọng và thất vọng

Có thể những gì được đưa ra trong thỏa thuận khí hậu tổng quát khép lại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), tổ chức tại Ai Cập không thể khiến tất cả gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự hài lòng. Song, ít nhất, niềm hy vọng vẫn được nuôi giữ, khi lộ trình trước mắt được hướng đến những mục tiêu "vừa sức" hơn.
0:00 / 0:00
0:00

Cảm giác thất vọng thể hiện ngay trong nhận xét của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, rằng "Hành tinh của chúng ta vẫn đang trong tình trạng nguy ngập. Chúng ta cần giảm mạnh ngay lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề mà COP lần này chưa giải quyết được".

Và đồng vọng với ông là nhận xét từ đại diện Liên minh châu Âu (EU), khi đánh giá thỏa thuận cuối cùng của COP27 "vẫn thiếu tham vọng, về lộ trình cắt giảm khí thải nhà kính".

Cụ thể, phát biểu tại phiên bế mạc COP27, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách chính sách khí hậu Frans Timmermans nhấn mạnh: Những nỗ lực mới của các nước giàu có và cũng là những nước phát thải lớn vẫn là chưa đủ, để tăng cường và đẩy nhanh tiến độ giảm khí thải.

Song, dù sao, như Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock viết trên trang Twitter cá nhân, "Chúng ta đã tạo ra bước đột phá về công lý trong vấn đề chống biến đổi khí hậu với sự liên kết rộng rãi của các quốc gia sau nhiều năm trì trệ", cho dù "thế giới đang mất thời gian quý báu trên đường tiến tới giới hạn tăng nhiệt trên Trái đất ở mức 1,5 độ C". Nghĩa là, đánh giá một cách trung dung, COP27 khép lại để mang tới "cả hy vọng lẫn thất vọng".

"Hy vọng" ở đây, không gì khác, là chuyện Phiên họp toàn thể đã thông qua điều khoản về việc thành lập Quỹ Tổn thất và Thiệt hại ("Loss and damage" Fund), để giúp các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Đây là một nội dung không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, song nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến nó thành chủ đề được quan tâm nhất tại COP27.

Tại COP27, các nước đang phát triển đồng loạt kêu gọi các nước giàu, vốn đã phát thải phần lớn lượng khí thải nhà kính trong nhiều thập niên qua, phải có trách nhiệm bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra cho nhóm nước đang phát triển và kém phát triển.

Nhóm nước này cũng hối thúc các nước phát triển không chỉ thực hiện đầy đủ cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm (được đưa ra tại COP15), để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn phải tăng mức hỗ trợ.

Từ lập trường của họ, đó là sự công bằng xứng đáng được đòi hỏi. Ở một tầng sâu thẳm hơn, về mặt kỹ thuật, những khoản hỗ trợ này là điều tất yếu, nếu muốn xây dựng nguồn ngân sách tài chính khí hậu ổn định, để kiến tạo những "phòng tuyến" đủ sức đứng vững trước mọi tác động của thiên nhiên, trên phạm vi toàn thế giới.

Và hơn cả, việc các nước "giàu" thực hiện cam kết một cách "rộng rãi" hơn cũng sẽ là sự thể hiện trách nhiệm cần có, nhằm tạo nên sự đồng thuận cũng như gắn kết cho cả cộng đồng, khi đối diện với một nguy cơ chung.

Nói cách khác, Quỹ Tổn thất và Thiệt hại là viên gạch đầu tiên trên hành trình "xây lại nhà từ móng", ở COP27. Có thể nó sẽ mất nhiều thời gian hơn, và tạo nên cảm giác "phí phạm thời gian" từ góc nhìn vĩ mô. Tuy vậy, nó lại phù hợp với tình hình thực tiễn, nghĩa là cả sự eo hẹp về nguồn tài chính khí hậu của các nước nghèo, lẫn những khó khăn của các nước phát triển (trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa thoát được hẳn những hệ lụy từ đại dịch Covid-19, mà đã lại phải vật lộn với các vấn đề phát sinh từ chiến tranh hay xung đột).

Nhân loại vẫn chưa thể có được một kế hoạch hoàn hảo. Nhưng, điều cốt yếu là không để guồng quay dừng lại. Nó vẫn phải được tiếp tục vận hành, theo một phương án giàu tính khả thi hơn…