Giám sát những vấn đề nóng của cuộc sống

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đang diễn ra sẽ bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề rất gắn với thời cuộc. Các kỳ họp trước cho đến lần này, cũng như hoạt động của Quốc hội nói chung thời gian qua, đang cho thấy xu hướng đó một cách sắc nét hơn, cụ thể hơn.

Song song công tác thảo luận, bổ sung và thông qua các dự luật; cũng như tổ chức chất vấn thành viên Chính phủ…, Quốc hội ngày càng bám sát vấn đề mà xã hội, dư luận quan tâm trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương. Trong đó, nhiều vấn đề thu hút ý kiến, quan điểm đa chiều trong các thành phần xã hội, các tầng lớp nhân dân, rất cần tiếng nói định hướng của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và sự vào cuộc, giải quyết tích cực hơn của bộ, ngành, địa phương.

Chính vì vậy, ngay trong ngày họp đầu tiên của kỳ họp này, Quốc hội dành thời gian nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, với bốn chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn hai chuyên đề để giám sát tối cao, hai chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Các chuyên đề lần này thể hiện sự quan tâm, tinh thần giám sát chặt chẽ, liên tục của cơ quan dân cử, đại diện tiếng nói, nguyện vọng của đông đảo cử tri cả nước với các vấn đề nổi bật trong xã hội, sẽ góp phần sớm đưa các vấn đề đó vào bàn thảo, đánh giá, tìm hướng tháo gỡ một cách khoa học, rộng rãi và cởi mở. Đặc biệt khi hoạt động này được đưa vào các phiên thảo luận, chất vấn, được truyền tải nhanh chóng qua báo chí, truyền thông đại chúng.

Hội nghị Trung ương 5 vừa qua bàn thảo và quyết định chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là quyết định quan trọng đối với nhiều mặt đời sống xã hội, góp phần mạnh mẽ thúc đẩy vai trò, tầm quan trọng của giám sát ở địa phương. Cùng với Ban chỉ đạo cấp tỉnh, trách nhiệm giám sát cần tiếp tục được khẳng định, giao phó cho các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và chính quyền các cấp thường xuyên hơn, mạnh mẽ hơn nữa về tinh thần và hành động giám sát đối với xã hội, với chính sách, thể chế, với hoạt động của bộ máy công quyền.

Nhìn một cách khái quát, xu thế đổi mới toàn diện hoạt động, bám sát cuộc sống của Quốc hội sẽ ngày càng cho thấy sự quan tâm sâu sắc đối với những gì dân nghĩ, dân mong muốn; cho thấy việc tạo điều kiện để người dân góp ý, người dân kiểm tra công tác lãnh đạo, điều hành ở các cấp. Qua đó, góp phần để những bất cập tồn đọng, những tiêu cực nảy sinh, những bức xúc nổi cộm sẽ được sớm chỉ ra và cùng bàn hướng giải quyết trên tinh thần có sự tham gia tích cực hơn của người dân, dư luận xã hội. Đáng chú ý là việc tăng cường giám sát sẽ vừa đề cao nguyện vọng, vai trò nhân dân, cũng đòi hỏi cao hơn về năng lực, trình độ, phẩm chất của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp khi đồng hành với nhân dân, nhưng cũng phải có gợi mở để đáp ứng những nguyện vọng đó theo hướng tiến bộ, văn minh, văn hóa và nhân văn.

Trong bối cảnh xã hội chịu tác động nhiều chiều từ các diễn đàn, dư luận nói chung, từ sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội; từ tính chất phức tạp của những luồng quan điểm, ý kiến khác nhau, và cả khác biệt giữa mới-cũ, truyền thống-hiện đại… vốn không phải lúc nào cũng dễ tìm được tiếng nói chung, trách nhiệm gợi mở, tìm hướng thống nhất thông qua giám sát, thông qua giải quyết hợp lý, kịp thời các vấn đề của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp càng cần hơn bao giờ hết