Dấu ấn điêu khắc Lê Ðình Quỳ

NDO - Ấn tượng với tôi, cũng có thể với nhiều người cùng thời về một Lê Ðình Quỳ, bắt đầu từ tác phẩm: Lão dân quân Hoằng Trường  của ông.

Không hiểu đây có phải là tác phẩm đầu tay? Nhưng chắc chắn là một trong những tác phẩm điêu khắc ra đời sớm nhất, phản ánh sự chống trả quyết liệt của nhân dân khi đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá miền bắc. Một lão nông dân quần xắn cao quá gối, bộ ngực phanh trần, bàn chân vững chãi bám vào mặt đất, tay phải giơ cao vòng tre đơn sơ - một vật tự tạo dùng để ngắm bắn máy bay giặc, tay trái cầm chiếc mũ rơm phòng tránh mảnh bom. Sinh khí của một con người chân chất và lẫm liệt toát ra từ hình tượng, cho ta cảm giác như ông lão vừa vọt lên từ đất đai, đồng ruộng. Có thể câu chuyện về những người nông dân cao tuổi, râu tóc bạc phơ, tập hợp thành đơn vị, với khẩu súng trường thô sơ, bắn rơi những máy bay cực kỳ hiện đại của lũ giặc trời cướp nước, ở vùng quê Thanh Hóa thuở nào, chỉ còn là huyền thoại tỏ mờ trong vô vàn hình ảnh về cuộc chiến tranh nhân dân, với bao lớp trẻ hôm nay. Nhưng hình tượng về người ông, người cha, người nông dân hai sương một nắng, suốt đời lầm lũi, chống chọi thiên tai địch họa để sống, để tồn tại, để giữ nguyên lành đất đai Tổ quốc là thật, là vô cùng thật. Nó là hiện thân của hôm qua, hôm nay và ngày mai. Nó là nỗi ám ảnh suốt đường dài thân phận của một cộng đồng, một dân tộc. Thông điệp hồn cốt của tác phẩm mà tác giả gửi đến người xem là ở đó.

Trong những tác phẩm điêu khắc tượng đài, tôi thích phác thảo Thánh Gióng. Tác phẩm lúc nào cũng cho ta cảm hứng vút lên, cho dù toàn bộ hình tượng được cấu trúc theo hướng trục hoành. Nhân vật Thánh Gióng được thể hiện qua hình tượng đứa trẻ. Một đứa trẻ ngồi trên lưng ngựa, đuổi giặc cứu nước như vô vàn trẻ em Việt Nam, hồn nhiên cưỡi trâu thổi sáo, thả diều. Ðiều này hoàn toàn khác với quan niệm thông thường của một số tác giả.  Với Lê Ðình Quỳ, cái chất tinh túy nhất của truyền thuyết Thánh Gióng nằm ở chi tiết đứa trẻ. Dù đứa trẻ kia có là thần thánh đầu thai xuống trần, thì cũng phải chui ra từ bụng mẹ, có lớn nhanh như thổi thì vẫn phải ăn từ bát cơm, quả cà bình thường và hiện thực của nhân dân. Khi đuổi xong giặc giã và bay về trời, được mọi người phong Thánh, nhưng trong tâm thức của nhân dân, vị Thánh kia vẫn là đứa trẻ. Việc thể hiện nhân vật Thánh Gióng theo một quan niệm mở, buộc người xem phải ngẫm ngợi nhiều hơn về sự quật cường và khát vọng lớn nhanh, lớn mạnh của một dân tộc nhỏ bé.

Ở phác thảo tượng đài 'Lý Công Uẩn', hình tượng vua Lý, nghiêm trang đứng giữa trời đất, giữa một vòng cung mang hình tượng của rồng, còn gợi cho ta liên tưởng tới hình chim lạc trống đồng, về một cây cung sẵn sàng nghênh chiến, về một cánh võng quê làng, về một sự ấp ôm che chở của lòng dân cho một tinh hoa mở đầu triều đại. Với tượng đài 'Khát vọng Thống Nhất', Lê Ðình Quỳ thể hiện bằng ngôn ngữ hiện đại bởi nhiều mảng lớn có tính khái quát mạnh mẽ. Hình tượng trung tâm là người phụ nữ và đứa trẻ trong tư thế đứng hồi tưởng, thành tâm và lặng lẽ gợi người xem liên tưởng đến những hòn Vọng Phu trong lịch sử và văn hóa dân tộc, giữa những đài cao như mũi lê, mũi mác, như rừng chông, như ngọn lửa của ý chí, của lòng người, được cách điệu từ hình những  tàu lá dừa cắm ngược. Giá trị tác phẩm chính bởi sức gợi, buộc người xem phải ngẫm, phải tìm, phải sẻ chia tất thảy những gì phía sau, phía trong sự hoành tráng thầm lặng kia.

Chỉ với gần hai chục công trình tượng đài mọc lên suốt chiều dài đất nước, cùng cơ man tượng tròn, tượng vườn và tranh sơn dầu trừu tượng khổ lớn, đủ nói lên một sự lao động phi thường trong khiêm nhường thân phận - Lê Ðình Quỳ đặt quan niệm sáng tạo trong quan niệm sống một cách hài hòa, không mấy đề cao đột biến, phá phách trong nội dung và hình thức sáng tạo. Có một cái gì đó rất riêng, rất Lê Ðình Quỳ trong nghệ thuật khai thác nội tâm nhân vật, trong việc dắt díu đầy thuyết phục người xem đến với giá trị nhân văn của tác phẩm, qua bao nhiêu le lói thầm thì của đường dao, thớ đá. Ông vừa hở ở những tài tình dẫn dụ, vừa kín ở khả năng  ám ảnh và neo buộc lòng người.

Lê Ðình Quỳ từng học điêu khắc ở Liên Xô (trước đây) nhưng không bị khúc xạ bởi nền điêu khắc Xô Viết. Ông là một trong không nhiều nhà điêu khắc có đóng góp, có dấu ấn rất riêng trong những chục năm cuối thế kỷ 21 cho đến nay của nền mỹ thuật Việt Nam.

* Đến với Lê Đình Quỳ, người ta tìm thấy ở tác phẩm của ông những tố chất về thiền, những cảm quan bập bùng âm dương, vũ trụ.