Dưới bóng đen của cơn đói

Bóng đen ấy vẫn luôn hiện hữu, và tình hình thậm chí hoàn toàn có thể trở nên trầm trọng hơn. Kể cả khi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được tiếp tục gia hạn sau ngày 17/7, vẫn sẽ có hàng trăm triệu người trên thế giới bị cuốn vào vòng xoáy tàn khốc của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, cũng chính là những thảm họa nhân đạo đang đợi sẵn.
0:00 / 0:00
0:00

Đến cuối tháng 6/2023, theo số liệu của các cơ quan nhân đạo Liên hợp quốc, chỉ tính riêng các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi (cực đông châu Phi), các vấn đề về khí hậu, xung đột vũ trang, giá lương thực cao và suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng mất an ninh lương thực kỷ lục, với ước tính có tới 60 triệu người đang cần được giúp đỡ khẩn cấp.

Cụ thể, Liesbeth Aelbrecht, người quản lý các sự cố khẩn cấp ở khu vực này của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: "Khoảng năm triệu trẻ em dưới năm tuổi sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính vào năm 2023 ở vùng lõi của Sừng châu Phi".

Ngoài ra, theo số liệu của Liên hợp quốc, 60 triệu người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng này bao gồm hơn 15 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, 5,6 triệu trẻ em gái vị thành niên và gần 1,1 triệu phụ nữ mang thai, trong đó, gần 360.000 người dự kiến sẽ sinh con trong ba tháng tới.

Và đó mới chỉ là một khu vực, chứ chưa tính đến những "điểm nóng nhân đạo" khác từng bị nạn đói cùng sự thiếu thốn giày vò nhiều năm, như Yemen, CH Trung Phi, Zambia, Zimbabwe, Guatemala hay cả Syria (sau 12 năm xảy ra nội chiến và xung đột).

Tình hình biến đổi khí hậu càng lúc càng trở nên khắc nghiệt, do đó, sự thiếu hụt lương thực toàn cầu lại càng đáng sợ và khó vượt qua hơn. Theo một nghiên cứu mới được nhà khí hậu học người Nga Alexei Kokorin công bố ngày 2/7, đến cuối thế kỷ này, theo kịch bản biến đổi khí hậu tồi tệ nhất, gần ba tỷ người (tương đương khoảng 30% dân số thế giới) sẽ phải di cư. Còn trong trường hợp may mắn nhất dành cho nhân loại, con số ấy cũng phải lên đến một tỷ người.

Áp lực dành cho những hành động chung nhằm ngăn chặn và thích ứng tiến trình biến đổi khí hậu, đặc biệt là về nền tảng tài chính, bởi vậy, là cực kỳ nặng nề. Nhưng, trước hết, nhân loại vẫn luôn có trách nhiệm chìa ra những bàn tay, cho những phận người đang bị đẩy đến giới hạn cuối cùng của cái đói.

Đó chính là lý do mà Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen thu hút nhiều sự chú ý của dư luận thế giới đến thế. Cũng là nguyên nhân để nỗi sợ hãi bao trùm lên tất cả, khi cho đến hiện tại, nước Nga vẫn bắn đi những tín hiệu rằng họ không thấy có lý do nào để gia hạn thỏa thuận cho phép xuất cảng ngũ cốc từ Biển Đen này, bởi những rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga vẫn chưa được phương Tây dỡ bỏ.

Tình hình trở nên gấp rút và căng thẳng đến độ, sau khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cam kết ủng hộ việc thực thi cả sáng kiến lẫn bản ghi nhớ, để có thể xuất khẩu lương thực và phân bón, bao gồm cả amoniac, từ Nga và Ukraine ra thị trường thế giới một cách an toàn (ngày 21/6), thì đến ngày 3/7, cả Thủ tướng Đức Olaf Scholz lẫn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng "kêu gọi gia hạn sau ngày 17/7 đối với thỏa thuận ngũ cốc được ký dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc".

Kể từ tháng 8/2022, theo Bộ trưởng Giao thông và Cơ sở hạ tầng Thổ Nhĩ Kỳ Abdulkadir Uraloglu, hơn 32 triệu tấn ngũ cốc đã được phân phối ra thị trường thế giới thông qua hành lang ngũ cốc Biển Đen. Hiển nhiên, những chuyến hàng ấy có tác dụng nhất định, trong việc góp phần xoa dịu cơn đói ở những tâm điểm khủng hoảng nhân đạo.

Vấn đề là, những chuyến ngũ cốc từ Biển Đen ấy cũng chỉ là giải pháp tình thế. Thế giới vẫn luôn cần những phương thức "dài hơi" và mang tính căn bản bền vững hơn, để chống lại nạn đói.

Trong đó, bên cạnh tiến trình biến đổi khí hậu, còn một nguy cơ khác, xuất phát từ một nghịch lý khác mà loài người phải đối diện: Đói nghèo sinh ra từ cả xung đột và chiến tranh, nhưng chính sự suy giảm an ninh lương thực cũng có thể là mầm mống xung đột và chiến tranh.