Để "người nhà nước" yên tâm công tác

Vấn đề này vốn không mới, thậm chí rất cũ, nhưng vẫn đang được dư luận đặt ra, nhất là thời gian gần đây, diễn ra tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, đặc biệt là các nhân viên y tế, gây thiếu hụt nguồn nhân lực và đã có những hệ quả ảnh hưởng đến xã hội.
0:00 / 0:00
0:00

Báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam cho thấy, sáu tháng đầu năm nay, đã có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc, trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế… Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế vốn đã quá tải vì lượng bệnh nhân đông, nay lại trong tình trạng thiếu hụt cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chăm sóc người bệnh. Trong tình huống này, không ít chuyên gia cho rằng, ngành y tế cần cải thiện ngay môi trường làm việc, tìm cách nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế, về lâu dài rất cần những chính sách mang tầm chiến lược, v.v.

Rõ ràng, những vấn đề mà các chuyên gia đặt ra đã không còn là tình trạng của riêng ngành y. Vướng mắc mấu chốt dễ nhận ra là đãi ngộ quá thấp, môi trường kém linh hoạt và việc thăng tiến ít dựa vào đóng góp, năng lực cụ thể... cũng là những lý do khiến ngày càng nhiều người rời bỏ ước mơ "biên chế".

Vậy nguồn chất xám này đi về đâu? Khảo sát bước đầu của nhiều nhóm chuyên gia cho thấy, với các bác sĩ, nhân viên y tế có chuyên môn sâu, tay nghề cao thì rất ít khi bỏ nghề mà họ chuyển sang khối tư nhân với chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc, năng động và linh hoạt hơn. Tương tự, cũng đã có không ít cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở các lĩnh vực khác nhau, thời gian qua cũng xin nghỉ việc, để tìm kiếm, tham gia những môi trường khác ngoài nhà nước.

Từ câu chuyện của ngành y, từ thực tiễn cuộc sống, suy rộng ra là cơ chế, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức khối nhà nước đang đòi hỏi cần nhanh chóng được cải tổ, đổi mới. Có những kiến nghị đã hàng chục năm nay, rõ nhất là những kiến nghị tới Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án cải cách tiền lương, đổi mới phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng phân phối theo lao động, có thước đo cả định tính và định lượng hiệu quả, có cơ chế phát huy năng lực cá nhân, cắt giảm một số gánh nặng không cần thiết như các giấy tờ, thủ tục hành chính... tạo điều kiện để họ được làm việc đúng với chuyên môn, từ đó yên tâm công tác.

Cùng đó, việc tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, trang bị đầy đủ trang thiết bị, máy móc, không gian làm việc, có định hướng phát triển rõ ràng cho những vị trí đặc thù là những yêu cầu cấp bách, khuyến khích người lao động khối nhà nước. Điều đáng mừng, bên cạnh việc siết kỷ luật công vụ thời gian qua, thì những cơ chế, chính sách mới nhằm khuyến khích, trọng dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng đang dần được Đảng và Nhà nước quan tâm, đổi mới.

Hiện nay, nhiều người cho rằng làm việc trong nhà nước hay dân doanh nếu có môi trường tốt đều đem lại lợi ích cho xã hội và đất nước. Từ thực tế ấy, có thể thấy nếu làm tốt công tác chính sách, tạo những cơ chế công bằng, sẽ dần đem lại những kết quả tích cực cho môi trường làm việc nói chung.