Ði đầu xứ Ấn

Là người sở hữu khối tài sản riêng ước chừng 63 tỷ USD, Mu-kẾt Am-ba-ni (Mukesh Ambani) đứng đầu danh sách những người giàu có ở Ấn Ðộ và nhất nhì châu Á. Cũng chính ông đã đưa công nghệ mới vào một tập đoàn thuộc hạng đầu đàn của công nghiệp châu Á và là nguyên mẫu của nhiều giai thoại "bất hư truyền"...

Ði đầu xứ Ấn

Ở đất nước Ấn Ðộ trên một tỷ dân mà sớm lập được doanh nghiệp tư nhân, đóng vai trò đầu tàu ngành công nghiệp toàn quốc, phải kể đến Ði-rup-hai Am-ba-ni (Dhirubhai Ambani, 1932-2002). Ông đang điều hành hãng "Reliance Industries" đóng góp tới 5% tổng thu thuế quốc gia thì bị tai biến mạch máu não khi mới dăm chục tuổi. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may: thay ông đã có người con trai cả, Mu-kết Am-ba-ni.

Ngày 19-4-1957 Mu-kêt ra đời tại A-đen (Y-ê-men, nơi cha mẹ sang đó làm ăn), một năm sau chuyển về sống trong nước. Từng nhận bằng kỹ sư công nghệ hóa học tại Bom-bay (nay là Mum-bai), đang theo học tiếp về quản lý kinh tế tại Ðại học Xtân-pho (Mỹ), anh phải bỏ dở về quê vì cha đổ bệnh và tham gia công việc kinh doanh của gia đình từ năm 1981. Chàng trai 24 tuổi được giao toàn quyền xây dựng một xí nghiệp sợi, nên có cơ hội bộc lộ năng lực quản trị và nhãn quan kinh doanh.

Ði đầu xứ Ấn ảnh 1

Trùm công nghiệp Ấn Ðộ Mu-kết Am-ba-ni bên vợ, trong một lễ ra mắt sách.

Nắm bắt xu thế thời đại

Trước đó, "Reliance Industries" chủ yếu sản xuất, kinh doanh trong ngành bông vải sợi, từ khi Mu-kết cầm lái mới chuyển mạnh sang mặt hàng sợi tổng hợp, các sản phẩm hóa dầu, lọc dầu, rồi dần dần tập trung vào lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí. Chính Mu-kết đã chỉ đạo xây dựng và sau đó nắm quyền điều hành nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới với công suất 660.000 thùng/ngày (cỡ 33 triệu tấn/năm) tại Giam-na-ga, miền Tây Ấn Ðộ, vừa đáp ứng cơn khát xăng dầu của nền kinh tế nước nhà đang tăng trưởng mạnh, vừa xuất khẩu sang 26 quốc gia khác. Ðây cũng là hạt nhân của một tổ hợp công nghiệp chế biến sản phẩm hóa dầu, điện năng, cảng biển và nhiều cơ sở hạ tầng khác.

Năm 2006, ông mở chuỗi siêu thị "Reliance Retail" hạng sang, có điều hòa nhiệt độ, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu ưa thích mua sắm gần nhà, rồi mở các đại lý ở cả những vùng khá xa xôi hẻo lánh, và bằng cách đó bắc cầu nối những thôn làng rộng lớn với tầng lớp quý tộc ở thành thị. Năm 2011, ông bỏ ra 25 tỷ USD để đầu tư theo kế hoạch vào chuỗi siêu thị kinh doanh nhu yếu phẩm. Qua ba thập niên, với khoảng 60 cơ sở, toàn áp dụng những công nghệ mới, sức sản xuất của tập đoàn đã tăng gấp 12 lần. Ông còn đạt được thỏa thuận với chính quyền để thành lập đặc khu kinh tế tại bang Ha-ry-a-na ở phía bắc Ấn Ðộ. Có lẽ chẳng bao lâu nữa, nhà Am-ba-ni sẽ thâu tóm phần lớn lĩnh vực nông nghiệp và bán lẻ của Ấn Ðộ.

Mu-kết Am-ba-ni còn thành lập "Reliance Communications Limited", một trong những trung tâm công nghệ thông tin lớn nhất thế giới. Khi đó ngành viễn thông Ấn Ðộ đâu đã trưởng thành: chưa có nhiều điểm truy cập Wi-Fi công cộng, cơ sở hạ tầng phức tạp cho kết nối băng thông rộng thường không phổ biến tại các vùng đô thị nghèo và còn ít hơn nữa tại các vùng nông thôn, cứ năm người trưởng thành mới có một người được truy cập in-tơ-nét. Kết hợp in-tơ-nét với giáo dục là hướng phát triển mới nhất của Mu-kết, vậy nên ông bỏ ra gần 1 tỷ USD để mua lại 95% cổ phần của Công ty "Infotel Broadband" đang độc quyền thực hiện mạng 4G ở 22 tỉnh của Ấn Ðộ, rồi mua tiếp 38,5% vốn của "Extramarks" chuyên về dạy học trực tuyến (e-learning) và đầu tư nhiều tỷ USD vào xây dựng gần 100.000 tháp viễn thông trên toàn quốc. Từ ngày 5-9-2016, mạng 4G "Reliance Jio" của ông đã chính thức phủ sóng khoảng 18.000 thành phố và 200.000 thôn làng, bao gồm hơn 80% dân số Ấn Ðộ. Mạng này cho phép sử dụng miễn phí tới hết năm 2016, sau thời hạn đó chỉ thu một lệ phí tượng trưng là 149 ru-pi (khoảng 50.000 đồng tiền Việt) mỗi tháng. Nếu mạng Jio hoạt động thành công, Mu-kết Am-ba-ni sẽ có đà để đẩy nhanh dự án với tham vọng đưa "thế giới phẳng" đến hàng tỷ người dân Ấn Ðộ.

Là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, nắm giữ 48% cổ phần của một tập đoàn có doanh số tương đương 4% GDP của toàn Ấn Ðộ, Mu-kết Am-ba-ni còn đảm nhiệm những chức vụ quan trọng khác trong Ban Giám đốc của Tập đoàn "Bank of America", Ban Cố vấn quốc tế của Hội đồng Quan hệ đối ngoại và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện quản lý Ban-ga-lo - một trong những trường kinh doanh hàng đầu ở Ấn Ðộ.

Những giai thoại "trần đời có một"

Mu-kết Am-ba-ni làm chủ sở hữu đội bóng gậy "Mumbai Indians" nổi tiếng và được coi là ông bầu thể thao giàu nhất thế giới. Chuyện riêng tư của người giàu "nứt đố đổ vách" cũng khó lọt khỏi mắt người ngoài và trở thành đầu nguồn của những giai thoại "trần đời có một". Sau khi người cha qua đời (2002), Mu-kết Am-ba-ni sa vào cuộc tranh chấp với em trai ruột về phân chia di sản kế thừa, anh em ruột thịt "không buồn nhìn mặt nhau" một thời gian dài mới tạm ổn thỏa. Người em, cũng là một "lãnh chúa truyền thông Ấn Ðộ", có thể hòa mạng với anh trai để tạo nên một hệ thống thông tin hùng mạnh hơn nữa. Chuyện hôn nhân của Mu-kết cũng được truyền tụng rôm rả: khi đang chở nàng Nit-ta trên chiếc xe chạy trên quãng đường đông đúc xe cộ, chàng bỗng phanh kít, tắt máy rồi trịnh trọng ngỏ lời cầu hôn. Nàng giục chàng cứ chạy xe đi hẵng, kẻo dòng xe phía sau đang giục còi inh ỏi, rồi sẽ trả lời sau, nhưng chàng không chịu nổ máy lại, tiếp tục nằn nì... Phải đến khi nàng gật đầu, chàng mới chịu lái xe đi tiếp. Hai người đã làm lễ thành hôn năm 1985 và có với nhau bốn mặt con, hai trai hai gái. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 44 của vợ, chàng dâng tặng nàng hẳn một chiếc... máy bay, mác "Airbus 319" hẳn hoi, trị giá 49 triệu ơ-rô (hơn 1.300 tỷ đồng tiền Việt). Năm 2007, Mu-kêt Am-ba-ni còn xây tại thủ đô Mum-bai một tư dinh cao tới 200 m, có ba bãi đáp trực thăng, một rạp hát 50 chỗ ngồi, một phòng khiêu vũ trang hoàng đèn nến bằng vàng ròng, nhiều vườn treo và nuôi đến 600 nhân viên chuyên lo vệ sinh, bảo dưỡng. Công trình được sơ toán khoảng 1 tỷ USD, bằng thu nhập của ông trong chưa đầy... nửa tháng, vì mỗi ngày "trùm công nghiệp" kiếm được gần 80 triệu USD, tức mỗi giờ bỏ túi hơn 3,3 triệu USD.