Ðầu tư công và hiệu ứng tích cực lan tỏa

NDO - Kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng là những công cụ, giải pháp mà các quốc gia luôn tính tới mỗi khi có nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại do nhiều lý do, nhất là do những tác động khách quan, không mong muốn đến từ tình hình bên ngoài, trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước-đầu tư công, luôn được tính đến trước.
0:00 / 0:00
0:00
Chú thích ảnh: Tuyến đường cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn đoạn qua Ninh Bình. Ảnh | TRẦN HẢI
Chú thích ảnh: Tuyến đường cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn đoạn qua Ninh Bình. Ảnh | TRẦN HẢI

Một trong ba đột phá chiến lược

Năm 2023 là năm bản lề quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, quyết định việc hoàn thành các chương trình, đề án, mục tiêu, chỉ tiêu do Đại hội XIII của Đảng đặt ra, trong đó có ba khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Ở năm bản lề này, Quốc hội, Chính phủ bố trí tới 726,7 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023, cao hơn khoảng 38% so với kế hoạch vốn năm 2022. Nếu tính cả kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang thì tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 khoảng 816 nghìn tỷ đồng, là hợp lý. Việc tập trung cao độ cho đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số với tổng nguồn vốn chiếm khoảng 40% tổng chi ngân sách Nhà nước (khoảng 2 triệu tỷ đồng) là những nỗ lực phục hồi kinh tế và duy trì tăng trưởng vô cùng quan trọng bởi tính chất lan tỏa, cộng hưởng, dẫn dắt đối với cả nền kinh tế.

Nhờ những nỗ lực vượt bậc của Chính phủ trong quản lý, điều hành, của Quốc hội trong kiểm tra, giám sát mà tiến độ triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được bảo đảm về tiến độ. Nhiều dự án giao thông lớn, trọng điểm trục Bắc-Nam, trục Đông-Tây, đường vành đai của hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các cảng hàng không Phú Bài, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Long Thành, một số cảng biển, luồng tuyến hàng hải, đường sắt nội đô, đường sắt Bắc-Nam... đã được đồng loạt khởi công, đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư với nhiều cơ chế, chính sách thí điểm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy định liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông.

Nhiều dự án năng lượng có vai trò quan trọng đi vào vận hành như dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vân Phong 1, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời được hòa lưới. Hạ tầng lưới điện được đầu tư, tăng cường năng lực truyền tải và cung ứng điện tới các hộ tiêu dùng. Hạ tầng số hiện đại được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xây dựng xã hội số. Hạ tầng thương mại ngày càng hoàn thiện, phát triển nhanh, chuyển dần từ hệ thống các chợ, cửa hàng truyền thống sang các trung tâm thương mại hiện đại, nhất là tại các thành phố lớn. Hạ tầng đô thị, thị tứ, khu dân cư tập trung tiếp tục được hoàn thiện, đưa tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,7% năm 2023. Hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư với 73,65% số xã trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới (số liệu tháng 6 năm 2023) với 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới,...

Hiệu lực, hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng GDP

Các tuyến đường chính là mạch máu của mỗi quốc gia. Với địa hình trải dài từ bắc vào nam, tuyến đường bộ cao tốc phía đông đang hình thành được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, chọn làm dự án trọng điểm quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, bố trí vốn và giám sát tối cao việc Chính phủ tổ chức thực hiện.

Với 659 km đường bộ cao tốc đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm nay đã nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.822 km, nhờ đó mà các địa phương trở nên gần với nhau hơn. Với các tuyến đường bộ cao tốc mới mở, giao thông đường bộ trở nên an toàn và thuận tiện hơn, thời gian hành trình được rút ngắn rất đáng kể. Thí dụ, sau khi đoạn tuyến Dầu Giây-Phan Thiết được hoàn thành, nối với cao tốc hiện hữu TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây giúp rút ngắn thời gian từ TP Hồ Chí Minh tới thành phố Phan Thiết xuống chỉ còn 2,5 giờ, thay vì 5 giờ như trước đây. Chính các công trình, dự án hạ tầng này đã góp phần thiết lập các liên kết kinh tế địa phương, kinh tế vùng, hình thành các tuyến du lịch mới, giảm chi phí logistics,... tác động lan tỏa tích cực đến toàn bộ nền kinh tế.

Cùng với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua và các quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ quốc gia, vùng và địa phương, các công trình, dự án hạ tầng mới sẽ góp phần khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các ngành, các địa phương để tạo ra các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho phát triển. Mới đây, Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia đã được thành lập để thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia phù hợp xu thế phát triển của quốc tế, điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm tầm nhìn chiến lược, dài hạn. Đây là dự án đầu tư công có quy mô rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến phát triển kinh tế-xã hội đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư lớn.

Từ nay đến hết năm chỉ còn chưa đầy ba tháng, nhiệm vụ còn khá bề bộn khi tỷ lệ giải ngân tuy cao hơn các năm trước nhưng chỉ mới đạt hơn 50%. Những khó khăn, thách thức đang cản trở tiến độ xây dựng và giải ngân có thể là những vướng mắc về pháp lý liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, nhất là rừng phòng hộ, vườn quốc gia; quản lý đất, cát san nền; năng lực quản lý một số công trình, dự án giao thông đã giao địa phương làm chủ đầu tư liên quan đến nhiều địa phương lân cận vùng dự án; năng lực tài chính, tổ chức thi công của một số nhà thầu; tỷ lệ khống chế vốn nhà nước tham gia các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; chậm giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư; tình trạng khan hiếm hay tăng giá nguyên vật liệu...

Do đó, việc khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề phát sinh mới là vô cùng quan trọng, trong đó có khó khăn, vướng mắc, thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng phục vụ các công trình giao thông trọng điểm. Theo đó, những vướng mắc về quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ nên tập hợp sớm để kịp thời báo cáo Quốc hội ngay tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV để giải quyết bằng một nghị quyết chuyên biệt, hay trong nghị quyết chung của kỳ họp, không chỉ cho năm nay mà cả các năm còn lại của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Kiên quyết khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, ngại khó và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực theo tinh thần Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ.

Chỉ có như vậy, kế hoạch đầu tư công không chỉ của năm 2023 và cả trung hạn 5 năm 2021-2025 mới có thể hoàn thành toàn diện, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, hướng tới các cột mốc lịch sử kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước và nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Với việc các công trình, dự án hạ tầng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, tăng 12 bậc theo Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu tháng 5 năm 2023 của Economist Intelligence Unit và xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 1 bậc, xếp thứ 32 trên 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Trong bối cảnh khó khăn, đầu tư công trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Trong chín tháng đầu năm, vốn giải ngân đạt 363 nghìn tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch. Ðặc biệt hơn là, vốn kế hoạch năm nay cũng cao chưa từng có và số vốn giải ngân tuyệt đối năm nay cao hơn năm ngoái hơn 110 nghìn tỷ đồng.