Dưới lớp băng tan

Khi Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian liên tục phát đi những thông điệp về chuyện Iran sẵn sàng quay trở lại với Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), có lẽ, một trong những câu chuyện "tốn giấy mực" của giới quan sát quốc tế nhất trong vòng 5 năm qua đã thật sự có những bước tiến triển lạc quan.
0:00 / 0:00
0:00

Chúng tôi ủng hộ vai trò mang tính xây dựng của Nhật Bản trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân này" - Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian trả lời hãng thông tấn Kyodo ngày 25/9, và nhấn mạnh: Bất kỳ sáng kiến nào từ Nhật Bản phù hợp với "lợi ích của Iran" đều sẽ được Tehran đánh giá tích cực.

Trước đó một ngày, ông tuyên bố: "Hoạt động trao đổi thông điệp với Mỹ vẫn tiếp diễn và sáng kiến của Quốc vương Oman vẫn đang được cân nhắc. Nếu các bên khác sẵn sàng, chúng tôi nghiêm túc quay trở lại JCPOA, để tất cả các bên thực hiện nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ sáng kiến của Oman".

Người đứng đầu ngành ngoại giao của nước Cộng hòa Hồi giáo cũng ca ngợi những cuộc tham vấn hiệu quả giữa Tehran và Tổng Thư ký Liên hợp quốc, về nỗ lực khôi phục JCPOA. Trong cuộc gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 23/9 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, ông Amir Abdollahian đã đánh giá cao sự kiện trao đổi tù nhân gần đây giữa Iran và Mỹ, cũng như quyết định giải phóng 6 tỷ USD của Tehran bị phong tỏa ở Hàn Quốc.

Một cách ngắn gọn, có khá nhiều diễn biến tích cực đã xuất hiện trong thời gian gần đây, từ đó tác động thay đổi cục diện bế tắc của các cuộc đàm phán, nhằm hồi sinh thỏa thuận lịch sử JCPOA giữa Iran với nhóm P5+1 (Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức), ký năm 2015.

Theo các cam kết của JCPOA, Tehran nhất trí hạn chế chương trình phát triển hạt nhân, đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với mình. Tuy nhiên, đến năm 2018, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này, và tái áp đặt cũng như gia tăng biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran. Điều này khiến JCPOA mất hiệu lực, và cũng là tiền đề để căng thẳng tăng cao, khi Iran cũng đảo ngược các cam kết, như biện pháp đáp trả tương xứng.

Những nỗ lực hồi sinh JCPOA, được thúc đẩy sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đắc cử, liên tiếp đi vào ngõ cụt, khi các bên không tìm được tiếng nói chung. Và đặc biệt, nó trở nên khó khăn gấp bội, khi nước Mỹ không còn tư cách là một bên tham gia JCPOA, để đàm phán trực tiếp với Iran (đồng thời Tehran từ chối hầu hết các nỗ lực tiếp xúc khác với Washington).

Tuy nhiên, vào ngày 18/9, phía Iran đã chính thức tuyên bố: Iran sẵn sàng đàm phán gián tiếp với Mỹ, thông qua các trung gian hòa giải. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani khẳng định: Iran sẽ tận dụng bất cứ cơ hội tiềm năng nào bằng con đường ngoại giao để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt "khắt khe" và chuẩn bị sẵn sàng cho việc các bên, kể cả Mỹ, cam kết quay trở lại tuân thủ JCPOA.

Đây là kết quả của rất nhiều nỗ lực từ cộng đồng quốc tế, trong đó có vai trò trung gian của Qatar, khi kết nối thành công Iran và Mỹ, thông qua một thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa hai phía.

Ở một khía cạnh sâu thẳm, những vận động đa chiều và các tín hiệu tích cực gần đây trong câu chuyện này cũng khẳng định sâu sắc xu thế đa phương hóa, trong dòng chảy các sự kiện quốc tế đương đại. Một trong những thí dụ chứng minh, là việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres đánh giá cao các sáng kiến của Iran nhằm góp phần giải quyết các vấn đề, xóa bỏ những rào cản và phát triển mối quan hệ với các quốc gia trên thế giới.

Đó là lựa chọn đúng đắn của Iran cũng như của những nước trung gian và cả các quốc gia tham gia JCPOA, vì lợi ích riêng, đồng thời cũng vì nền hòa bình, ổn định và phát triển chung của toàn thế giới.

Đích đến của con đường chưa hẳn đã ở trước mắt. Nhưng dù sao, băng giá cũng đã dần tan…