Phép thử với những đam mê
Sinh ra và lớn lên ở thành phố New York (Mỹ), Danielle Varwig chuyển nhà nhiều lần cùng gia đình, qua các khu phố khác nhau: từ Far Rockaway, đến Queens, rồi Flatbush, dừng chân tại Brooklyn. Trải nghiệm tuổi thơ đa văn hóa, niềm khao khát được đi, ngắm nhìn và trải nghiệm cuộc sống khắp nơi nảy sinh trong bà.
Rồi khi bắt đầu đi học, bà say sưa với những lần được trường tổ chức cho đi thực tế đến các bảo tàng khoa học như New York Hall of Science (Bảo tàng Khoa học New York) hay Hayden Planetarium (Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ). Lên đến trung học, Varwig lại bị mê hoặc bởi tàu thám hiểm sao Hỏa đầu tiên của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), từ đó khơi dậy ước vọng tự chế tạo robot.
Và lựa chọn công việc hàng đầu có thể kết hợp hoàn hảo cả hai niềm đam mê cháy bỏng, Varwig trở thành… phi công: "Tôi gia nhập Không quân Hoa Kỳ do lời gợi mở của bố. Khi phục vụ cho lực lượng này, tôi đã được lái bốn loại máy bay khác nhau, đặt chân đến những quốc gia mà trước đó tôi còn chưa từng nghe tên!".
Sau hơn 10 năm cống hiến cho không quân, sĩ quan Varwig dần mất đi hứng thú sau mỗi lần bay. Tâm sự với một người bạn từng công tác chung đơn vị, Varwig được giới thiệu về một cơ quan "chẳng mấy khi được nhắc đến trên bản tin, cũng khó có thể bắt gặp máy bay của họ, phần lớn chỉ được nghe truyền miệng", nhưng lại chuyên thực hiện những nhiệm vụ "điên rồ" - mang tên Cục Quản lý đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA).
Varwig thuật lại lời gợi ý từ người bạn: "Anh ấy nói, tôi vẫn có thể tiếp tục bay, nhưng là đến những địa điểm hoàn toàn khác biệt, hỗ trợ cho một loạt các nhiệm vụ khoa học thú vị, với cấp độ khó khác hẳn. Tôi còn có thể làm việc với một tập hợp các nhà khoa học thông minh phi thường, mà chính anh ấy đã học hỏi được rất nhiều từ họ. Nghe mới hấp dẫn làm sao!". Vậy nên Varwig đã "nhảy việc" đến NOAA, với niềm mong mỏi: "Tôi có thể tiếp tục bay, tiếp tục cống hiến cho đất nước theo cách… thật khoa học!".
Trước mỗi chuyến bay phi hành đoàn đều phải họp thống nhất mục tiêu dữ liệu cần thu thập. Ảnh: NOAA |
Trở thành "nữ thợ săn bão"
Nhiệm vụ chính của Varwig tại NOAA là chỉ huy máy bay Gulfstream IV-SP, tại Trung tâm điều hành máy bay NOAA (Lakeland, Florida). Hằng ngày, bà dẫn đầu một nhóm phi hành đoàn khoảng sáu đến tám thành viên, phụ trách theo dõi dòng chảy các con sông, bầu khí quyển, giám sát, nghiên cứu bão theo mùa, thông qua đó thu thập, cung cấp dữ liệu thời tiết để dự báo độ lớn và thời điểm các cơn bão có thể đổ bộ. Các chuyến bay thu thập và phân tích dữ liệu như vậy thường kéo dài khoảng tám giờ.
Varwig cùng các đồng nghiệp còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, trước và sau mỗi chuyến bay. Họ sẽ phải liên lạc, họp bàn với nhóm các điều tra viên, nhóm nhà khoa học, nhà khí tượng học để xác định mục tiêu, yêu cầu chính cho mỗi lịch trình. Cũng bởi là một trong những người phụ nữ hiếm hoi trong đội ngũ, Varwig phải kiêm luôn "tay hòm chìa khóa" ngân sách cho Trung tâm. Bà lo toan các hợp đồng bảo dưỡng, linh kiện máy bay và yêu cầu hỗ trợ cho 10 chiếc máy bay đang hoạt động tại NOAA.
Đương nhiên, trong ngần ấy nhiệm vụ, chuyện được bay xuyên qua những cơn bão trong vai trò một "nữ thợ săn" là công việc thử thách và đáng nhớ nhất. Cụ thể, Varwig sẽ cùng các phi hành đoàn điều khiển máy bay chứa các thiết bị đặc biệt hiện đại phục vụ công việc của một nhóm các nhà khí tượng học, nhà khoa học, kỹ thuật viên dữ liệu,... đến phía trên hoặc trung tâm cơn bão để thu thập dữ liệu. Những dữ liệu họ thu được sẽ được truyền trực tiếp về Trung tâm Bão quốc gia, nơi tập trung nhiều chuyên gia hàng đầu, có thể đưa ra các quyết định ứng phó kịp thời với các cơn bão.
Varwig bồi hồi nhớ về nhiệm vụ đầu tiên: "Lần bay ấy diễn ra ngay trước lễ kỷ niệm ngày cưới của tôi, năm 2020. Toàn bộ phi hành đoàn đều là nữ. Chúng tôi bay thẳng về phía một cơn bão nhiệt đới. Nổi bật giữa hàng nghìn cảm xúc khác nhau chắc chắn là sự phấn khích và cả lo lắng. Ngọn lửa yêu thích việc được bay lại bùng cháy một lần nữa, cho dù những cơn buồn nôn vẫn dâng lên trong cổ họng. Nhưng nhờ đã được tập huấn đầy đủ từ trước đó, cộng thêm sự khích lệ trong trạng thái đầy bình tĩnh và chuyên nghiệp của phi hành đoàn, tôi đã vượt qua tất cả".
Bà cũng hoàn toàn ngạc nhiên, vì khi ở trong "mắt bão", mọi thứ thật ra lại… khá yên bình, tuy tầm nhìn có hơi kém một chút. Nhưng bà cũng hiểu rất rõ: Chỉ một cú đánh lái chệch khỏi quỹ đạo, cơn bão có thể đánh nát chiếc máy bay hiện đại - "căn phòng thí nghiệm biết bay" mà bà đang điều khiển.
Biến đổi khí hậu ngày càng khiến công việc của những người như Varwig trở nên mạo hiểm, khi những cơn bão ngày càng tàn khốc, sức gió mạnh hơn, lượng mưa lớn hơn. Tận mắt chứng kiến những mối đe doạ do hiện tượng thời tiết cực đoan, Varwig hiểu hơn ai hết công việc của mình nguy hiểm như thế nào. Song, bà luôn tâm niệm: "Tôi là mẹ của hai đứa trẻ, và chính sự an toàn của chúng đã thôi thúc tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy!".
Không chỉ vậy, Varwig vẫn luôn mong mỗi chuyến bay, mỗi câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng cho phụ nữ và trẻ em gái, chuyển tải tới họ thông điệp mà bà luôn tâm niệm: hãy theo đuổi công việc mà mình yêu thích, dù nó có nguy hiểm hay điên rồ cỡ… "thợ săn bão", để tự ngẩng cao đầu kiêu hãnh, và để cống hiến cho cộng đồng.