Ðể không bỏ sót người thụ hưởng

Ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Nghị quyết thể hiện rõ sự quan tâm, chia sẻ của Ðảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động.

Theo Quyết định số 28/2021/QÐ-TTg hồi đầu tháng 10 hướng dẫn thực hiện chính sách nêu trên, mức hỗ trợ là từ 1,8 triệu đồng đến 3,3 triệu đồng quy định với người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ðối với người sử dụng lao động sẽ được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp...

Trong những ngày đầu triển khai thực hiện gói hỗ trợ tại một số tỉnh, thành phố, người lao động, người sử dụng lao động đều phấn khởi. Với người lao động, dịch bệnh khiến đời sống của họ gặp muôn vàn khó khăn. Gói hỗ trợ phần nào giúp họ ổn định cuộc sống. Cùng đó, việc giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào; nỗ lực thích ứng trạng thái "bình thường mới", duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thực hiện, Nghị quyết số 116 phát sinh một số vướng mắc trong việc xác định đối tượng hưởng hỗ trợ. Cụ thể, đối chiếu với Nghị định số 28/2015/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm, cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa có căn cứ để áp dụng đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội và người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật.

Tại thời điểm 30/9/2021, những trường hợp nêu trên không đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng cũng chưa phải đã ra khỏi danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị sử dụng lao động và thực chất là có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm. Tuy nhiên, Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định 28/2021/QÐ-TTg chưa quy định chi tiết về nội dung này. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, hướng dẫn nhóm đối tượng có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thực chất là được bảo lưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2021 nhưng không có trong danh sách đóng bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 để Bảo hiểm xã hội Việt Nam có cơ sở thực hiện.

Nếu áp dụng đúng hướng dẫn thì số lao động trên cả nước không được hưởng chính sách sẽ rất lớn. Vì vậy, cần xem xét, bổ sung cụ thể hơn nữa về đối tượng thụ hưởng. Trong thời gian chờ đợi hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đội ngũ cán bộ ở cơ sở cần nghiên cứu kỹ Quyết định 28/2021/QÐ-TTg để giải thích cho người lao động tránh gây hiểu lầm về việc "bỏ sót" khi triển khai thực hiện chính sách mới.

Chính phủ thời gian gần đây ban hành hai nghị quyết về hỗ trợ người lao động khó khăn vì Covid-19 là Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116. Một số người lao động chấm dứt hợp đồng lao động vì dịch Covid-19 nhầm tưởng mình chỉ được hưởng một trong hai. Nhưng chính sách hỗ trợ tại hai Nghị quyết này độc lập với nhau và Nghị quyết 116 cũng không quy định về việc người lao động đã nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 thì sẽ không nhận được tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116.

Do đó, nếu người lao động chấm dứt hợp đồng lao động đáp ứng đầy đủ các điều
kiện về việc nhận hỗ trợ Covid-19 ở cả hai Nghị quyết thì sẽ nhận được hỗ trợ ở cả hai. Ðây cũng là điều cần lưu ý để hướng dẫn người lao động cũng như cán bộ thực thi chính sách ■

Hoàng Duy