Đi tìm một... cú sốc

Không quốc gia nào đáng phải nhận sự lựa chọn giữa hai vấn đề: giải quyết tình trạng nghèo đói và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là tuyên bố của đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại Hội nghị cấp cao Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới, vừa khép lại tại Paris. Hội nghị đã đạt được một số bước tiến nhất định, tuy nhiên, diễn biến thực tế lại đang khiến những chặng đường dường như mỗi lúc một trở nên xa hơn gấp bội.
0:00 / 0:00
0:00

Ngày 26/6, một nghiên cứu mang tên Đánh giá Thống kê về Năng lượng Toàn cầu, do Viện Năng lượng có trụ sở tại Anh tiến hành cùng với sự tham vấn của Hãng tư vấn quản lý toàn cầu Kearney (Mỹ) và công ty kiểm toán quốc tế toàn cầu KPMG, cho thấy: "Mức phát thải khí CO2 từ việc sử dụng năng lượng, quá trình công nghiệp, hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch và khí metan... tiếp tục tăng ở mức cao mới, đạt 0,8% trong năm 2022".

Bà Juliet Davenport - Chủ tịch Viện Năng lượng-chỉ ra: "Bất chấp sự tăng trưởng mạnh mẽ trong việc sử dụng năng lượng gió và mặt trời để sản xuất điện năng, mức phát thải khí nhà kính do tiêu dùng năng lượng hóa thạch trên phạm vi toàn cầu gia tăng trở lại. Chúng ta vẫn đang đi ngược lại những cam kết mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu năm 2015 đề ra".

Đến ngày 28/6, Liên minh châu Âu (EU) công bố một dự thảo nhằm kêu gọi các nước chuẩn bị đối phó với tác động ngày một sâu rộng của các cuộc xung đột do biến đổi khí hậu gây ra. Trong đó, EU nhấn mạnh: Xung đột có thể nảy sinh do nhu cầu viện trợ gia tăng, việc gián đoạn chuỗi cung ứng, hay do người dân gặp phải các điều kiện bất lợi nghiêm trọng tại nhà, phải sơ tán trong nước hoặc ra nước ngoài.

Trước đó, theo một báo cáo do các thành viên thuộc liên minh Sáng kiến Quyền Môi trường của Trẻ em (CERI), các tổ chức Plan International, Save the Children và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 22/6, hơn một tỷ trẻ em trên thế giới đối diện những nguy cơ rất cao của tiến trình biến đổi khí hậu, khi không có khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu, như giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh, các dịch vụ bảo trợ trẻ em và xã hội.

Không chỉ vậy, những hiện tượng thời tiết cực đoan cũng làm tăng tỷ lệ lao động trẻ em, tảo hôn, cưỡng bức di dời khỏi nơi cư trú, khiến trẻ em có nguy cơ trở thành nạn nhân của buôn người, bạo lực, lạm dụng và bóc lột sức lao động.

Từ Paris 2015 đến Paris 2023, những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xuất hiện với tần suất thêm dày đặc, cùng những hậu quả mỗi lúc một nặng nề.

Trở lại với Hội nghị cấp cao Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới, sau hơn 100 phiên thảo luận, với sự tham gia của gần 100 nhà lãnh đạo cấp cao các nước và vùng lãnh thổ, cùng đại diện các tổ chức quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)..., các nước phát triển đã đưa ra được một số cam kết cụ thể về hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển. Thí dụ: phân bổ 100 tỷ USD Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cho các nước dễ bị tổn thương; phấn đấu và khả năng cao đạt mục tiêu huy động 100 tỷ USD tài chính cho các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy nâng cao năng lực cho vay của các ngân hàng đa phương thêm 200 tỷ USD trong 10 năm tới...

Mặc dù vậy, ngay trong phiên khai mạc, đại diện của cả WB lẫn IMF, bên cạnh việc đề cập những thành tựu mới đạt được trong việc xây dựng các kênh hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, cũng đều thừa nhận: Năng lực tài chính của họ hiện không đủ để đáp ứng nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển, mà IMF ước tính sẽ lên tới 1.000 tỷ USD/năm vào năm 2025.

Cũng chính vì vậy, điều mà đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, rằng thế giới cần một "cú sốc tài chính công" để không quốc gia nào còn phải lựa chọn giữa phát triển kinh tế với chống biến đổi khí hậu, và rằng hệ thống hiện tại không còn phù hợp, là điều rất đáng suy nghĩ.

Nói như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, các tổ chức tài chính toàn cầu hiện nay quá nhỏ, khả năng thực hiện nhiệm vụ bị hạn chế. Nhìn chung, cấu trúc này đã lỗi thời, chức năng nhiễu loạn và không công bằng, do vậy không làm tròn sứ mệnh cung cấp một mạng lưới tài chính an toàn cho toàn cầu.

Nghĩa là, những vấn đề bất cập mang tính gốc rễ vẫn còn nguyên đó...