GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội:

“Ðầu tư cho giáo dục đúng mức tạo nên bình đẳng xã hội"

NDO - GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội (ảnh bên) đã có những bài nói chuyện đầy tâm huyết và nhân văn với sinh viên, được chia sẻ nhiều trên báo chí và mạng xã hội. Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, GS, TS Nguyễn Văn Minh trò chuyện với Nhân Dân hằng tháng về những điều ông suy nghĩ, trăn trở về nghề giáo và ngành giáo dục...
0:00 / 0:00
0:00
 “Ðầu tư cho giáo dục đúng mức tạo nên bình đẳng xã hội"

Giáo sư đánh giá thế nào về thế hệ trẻ hiện nay, trong đó có những sinh viên đang học Trường đại học Sư phạm Hà Nội?

Tôi nhận thấy giới trẻ bây giờ giỏi, tiếp cận nhanh với thế giới, năng động hơn, cách nhìn phóng khoáng hơn. Nhưng tôi luôn nhắc các em làm sao xây dựng cho mình một chuẩn mực. Khi đã có chuẩn mực thì định vị các giá trị sẽ không bị xô lệch. Cần nhớ rằng trong bất cứ người trưởng thành nào đều có gốc rễ từ quê hương, đất nước và dân tộc mình. Trên cơ sở như vậy, người ta sẽ nắm bắt, tìm hiểu và trang bị cho mình những tri thức của nhân loại. Người có gốc rễ sẽ trăn trở làm gì có ích cho quê hương, nguồn cội.

Chúng ta đang thời kỳ hội nhập, nhưng hội nhập thì cần cái riêng của mình, đó là bản sắc. Khi nói về bản sắc, chúng ta không thể nói hãy giữ bản sắc đi, mà cách chính thống nhất là qua con đường giáo dục, nhưng giáo dục không phải bó hẹp trong khuôn viên của nhà trường mà phải trong ba trụ cột: nhà trường, gia đình và xã hội. Từ đó có thể tạo nên giá trị, chuẩn mực cơ bản. Chúng ta có thể thấy, khi mà kinh tế phát triển, một số giá trị truyền thống bị xô lệch. Thí dụ như giá trị về gia đình - một giá trị căn cốt của người Việt - nhưng dưới sự tác động của bên ngoài khiến các mối quan hệ trong gia đình xa cách dần.

Tôi muốn sinh viên ra trường phải thấm nhuần gốc rễ bản sắc của dân tộc và trên cơ sở đó, cùng nhau định hình những giá trị tốt đẹp. Có những chuẩn mực sẽ biến chuyển để phù hợp với thời đại, nhưng có những chuẩn mực căn cốt thì thời đại nào cũng đúng, như ra đường gặp người yếu thế thì giúp đỡ. Có đáng suy ngẫm không, khi ai đó xem dắt tay bà cụ sang đường như là biểu tượng của việc làm tử tế, mà lẽ ra đó là việc bình thường của một người tử tế? Lẽ nào sự tử tế thiếu vắng đến thế chăng?

Trong lời nhắn nhủ với hơn 1.300 tân cử nhân sư phạm chuẩn bị ra trường, vì sao giáo sư cho rằng đối với giáo viên sức mạnh là sự cảm hóa chứ không phải hình phạt và đừng biến học sinh thành công cụ thực hiện tham vọng của mình?

Sức mạnh của giáo dục là cảm hóa và phải bắt đầu từ cảm hóa. Trừng phạt là biện pháp cuối cùng và bất khả kháng, có lúc bao hàm cả sự bất lực. Sự trừng phạt làm người ta chống đối, sự cảm hóa làm người ta nhận ra được những sai lầm của mình, nhận thức được từ bên trong, như vậy mới bền vững.

Vì sao giáo dục hiện nay gặp khó. Có nhiều tác động đến với thầy cô, đến môi trường sư phạm. Nhà trường dạy con không vượt đèn đỏ nhưng đâu đó chính bố mẹ lại chở con vượt đèn đỏ. Truyền thông đưa quá nhiều câu chuyện tiêu cực về thế giới học đường, làm nhiều thầy cô co lại, sợ hãi. Sự sợ hãi ấy làm họ không dám có những hành động chính đáng. Nhưng như vậy, tổn thương lớn nhất là học trò. Có chuyện phụ huynh bắt giáo viên quỳ, đó là một nỗi đau, người thầy giáo quỳ sẽ đứng trên bục giảng như thế nào? Chúng ta không khái quát hóa hình ảnh đó nhưng cũng dóng lên một hồi chuông cảnh tỉnh rằng những giá trị đang bị xô lệch, thậm chí đâu đó đang bị đảo lộn.

Trường đại học Sư phạm Hà Nội là trường đào tạo giáo viên lớn nhất nước thì việc đầu tiên là giáo dục về tư cách, cách ứng xử giữa người và người. Trong muôn hình vạn trạng các hiện tượng xã hội đang diễn ra, người giáo viên cần có bản lĩnh để có cách ứng xử phù hợp nhất.

Chúng ta cũng đừng biến học sinh thành công cụ thực hiện tham vọng của mình, trong đó có bệnh thành tích. Bệnh thành tích dẫn đến nạn cấy điểm, làm đẹp học bạ, làm nảy sinh những hệ lụy trong tương lai con em chúng ta.

Thành công của người làm giáo dục là khiến đứa trẻ trưởng thành lên chứ không phải những kết quả bằng điểm số. Cho nên, thầy cô cần phải thay đổi theo hướng phát hiện và phát triển học sinh theo những thiên hướng riêng, đừng vì những xếp loại, đừng vì giấy khen, bằng khen mà áp đặt hay “nâng đỡ” các em. Những thay đổi này liên quan đến cả một hệ thống.

Thi đua là tốt, nhưng không ít nơi coi các thành tích như thước đo, ít quan tâm đến thực chất. Tôi nghĩ nếu các cấp quản lý trong giáo dục nhìn nhận rằng hôm nay học sinh của mình tiến bộ hơn ngày hôm qua quan trọng hơn những bằng khen thì mọi điều sẽ tốt đẹp hơn. Rất nhiều năm tham gia xem xét kết quả kỳ thi phổ thông quốc gia, tôi rất trăn trở khi các tỉnh miền núi Tây Bắc bao giờ cũng nằm tốp dưới. Nếu chúng ta nhìn nhận kết quả đó như một trong những tiêu chí để đánh giá về thành tích của giáo dục vùng Tây Bắc thì cũng xót xa vì điều kiện kinh tế-xã hội, điều kiện giáo viên, học sinh đều gặp vô vàn khó khăn. Cho nên phải thoát ra khỏi ám ảnh của những giấy khen, điểm số không thực chất. Điều này chỉ làm được khi các cấp quản lý phải thay đổi tư duy, có đầu tư đúng mức. Cấp quản lý chưa thay đổi thì giáo viên cũng không thể thay đổi.

Đảng vàNhà nước coi giáo dụcđào tạolà quốc sách hàng đầu và đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo cảm nhận của ông, những sinh viên tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội có gánh vác được sứ mệnh này trong tương lai?

Xuyên suốt quá trình đào tạo, Trường đại học Sư phạm Hà Nội luôn luôn đặt ra yêu cầu về nhân cách, tình thương, trách nhiệm của giáo viên, mọi giờ học đều thấm đẫm tinh thần đó. Bất cứ môn học nào chúng ta đều có thể đưa vào đó giá trị nhân văn.

Có hai nội dung nhà trường muốn lồng vào mọi nơi, mọi lúc, đó là căn bản và toàn diện. Giáo dục phổ thông phải làm sao đào tạo được những học sinh có thể vận dụng được kiến thức. Từ chỗ chỉ có kiến thức, phải nhìn nhận khả năng làm được gì của học sinh. Đó chính là tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và cũng là xu thế của thời đại: Học để làm gì? Làm sao cho sinh viên sư phạm phải thấm được tinh thần đó và khi ra trường trở thành người thầy phải biểu hiện điều đó.

Để làm được điều này, trong mấy chục năm qua, Trường đại học Sư phạm Hà Nội đã thay đổi chương trình theo xu hướng đó, coi chương trình đào tạo của nhà trường như là nguồn sáng để chiếu xuống. Ở đại học phải học phổ rộng hơn, để sau này giáo dục phổ thông có biến chuyển thì các thầy cô giáo tương lai có thể thích ứng được. Chúng tôi thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Nghiệp vụ sư phạm nhằm trang bị giúp sinh viên từ cách ứng xử, cách trình bày bảng, cách thao tác với các thiết bị công nghệ, các tình huống sư phạm... Mục đích cuối cùng là chuyển những tri thức ấy đến với học sinh để họ hiểu, nắm được tri thức và có thể làm được gì, thích ứng được những chuyển biến trong tương lai.

Giáo sư suy ngẫm gì khi xem đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, nhưng gần đây hiện tượng giáo viên bỏ nghề tăng lên, thậm chí có giáo viên phải giấu bằng đi làm công nhân?

Phải đánh giá đúng lao động nhà giáo, từ đó, mới có chế độ chính sách phù hợp. Ai cũng nói đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, nhưng chúng ta nên nhớ rằng đầu tư cho giáo dục một cách đúng mức là tạo nên sự bình đẳng xã hội. Bởi vì có hiểu biết mới bình đẳng được. Khi dân trí không bằng nhau, dẫn đến cơ hội không bằng nhau thì rất khó bình đẳng. Cần có những quyết sách sát sườn hơn nhất là trong cơ chế thị trường này để có sự phát triển giáo dục tương đối cân bằng giữa các thành phố lớn và các vùng nông thôn, miền núi. Chúng ta đã làm nhưng cần có những quyết sách thực tiễn hơn.

Trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ưu tiên xếp lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên tôi cho rằng lương giáo viên phải đặt trong điều kiện của đất nước. Vấn đề đặt ra là tổng thu nhập của giáo viên trên mặt bằng mà họ đang sống có đáp ứng được mức sống bình thường không. Nói gì thì nói, có thực mới vực được đạo, sự hy sinh, sự cống hiến có thể trong một giai đoạn nào đó nhưng không thể như thế mãi. Giáo viên mầm non, ngoài việc dạy trẻ còn chăm sóc trẻ từ sáng đến tối, lao động cực nhọc nhưng lương quá thấp, không bằng lương công nhân lao động chân tay. Đó là một nghịch lý, một điều không bình thường dẫn đến thực tế nhiều giáo viên mầm non phải bỏ nghề. Nếu chúng ta không có những quyết sách phù hợp thì tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra.

Và như thế sẽ làm suy giảm chất lượng giáo dục dẫn đến những hệ lụy khủng khiếp. Tôi muốn nhắc đến câu nói của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy. Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy. Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!