Giong buồm đón gió

Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 cùng các hoạt động liên quan đã chính thức khai mạc ngày 5/9. Bên cạnh rất nhiều vấn đề quan trọng, việc đặt mục tiêu tăng cường hợp tác, kết nối ASEAN cùng các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific), đưa ASEAN trở thành "tâm điểm của tăng trưởng" được xác định là một trong những trọng tâm của chương trình nghị sự.
0:00 / 0:00
0:00

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 (diễn ra tại Thủ đô Jakarta của Indonesia): ASEAN tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, là trung tâm của các mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) và là trung tâm của các cơ chế hợp tác khu vực quan trọng như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)…

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chia sẻ nhận định chung về một năm 2023 nhiều biến động. Kinh tế thế giới đã có những tín hiệu phục hồi tích cực hơn, song còn nhiều rủi ro, tăng trưởng chưa bền vững, thương mại phục hồi chậm, bất ổn địa chính trị ngày càng phức tạp.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, nâng cấp cũng như đàm phán mới các FTA giữa ASEAN với các đối tác, nhằm tạo xung lực phát triển mới cho nền kinh tế khu vực.

Và ngay trong chiều 5/9, Thủ tướng đã cùng lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác tham dự phiên khai mạc Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (APIF).

APIF là sáng kiến của Indonesia trong Năm Chủ tịch ASEAN 2023, với mục tiêu khơi mở tiềm năng và cơ hội tăng cường hợp tác, kết nối cho các nước ASEAN với khu vực Indo-Pacific.

Đó là diễn đàn dành cho đại diện các nước ASEAN và đối tác, từ cả khu vực công và tư, thảo luận và xây dựng các định hướng hợp tác chiến lược cho tương lai, tập trung vào ba chủ đề chính: Cơ sở hạ tầng xanh và chuỗi cung ứng tự cường; Chuyển đổi số và kinh tế sáng tạo; và Tài chính bền vững, đổi mới sáng tạo.

Kể từ đầu thiên niên kỷ mới, Indo-Pacific càng lúc càng trở nên quan trọng, với cả vai trò là động lực phát triển kinh tế mới của thế giới lẫn vị trí trung tâm quan trọng trong không gian địa chính trị toàn cầu.

Nằm ở trung tâm khu vực ấy, trên cửa ngõ nối liền hai đại dương ấy, cũng là một trong những khu vực kinh tế phát triển nhanh chóng, năng động và ấn tượng hàng đầu thế giới, cộng đồng ASEAN cần phải sẵn sàng chuẩn bị cho những thành tựu to lớn và tích cực hơn nữa, trong xu thế đa phương hóa-toàn cầu hóa của kỷ nguyên mới.

Đây là lần đầu APIF được tổ chức, nhằm triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) được thông qua vào năm 2019, trong đó chuyển trọng tâm từ hợp tác an ninh trước đây sang hợp tác cụ thể về kinh tế. Có thể coi đây là nỗ lực mở toang những cánh cửa, hay là khát khao căng thêm những cánh buồm đón gió thời đại.

Sự kiện này cụ thể hóa và làm rõ hơn trong thực tế, những đường hướng chiến lược đã được phác thảo cũng như triển khai. Trong những năm qua, ASEAN và các đối tác đã dành tổng cộng 56 tỷ USD cho 93 dự án hợp tác và 73 dự án tiềm năng, thể hiện cam kết hành động nhằm biến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng - theo lời Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Song, tất cả đều hiểu, những thành tựu ấy mới chỉ là điểm khởi đầu của một chặng đường dài. Trước mắt sẽ còn rất nhiều những cơ hội bứt phá, và cả những thách thức. Trong khi đó, APIF vẫn luôn hướng đến những tiêu chí được thể hiện xuyên suốt và nhất quán: Biến cạnh tranh thành hợp tác hữu ích, kiến tạo tương lai phát triển bền vững và sáng tạo.

Để chạm đến những bến bờ hy vọng ấy, đầu tiên và không gì khác, như người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh: ASEAN vẫn luôn cần phải nêu cao tinh thần đoàn kết, độc lập, tự chủ, tự cường; và tinh thần này phải được thể hiện bằng cả lời nói và hành động. Chỉ có như vậy, vai trò của ASEAN mới có thể phát huy thực chất và nhận được sự coi trọng trên thực tế của các đối tác, nhất là các nước lớn.