Sức hút của NileRed
NileRed là tên kênh YouTube của Braun. Kênh hiện đã đạt 2,5 tỷ lượt xem. Các thí nghiệm của Braun - thường kỳ quặc, đôi khi còn nguy hiểm - bao gồm từ việc biến chất pha loãng sơn thành cola anh đào cho đến phát triển gỗ chống đạn.
Mười năm qua, kể từ khi bỏ ngang khóa học thạc sĩ, từ studio trong garage của nhà bố mẹ ở Montreal, qua hai cơ sở khác, Braun đã chuyển đến phòng thí nghiệm thứ ba, nơi có quy mô và thiết bị đủ khả năng cạnh tranh với một số không gian nghiên cứu học thuật ở Canada.
Nhưng Braun hiếm khi coi mình là một nhà hóa học, hay một nhà truyền thông khoa học. Anh cảm thấy mình giống một nhà thám hiểm hơn. "Tôi muốn có một cuộc hành trình của riêng mình", anh nói. Bởi vậy, Braun, hay đúng hơn là kênh NileRed, không quan tâm đến việc làm cho các thí nghiệm hóa học trông có vẻ dễ dàng. Thay vào đó, nội dung của các video tập trung vào việc khám phá hóa học, bằng trí tưởng tượng bay bổng nhất có thể.
Một số nhiệm vụ mà nhà sản xuất nội dung 32 tuổi này tự giao cho mình vừa "hoành tráng, vừa gian khổ". Chẳng hạn, nhiều lần anh cố gắng tạo ra vàng tím, một hợp kim của vàng và nhôm, mang mầu sắc độc đáo, nhưng công thức chế tạo chỉ được mô tả mơ hồ qua một dòng thành phần trong bằng sáng chế.
Không có thông tin nào khác để khai thác, quá trình tạo ra vàng tím là rất nhiều lần thử và sai, biến nó thành dự án gây ức chế nhất mà Braun từng thực hiện. Nhưng cuối cùng, anh cũng thành công, và tạo nên một chiếc nhẫn. Braun cho biết đây có lẽ là một trong số ít những tác phẩm được làm hoàn toàn bằng vàng tím còn tồn tại, vì kim loại này giòn như thủy tinh.
"Làm khoa học cho phép bạn có được thứ mà theo nghĩa đen là không thể mua được", Braun nói, khi ngồi trong phòng thí nghiệm của mình, nơi có tủ trưng bày một số sản phẩm của riêng anh, bao gồm một con dao được làm bằng tinh thể bismuth (một chất đàn hồi được gọi là thủy tinh kim loại) và một vật liệu siêu nhẹ - aerogel- được sử dụng trong nghiên cứu không gian.
Ngược gió, diều bay cao
Các video của kênh NileRed thách thức lý thuyết truyền thông, về việc duy trì sự quan tâm trực tuyến bằng cách giữ cho chúng ngắn gọn. Những video mới nhất thường dài khoảng một giờ, mà NileRed cũng xuất bản chúng không thường xuyên - điều vi phạm một quy tắc khác nhằm tạo nên thành công trên mạng xã hội.
Nhưng NileRed vẫn luôn thu hút người xem. Nhờ quảng cáo và các khoản thu nhập khác có được từ tất cả các nền tảng truyền thông xã hội, với khoảng 18 triệu người theo dõi và đăng ký, công ty của Braun kiếm được vài triệu dollar Canada mỗi năm.
Phòng thí nghiệm của Braun giờ đây có đầy đủ thiết bị cao cấp và những món đồ mang nhãn hiệu NileRed, khác xa sự "túng thiếu" những ngày đầu, khi anh phải lục lọi thùng đựng đồ thủy tinh vỡ trong phòng thí nghiệm tại Đại học McGill, để nhặt nhạnh những gì có thể tái sử dụng. Một thùng chứa lớn tạo ra khí trơ, để thử nghiệm các chất được gắn camera. Một máy ép đẳng tĩnh có thể nghiền nát các vật thể với áp lực tương đương dưới đáy đại dương. Gần đây, Braun đã mua thêm một máy ép từ tính lớn, đủ sức làm lật cả chiếc xe nâng vận chuyển nó.
Braun thích sử dụng tất cả các thiết bị cao cấp này để thiết kế các thí nghiệm gây sốc. Chẳng hạn, sau khi đọc một bài báo về việc giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu bằng cách chuyển đổi carbon dioxide thành nhiên liệu sinh học, Braun lấy CO2 và nước từ không khí, sau đó sử dụng nước để tạo ra hydro, rồi từ đó điều chế thành ethanol, giống như cồn có trong rượu vodka.
Gia đình là bệ phóng
Dựa trên những thông tin từ các đồng nghiệp Mỹ, rằng các thí nghiệm của anh có thể bị xem là bất hợp pháp, Braun không muốn chuyển về phía nam biên giới, dù Hollywood và nước Mỹ có sức hút lớn đến đâu.
Nhưng một lý do khác, quan trọng hơn, khiến Braun ở lại Montreal: Gia đình. Em trai của anh, Corey, giúp anh quản lý kênh và mẹ anh, Jody Tanaka, đóng vai trò cố vấn. Dorian Braun, cha anh, đã giúp anh bắt đầu bằng cách nhường cả nửa hầm để xe để làm bối cảnh gốc cho các video NileRed.
"Đó là một không gian mở," ông Dorian Braun, một kỹ sư âm thanh và là giáo sư đại học đã nghỉ hưu, nhận xét. "Điều đó có nghĩa là mọi đứa trẻ ngốc nghếch trên phố đều ở đây, thỏa sức chế tạo đồ chơi cho mình".
Khi các thí nghiệm diễn ra không như mong đợi - thí dụ như sự cố đổ vỡ, axit ăn mòn hoặc một vụ nổ lithium nhỏ - người cha sẽ thở dài ngao ngán. Nhưng, nhìn chung, ông không bao giờ kìm hãm sự sáng tạo của con trai mình, cũng giống như khi ông vui vẻ chấp nhận việc Nigel bỏ học để làm YouTuber.
Nigel Braun tốt nghiệp ngành hóa sinh tại Đại học McGill (Quebec, Canada) rồi sau đó học lên thạc sĩ, nhưng anh quyết định từ bỏ việc tiếp tục học để lấy bằng tốt nghiệp và công việc kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, sau khi đột nhiên nhận ra con đường đích thực. "Tôi nhớ khoảnh khắc đó, khi tôi suy nghĩ: Tại sao tôi phải học hóa học cho người khác, trong khi tôi có thể tự làm thí nghiệm hóa học cho chính mình?", anh kể.
Ngược lại với thời gian "mỏi cổ" chờ đợi kết quả từ người hướng dẫn khi còn là nghiên cứu sinh, sự hài lòng và phản hồi từ khán giả của Braun đến gần như ngay lập tức khi anh đăng video. Tiến sĩ Chenxin Li, một người đăng ký kênh NileRed và là nhà nghiên cứu sinh học phân tử tại Đại học Georgia (Mỹ), cho biết: Ông tìm thấy từ kênh NileRed cách duy trì sự hứng thú của sinh viên với khoa học. "Vì thế, tôi luôn cố xem các video mới gần như ngay lập tức", tiến sĩ Li nói.
Manfred Ehresmann, nhà nghiên cứu hệ thống vũ trụ tại Đại học Stuttgart (Đức) thì ghen tị với sự tự do của Braun, khi được thỏa sức khám phá trí tò mò theo bất kỳ hướng nào, không bị ràng buộc bởi thủ tục hành chính hay phải viết đơn xin tài trợ. "Việc kênh NileRed có thể tự thực hiện những thí nghiệm phức tạp và tốn kém như vậy là nguồn cảm hứng lớn với những người yêu khoa học", tiến sĩ Ehresmann đúc kết.
Braun đang giải thích một thí nghiệm cho khán giả kênh NileRed. |