TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh:

Để tiếng Việt chạm trái tim trẻ xa xứ

Từ năm 2022, ngày 8/9 hằng năm chính thức trở thành Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Là tác giả của bộ sách Chào Tiếng Việt vừa ra mắt, TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh bày tỏ niềm hạnh phúc, “khi từ nay sẽ có một ngày mà chúng ta dành để nói với nhau về tiếng Việt, về hành trình đưa tiếng Việt đi khắp thế gian”. Làm thế nào để các em lớn lên và trưởng thành cùng tiếng Việt là chủ đề mà chị muốn chia sẻ cùng Nhân Dân hằng tháng nhân dấu mốc đặc biệt này.
0:00 / 0:00
0:00
TS Nguyễn Thụy Anh với tập 2 trong bộ sách Chào Tiếng Việt vừa ra mắt.
TS Nguyễn Thụy Anh với tập 2 trong bộ sách Chào Tiếng Việt vừa ra mắt.

Đưa tiếng Việt vào cuộc sống để hình thành động lực học

Từ những quan sát, trải nghiệm và nghiên cứu thu được sau nhiều năm đồng hành, nỗ lực lan tỏa tình yêu ngôn ngữ mẹ đẻ cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài, chị có thể phân tích điểm khác biệt của hai đối tượng có nhu cầu tiếp cận hiện nay, các bạn nhỏ Việt kiều và người nước ngoài muốn học tiếng Việt?

Thứ nhất, người nước ngoài học tiếng Việt là học ngoại ngữ có động lực, có mục đích. Phần lớn các em nhỏ gốc Việt ở nước ngoài bắt đầu học tiếng Việt là do ông bà, bố mẹ mong muốn chứ chưa phải xuất phát từ nhu cầu tự thân. Điểm khác biệt rất căn bản này sẽ quy định phương pháp tiếp cận người học. Với các em nhỏ Việt kiều, bước đầu tiên cần làm là đưa tiếng Việt vào cuộc sống một cách tự nhiên, tạo hứng thú và cảm xúc với tiếng Việt thông qua các hoạt động sinh hoạt và học tập thường ngày, từ đó giúp hình thành động lực học.

Khác biệt thứ hai là các em nhỏ gốc Việt lại có một "môi trường ngôn ngữ" - tuy chưa đầy đủ nhưng có thể là "hậu thuẫn" đắc lực cho việc học - đó là mỗi em đều có mối liên hệ sâu xa nào đó với quê hương thông qua bố hoặc mẹ, cộng đồng người Việt ở nước sở tại, những mối giao cảm huyết thống và truyền thống không lời. Nếu biết tận dụng điều này một cách có phương pháp, việc dạy và học tiếng Việt sẽ có nhiều thuận lợi.

Riêng với đối tượng trẻ em, điểm khác biệt nằm ở tư duy trực quan, hiếu động, thích chơi trò chơi, ham hiểu biết, có thể tiếp nhận ngôn ngữ tự nhiên bằng cách bắt chước và hài hước. Tuy nhiên, ở vị thế người học tiếng Việt, các em lại khác các bạn nhỏ ở Việt Nam khi tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai bên cạnh ngôn ngữ bản địa thường xuyên được sử dụng trong sinh hoạt và học tập; các lỗi sai về tư duy ngữ pháp và phát âm cũng rất đặc trưng, liên quan đến đặc điểm riêng của ngôn ngữ và văn hóa bản địa.

Để tiếng Việt chạm trái tim trẻ xa xứ ảnh 1

Các hoạt động học thông qua trò chơi, dự án, kể chuyện ở Trại tiếng Việt Stuttgart (Đức) năm 2018. Ảnh trong bài | NVCC

Từ những điểm khác biệt đó, chị rút ra được những kinh nghiệm quý giá gì để áp dụng vào nỗ lực bắc nhịp cầu ngôn ngữ nhiều năm theo đuổi?

Sau khi nghiên cứu "đối tượng", tôi nghĩ, phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt ở nước ngoài phải nằm ở những điểm giao thoa giữa việc học ngoại ngữ và học tiếng mẹ đẻ. Và từ các đặc điểm khác biệt của trẻ, chúng ta sẽ có được phương pháp tiếp cận và bộ công cụ đi kèm để tạo động lực học, tăng vốn từ, hình thành các modul ngữ pháp và tạo cơ hội sử dụng ngôn ngữ thông qua trải nghiệm thực tế, tận dụng "môi trường ngôn ngữ nhỏ" mà người thân và cộng đồng người Việt mang lại cho các em.

Đó có phải là hướng đi mà chị lựa chọn, khi viết bộ sách Chào Tiếng Việt!?

Để tạo hứng thú, đáp ứng nhu cầu khám phá và vận động của các em, Chào Tiếng Việt! có những câu chuyện nho nhỏ thú vị và hài hước, những hoạt động học liên quan đến vận động, trò chơi, việc làm cụ thể. Để các em có môi trường rèn luyện ngôn ngữ tự nhiên, bộ sách đưa ra "các nhiệm vụ, thử thách" giúp các em có cơ hội nghe, nói, thực hành thông qua trải nghiệm thực tế. Những bài tập kiểu này giúp các em gần gũi hơn với người thân, đồng thời là cơ hội rèn luyện kỹ năng sống và phát triển bản thân. Chẳng hạn, cùng người thân nấu một món ăn; cùng tưởng tượng và thiết kế khách sạn; cùng sáng tạo ra một điệu nhảy... qua đó, tiếng Việt được sử dụng sinh động, tự nhiên.

Các ngữ liệu được lựa chọn đa dạng, phong phú, hợp lứa tuổi nhưng lại được đưa ra vừa đủ, tiết chế khiến người học không bị ngợp. Hình ảnh minh họa và thiết kế chế bản cũng tham gia vào việc truyền tải nội dung, ngữ nghĩa của từ và các modul ngữ pháp, giúp trẻ không học theo phương pháp dịch mà "nghĩ" bằng tiếng Việt.

Dạy tiếng Việt phải linh hoạt, sáng tạo

Được biết, chị từng có nhiều năm kinh nghiệm thực tế giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam và từng thiết kế quy trình, nội dung, phương pháp và đồng tổ chức trại hè-lớp học tại nhiều nước châu Âu. Thời gian truyền tình yêu ngôn ngữ mẹ đẻ tới các em chắc để lại trong chị rất nhiều kỷ niệm đẹp?

Kỷ niệm thì nhiều lắm. Tôi nhớ những đứa trẻ ban đầu... sợ phải nói tiếng Việt, như hai cậu bé được quy định ở nhà chỉ được dùng tiếng Việt, mỗi khi chuyển sang tiếng Nga đều thì thào sợ sệt. Có bố mẹ phải sắm roi để dọa mới ép được bạn ngồi xem hết một chương trình kể chuyện bằng tiếng Việt. Có em bé khóc lóc trình bày, phải nói tiếng Việt con mệt lắm! Thế nhưng, cũng chính bạn nhỏ ấy về sau đã dõng dạc đọc một bài thơ tiếng Việt, trước khi đọc còn tự hào giới thiệu: "Con là người Việt Nam". Lại chính hai cậu bé kia, về sau trở nên rất tự tin, đáng yêu và luôn muốn về thăm Việt Nam, luôn thích rủ rỉ trò chuyện với ông bà... Chính các em cho tôi định hướng về phương pháp dạy: phải nương theo mà điều chỉnh, các em thích hoạt động nào thì đưa tiếng Việt vào qua hoạt động đó.

Điều tôi cứ nghĩ đến lại thấy cảm động là tiếng Việt còn có thể giúp xây dựng phông nền cảm xúc cho các em. Ở trại hè Vui cùng tiếng Việt tại Ba Lan và Trường phù thủy Stuttgart tại Đức, tôi đọc và kể những câu chuyện tương tác dựa trên các tác phẩm của Võ Quảng, Xuân Quỳnh, Lê Phương Liên, Trần Đức Tiến, v.v. Tôi thấy rõ sự thay đổi về cảm xúc: gắn bó, tự hào, muốn chia sẻ nhiều hơn với người thân và cộng đồng người Việt ở nước ngoài của các em. Một em bé tự hào khoe mẹ bán hàng ở khu chợ người Việt sau khi được nghe câu chuyện về giá trị của lao động cùng sự cống hiến của mỗi người cho cộng đồng. Một bạn trẻ người Việt ở Na Uy bày tỏ mong muốn học tiếng Việt " để trò chuyện với bà ngoại bằng tiếng Việt nhiều hơn"...

Đó cũng là động lực mạnh mẽ giúp các em giữ được nhu cầu nói tiếng Việt, học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa Việt lâu dài.

Là một người được đào tạo bài bản về Ngôn ngữ học và Giáo dục học, lại có nhiều năm kinh nghiệm thực tế giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt tại nhiều nước châu Âu, chị có thể đưa ra một số nhận xét và phân tích về thực trạng hoạt động dạy và học tiếng Việt tại nước ngoài hiện nay?

Tôi cảm thấy rất khâm phục sự kiên nhẫn, bền bỉ của các anh chị tổ chức các nhóm, lớp, trường dạy tiếng Việt ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều người tham gia có chuyên môn sư phạm, nhưng cũng có người "tay ngang". Đó vừa là khó khăn, đồng thời cũng lại khiến câu chuyện dạy tiếng Việt trở nên phong phú hơn ở các góc độ tiếp cận. Tôi rất thích cách làm của nhiều nhóm, khi dạy tiếng Việt thông qua các hoạt động nghệ thuật như múa, hát dân ca, vẽ, diễn kịch...

Tuy nhiên, việc hỗ trợ, củng cố phương pháp và nâng cao kỹ năng sư phạm vẫn là điều cần thiết cho lộ trình lâu dài và hiệu quả của việc giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ sau. Nếu không, động lực học được khơi dậy ban đầu cũng sẽ dần bị mất đi.

Nhiều người vẫn cho rằng, tập huấn cho các thầy cô, người dạy về kiến thức tiếng Việt là quan trọng nhất mà coi nhẹ tập huấn phương pháp (cách thức tổ chức một buổi học; quy trình và các kỹ thuật, các thao tác của giáo viên; cách thiết kế bài dạy trên cơ sở văn bản, ngữ liệu). Nếu nắm chắc những kỹ thuật ấy, giáo viên sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ bộ sách nào và có thể sử dụng các bộ sách, các nguồn ngữ liệu trong tay một cách linh hoạt, chủ động.

Sai lầm nhất là việc chỉ dùng duy nhất một cuốn sách giáo khoa hay một bộ sách cụ thể. Người biên soạn dù có giỏi mấy cũng không thể tiếp cận được người học-cá thể. Chỉ có người hướng dẫn trực tiếp, người dạy mới hiểu được đối tượng của mình (từ nhu cầu và mong muốn đến sở trường, trình độ và cả đặc điểm khác biệt của nền văn hóa các em được nuôi dưỡng), từ đó mới lựa chọn chính xác chủ đề, bài đọc, đoạn hội thoại, đoạn thơ... và hoạt động phù hợp với người học.

Bởi vậy, để đề án Tôn vinh tiếng Việt cổ vũ được những người tâm huyết cùng tiếng Việt và kết nối họ thành sức mạnh lan tỏa, đưa tiếng Việt đi khắp năm châu thì cần phải lưu ý một vài điểm sau. Dạy học nói chung đã cần linh hoạt, sáng tạo thì dạy tiếng Việt ở nước ngoài cho trẻ em Việt kiều càng phải linh hoạt, sáng tạo hơn. Việc tập huấn giáo viên, bên cạnh củng cố kiến thức ngôn ngữ và phương pháp dạy học còn cần truyền cảm hứng, tạo niềm tin và sức mạnh để các giáo viên xa xứ có thêm quyết tâm tiếp tục công việc không đơn giản của mình. Mà để làm được điều ấy cũng cần... có phương pháp!

Trân trọng cảm ơn chị!