Giảm độ trễ giữa chính sách và thực thi

Có thể kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông nhưng rất khó để xử phạt tiền với hành vi xúi giục, kích động người khác uống rượu bia. Ảnh: ĐỘC LẬP
Có thể kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông nhưng rất khó để xử phạt tiền với hành vi xúi giục, kích động người khác uống rượu bia. Ảnh: ĐỘC LẬP

Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ liên tục ban hành những chính sách quan trọng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có động lực, có cơ sở từng bước vượt qua thách thức.

Ngay trước thềm khai mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ngày 19/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Chỉ sau tám ngày, vào ngày 27/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH, nhằm triển khai kịp thời giải pháp được quy định tại Nghị quyết số 406, qua đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và thực hiện an sinh xã hội.

Việc miễn, giảm nhiều loại thuế, phí cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, việc hỗ trợ người lao động, người dân nghèo cả nước là những chính sách nhân văn và phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để những chính sách đúng đắn, kịp thời được triển khai ngay trong thực tế cuộc sống, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và tinh thần trách nhiệm cao của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Trước hết, cần tuyên truyền rộng rãi nội dung của các nghị quyết, nghị định, chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành để người dân, doanh nghiệp nắm rõ. Chính sách dành cho đối tượng nào thì người đó phải được biết sớm nhất, hiểu rõ nhất. Đáng chú ý, khi Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn cần tập trung xử lý, khắc phục triệt để nút thắt, rào cản hành chính để những chính sách ý nghĩa được triển khai với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả, đặc biệt là phải gắn trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương. Đây được xem là nội dung quan trọng nhất để những chính sách phát huy hiệu quả ngay trong thực tế.

Cần từng bước thay đổi quan điểm và suy nghĩ vốn tồn tại trong một bộ phận cán bộ hiện nay là: Chính sách nào cũng cần phải có độ trễ… Độ trễ của chính sách trong nhiều thời điểm chính là rào cản làm ảnh hưởng không tốt quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, bám sát yêu cầu từ cuộc sống đặt ra nhiệm vụ cấp thiết để các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, chủ động vào cuộc, rút ngắn độ trễ thời gian giữa các chủ trương, chính sách đúng đắn với thực tế thực thi.

Nguyên tắc và mục tiêu cần tập trung hướng đến là không phát sinh thêm những quy định, thủ tục có thể làm gia tăng áp lực về chi phí, về thời gian, về giấy tờ đối với người dân và doanh nghiệp. Thậm chí, trong những ngày tháng khó khăn này, các cơ quan chức năng cần phải coi là thời điểm quan trọng để tiếp tục tạo nên đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách, với những quy định thông thoáng, minh bạch.

Nếu quy định nào có thể giảm lập tức, những thủ tục nào có thể lùi, giãn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận sự hỗ trợ thì triển khai ngay, các hành động nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp, cần phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.