"Sự bỏ bê có chủ đích và… lành tính"
Tim Gill là một chuyên gia độc lập, nhà tư vấn về trẻ em. Ông đi đầu trong phong trào toàn cầu ủng hộ hoạt động vui chơi và vận động của trẻ, cho dù hồ sơ học thuật của ông trên thực tế không mấy liên quan.
Sau khi theo học tại Trường Ngữ pháp Aylesbury (Anh) năm 1983, Gill giành được học bổng ngành ngôn ngữ tại Trường Keble thuộc Đại học Oxford. Sau đó, ông xin chuyển hướng, tốt nghiệp ngành triết học và tâm lý học vào năm 1987.
Năm 1994, ông tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ triết học tại Trường Birkbeck thuộc Đại học London, nơi mà ông lần đầu đảm nhận vị trí việc làm bán thời gian tại Hội đồng Vui chơi Trẻ em theo hợp đồng cố định hai năm. Thế rồi, toàn bộ tâm trí ông đã bị thu hút bởi lĩnh vực mới mẻ và thú vị này. Khi cô con gái Rosa chào đời năm 1998, ông càng thấy rõ: Làm việc với trẻ em mới là lĩnh vực dành cho mình!
Gill được biết đến rộng rãi qua cuốn sách No Fear: Growing up in a risk averse society (Tạm dịch Không sợ hãi: Lớn lên trong một xã hội né tránh rủi ro), xuất bản lần đầu năm 2007. Trong nhiều buổi diễn thuyết trước đám đông, để bày tỏ rõ hơn quan điểm được nhắc đến trong cuốn sách, ông luôn đặt ra câu hỏi này trước tiên với người tham gia: "Mọi người hãy nhớ lại nơi mình thích chơi nhất khi còn nhỏ, và nơi đó có ở xa sự giám sát của người lớn không?".
Điều đáng ngạc nhiên, phần lớn người tham gia đều có chung một câu trả lời: Nơi họ vui chơi luôn được đặt dưới tầm mắt của người lớn. Có người còn bổ sung: Đến năm 20 tuổi, sự giám sát mới thật sự "buông tha" cho họ!
Dựa trên những phản hồi ấy, Gill càng khẳng định quan điểm mà ông luôn giữ vững: "So với sự tự do mà những đứa trẻ được sinh ra từ những năm 70 thế kỷ trước trải qua, bị đẩy ra khỏi nhà cùng một chiếc bánh kẹp vào sáng thứ bảy và yêu cầu không về nhà cho đến giờ uống trà, những đứa trẻ ngày nay chỉ mãi như trẻ sơ sinh vậy!".
Thời gian đầu, nhiều phụ huynh và người chăm sóc trẻ phản đối dữ dội. Họ cho rằng, "chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì để giữ cho con mình được an toàn", hay gay gắt hơn: "Có phải con của ông đâu mà ông lo lắng cơ chứ?!". Gill đã thuyết phục họ bằng chính cách ông chia sẻ tuổi thơ với con gái mình. Ông thống nhất được với người bạn đời, rằng họ sẽ cùng làm sống lại khái niệm benign neglect (tạm dịch là sự bỏ bê có chủ đích và không độc hại). Thí dụ, lần Rosa (tên cô con gái sinh năm 1998 của ông) phàn nàn với bố về việc cô bị một số chàng trai bắt nạt trong công viên, thay vì lao ngay ra đó và cảnh cáo những cậu bé, Gill bình tĩnh hỏi cô về trải nghiệm thực tế, và khuyến khích cô tự mình giải quyết. Thực tế đã chứng minh: Rosa thật sự có thể dừng việc trêu đùa của đám bạn và tự bảo vệ bản thân, trong khi vẫn có thể thoải mái vui chơi tại công viên đó.
Hay như một lần khác, vào đầu năm học mới của Rosa khi còn ở tiểu học, đôi vợ chồng nhà Gill đã giao ước với con gái về việc cô có thể tự về nhà một lần trong tuần, để tập dần. Đối với Rosa sự kiện ấy như một "tấm bằng chứng nhận trưởng thành" mà cô tự hào suốt cả một học kỳ, còn với Gill và vợ, lần đầu đó vẫn luôn là trải nghiệm đáng nhớ: "Tôi và vợ đã ngồi dưới mái hiên nhà cả giờ đồng hồ, hết nhìn về hướng con sắp trở về, lại cúi xuống kiểm tra đồng hồ. Thật may là mọi chuyện suôn sẻ, và cả hai chúng tôi đều biết việc này là cần thiết!".
Kể lại những câu chuyện nhỏ như vậy bằng giọng điệu bình tĩnh xen chút hóm hỉnh, Gill thành công khi thuyết phục nhiều phụ huynh từ phản đối chuyển thành ủng hộ quan điểm của ông, dù họ vẫn luôn thừa nhận: "Để con trưởng thành độc lập là một trải nghiệm khó khăn!".
Những ước vọng lớn lao
Hiện, Tim Gill là Đại sứ Hội đồng Thiết kế tại London, Anh. Công việc của ông là tư vấn chính sách công, giáo dục, chăm sóc trẻ em, quy hoạch giao thông, thiết kế đô thị và khu vui chơi cho trẻ. Khách hàng của Gill chủ yếu là chính quyền, cơ quan quản lý các quốc gia, thành phố, địa phương, các tổ chức từ thiện, các tập đoàn doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực,… đang muốn quy hoạch theo hướng thân thiện hơn với trẻ em.
Nhờ vào nguồn tài trợ của nhiều đối tượng khách hàng, Gill nghiên cứu sâu, khảo sát và lên kế hoạch thiết kế lại cho nhiều thành phố, như Calgary và Vancouver (Canada), Ghent (Bỉ), Antwerpen (Bỉ), Freiburg (Đức), Oslo (Na Uy), Rotterdam (Hà Lan),… Trong đó, mục tiêu trước tiên ông hướng đến khi tư vấn cho các đô thị này là làm sao để giảm số lượng ô-tô. Gill nửa đùa, nửa thật: "Ô-tô và trẻ em thật sự xung đột với nhau! Chúng ta cần kết nối trẻ em với mọi người và địa điểm chung quanh cũng như với thế giới tự nhiên ngay trước cửa nhà, cần thiết kế các khu dân cư theo cách mà trẻ em dễ dàng đi bộ, đạp xe, gần gũi với thiên nhiên và vui chơi gần nhà. Để hiện thực hóa được điều đó, rõ ràng, sẽ chẳng còn chỗ cho các bãi đỗ ô-tô!".
Gill luôn tư vấn cho các khách hàng về cách tạo dựng các không gian cho trẻ có thể vận động, vui chơi gần nơi sinh sống. |
Bên cạnh đó, ông chủ trương cải thiện không gian và dịch vụ, nhằm bảo đảm rằng trường học, nhà trẻ, cơ sở chăm sóc mang đến cho trẻ em thời gian và không gian để vui chơi, khám phá. Ông luôn thuyết phục các nhà hoạch định chính sách: Hãy khuyến khích người lớn suy nghĩ nhiều hơn cho trẻ em, lược bớt những lợi ích được bảo đảm cho chính họ, thí dụ: "Khi một con đường bị cấm, thay vì lo lắng về chuyện phải chở con đến trường bằng cách nào, hãy nghĩ: Thật tuyệt vời, đây là cơ hội để chúng ta cùng con tản bộ đến trường và dành thời gian bên nhau!".
Bởi xét cho cùng, trưởng thành cùng trẻ em vẫn nên là đồng hành, thay vì dẫn dắt.