GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG - SỨC ÉP NGÀY CÀNG LỚN

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng đầu năm kế hoạch năm 2023 chỉ đạt 14,66% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%); trong đó vốn trong nước đạt 16,03% (cùng kỳ năm 2022 đạt 19,57%), vốn nước ngoài đạt 6,28% (cùng kỳ năm 2022 đạt 3,25%).
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều tổ công tác được thành lập ở Trung ương và các địa phương kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: VOV
Nhiều tổ công tác được thành lập ở Trung ương và các địa phương kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: VOV

Chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao 17 bộ, cơ quan Trung ương gần 111.768 tỷ đồng. Số vốn đã phân bổ chi tiết hơn 105.135 tỷ đồng, đạt 94%. Số vốn chưa phân bổ chi tiết gần 6.633 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các bộ, cơ quan Trung ương; có 2 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân trên mức bình quân của cả nước (Bộ Giao thông vận tải 24,27%; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 19,44%). Các bộ, cơ quan Trung ương còn lại đều giải ngân thấp.

Có ba bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 20%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (38,3%), Bến Tre (36,96%), Tiền Giang (33,85%), Phú Thọ (32,99%). Có 47/52 bộ, cơ quan Trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.

Còn nhiều vướng mắc

Mới đây, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Qua kết quả kiểm tra đã đánh giá, nhận định một số vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến công tác giải ngân như sau: Các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án; hoàn thiện thủ tục đầu tư, tập trung thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp.

Một số dự án có nhu cầu thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 nhưng không được bố trí vốn vì trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt không tách riêng vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án. Do vậy, dự án không có vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án đầu tư.

Một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư còn chậm do vướng mắc về thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng chưa được chủ đầu tư chú trọng triển khai ngay từ khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời, chủ đầu tư chưa chủ động ngay từ khâu triển khai thực hiện dự án dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân.

Lãnh đạo các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Lao động-Thương binh và Xã hội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội... cho biết, một số dự án phát sinh vướng mắc trong giải phóng mặt bằng vượt thẩm quyền xử lý của các bộ, ngành Trung ương. Các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chậm được giao kế hoạch vốn, thời gian giải ngân vốn ngắn.

Đặc thù của thời gian đầu năm, nhiều bộ, cơ quan Trung ương cần giải ngân hết số vốn đang làm thủ tục kéo dài giải ngân; hoàn trả khối lượng ứng trước đối với những dự án mới ký hợp đồng; dự án phải có khối lượng hoàn thành thì mới có thể nghiệm thu, thanh toán; dự án đang thực hiện thủ tục đấu thầu, chưa có khối lượng để giải ngân.

Nguyên nhân thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương là công tác chuẩn bị dự án còn chậm, chất lượng chưa cao, vẫn còn tình trạng dự án được dự kiến bố trí vốn nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Năng lực trình độ, hiểu biết pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, NSNN của một số cán bộ quản lý dự án chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến việc cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xử lý và phải lấy ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị khác...

Các biện pháp đẩy nhanh tiến độ

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 3593/BTC-ĐT ngày 14/4/2023 gửi các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, trong đó đề xuất nhiều giải pháp cụ thể đối với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương và cơ quan kiểm soát thanh toán vốn về việc tăng cường quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2023. Do vậy, đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp của Bộ Tài chính đã nêu tại văn bản trên. Đồng thời khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương cần chủ động đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư; khẩn trương phối hợp với địa phương để xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng. Đối với vướng mắc liên quan tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trước mắt, các bộ, cơ quan Trung ương đẩy mạnh giải ngân tối đa như đã cam kết trong quá trình xây dựng danh mục sử dụng nguồn vốn này. Đối với các cơ quan có tỷ lệ giải ngân quá thấp, cần khẩn trương đề xuất phương án xử lý (điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn).

Bên cạnh đó, các bộ, ngành tập trung rà soát, tăng cường năng lực, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, quản lý công tác giải ngân vốn đầu tư công từ khâu chuẩn bị, quyết định đầu tư, nhất là cho những dự án lớn, quan trọng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhiều lần nhấn mạnh, nhiệm vụ giải ngân từ nay đến cuối năm còn rất nặng nề. Chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, là tiêu chí đánh giá năng lực, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong chuẩn bị, thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án.

Bộ trưởng, thủ trưởng, tập thể lãnh đạo các đơn vị phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm từ khâu đề xuất, thẩm định, tổ chức thực hiện dự án đến phối hợp giải quyết vướng mắc phát sinh, "không để tình trạng phân bổ vốn đầu tư công nhưng không giải ngân được hoặc không bảo đảm tiến độ".

Theo các chuyên gia kinh tế, để năm 2023 đạt được mục tiêu thúc đẩy giải ngân đầu tư công - vốn được xem là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng - trước tiên, cần xem đây là ưu tiên hàng đầu, thường trực trong tư duy nhận thức. Từ các thí dụ ở một số địa phương, bộ, ngành thành công, nơi nào có quan tâm tốt hơn đến đầu tư công, nơi đó giải ngân vốn tốt hơn. Những khó khăn vướng mắc về chính sách là giống nhau, nhưng vẫn có địa phương, bộ, ngành làm tốt - tức là vấn đề chủ yếu nằm ở khâu thực hiện.

Cả đại diện Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính cũng cho rằng cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm...