GIA ÐÌNH THỜI CÔNG NGHỆ SỐ

Cuộc xâm lấn dịu dàng...

Các phương tiện nghe nhìn hiện nay ngày càng trở nên gần gũi, cần thiết với cuộc sống. Tuy nhiên, chúng cũng là thủ phạm phá hủy sự gắn kết cần thiết trong mỗi nếp nhà... Dù vô tình hay cố ý rơi vào tình thế bị lệ thuộc, dẫu là sự lệ thuộc êm ái hay khổ ải, cần sớm thoát khỏi tình trạng đó để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.

Từ chiếc điện thoại...

Chị Nguyễn Kim Dung, cán bộ của một ngân hàng nọ, đến sở làm với bộ mặt khó đăm đăm mà mọi người ngại không tiện hỏi. Thành thói quen, mấy cô bạn đồng nghiệp nhắn tin hỏi thăm. Thật lạ nhắn mấy lần mà vẫn thất bại. Thì ra điện thoại của Dung trục trặc. Tới giờ nghỉ trưa, Dung mới có dịp vừa khóc vừa kể tội chồng. Những người đi trước bảo, vợ chồng mới cưới thường khủng hoảng thời gian đầu để thích nghi nhau, nhưng Dung vốn là phụ nữ chăm chỉ, chu đáo cho nên sau nửa năm chung sống, vợ chồng họ chưa có xô xát gì đáng kể. Vậy mà hôm đó, anh "dám" thẳng tay ném vèo điện thoại của vợ qua cửa sổ. Chỉ vì cái tội, Dung suốt ngày nhắn tin chiu chíu với bạn bè. Tối đến, chị nấu nướng, tin nhắn tít tít đến, chị dừng tay đọc tin, rồi bấm trả lời. Chốc chốc lại tít tít, lại trả lời. Nhiều lần chồng nhắc khéo, rồi làm mặt giận, nhưng Dung còn mải nhắn đi nhắn lại không để ý. Rồi ghen tuông. Ðọc trộm tin nhắn... Ðiều tệ hại đã xảy ra như sự tất yếu. Dung trách chồng hẹp hòi ích kỷ, anh trách vợ hời hợt vô tâm. Chuyện chỉ có thế mà chị đùng đùng bỏ về nhà mẹ đẻ, khóc ấm ức suốt đêm. Anh chưa hết bực nhưng hiểu tính vợ vốn bướng bỉnh, cố chấp nên đến xin lỗi chị, đưa chị về.

Và đến phim ảnh, in-tơ-nét

Gia đình chị Thỏa anh Nam ở Yên Hòa, (Cầu Giấy, Hà Nội) vốn đầm ấm hạnh phúc. Cách đây ba năm lúc con trai được hai tuổi, chị Thỏa quyết định để con cho chồng và bà nội cháu chăm để du học ở nước ngoài. Thói quen sinh hoạt gia đình thay đổi từ ngày đó. Suốt thời gian chị xa nhà, mỗi buổi tối, bà vẫn giữ thói quen đi bộ, tập thể dục cùng các cụ trong tổ dân phố, còn bố con anh Nam thường giao lưu "trực tuyến" với chị. Và rồi, thói quen đó không thể bỏ khi chị trở về sau ba năm du học. Giờ đây, mỗi buổi tối, cơm nước xong là anh lên phòng riêng vào mạng đọc báo, chơi games. Chị dọn dẹp nhà cửa rồi cũng ôm laptop về phòng làm việc riêng. Cậu con trai lúc mẹ đi mới lõm bõm học ăn học nói, giờ cũng tự giác lôi sách Chấm đọc ra một mình một góc, như một người lớn thực thụ. Chơi chán, cậu quay sang nghịch điện thoại của mẹ... Thế là thay bằng những âm thanh lộn xộn, ồn ào đặc trưng ở các gia đình trẻ, nhà anh chị mỗi tối thường yên tĩnh lạ thường.

Vấn đề nảy sinh khi con trai chuẩn bị vào lớp một mà anh không đoái hoài gì đến con vì tối nào cũng mải mê với trò chơi trực tuyến. Nhiều khi anh chơi suốt đêm, sáng ra đến công ty với bộ dạng phờ phạc, xộc xệch. Lắm khi bức bối, chị than thở với bạn bè, thường vẫn nhận được lời động viên muôn thuở, đàn ông thời nay, thôi thì không nhậu nhẹt, bia bọt bù khú tối ngày là tốt rồi, hết giờ làm về ăn cơm với vợ con, còn gì bằng. Không những người ta đứng về phía chồng, nhiều khi chị còn bị mang tiếng cứng nhắc...

Ngay từ khi mua nhà ở một khu chuyên dành cho những người phục vụ trong quân đội ở Xuân Ðỉnh (Từ Liêm, Hà Nội), ông Nguyễn Xuân Hòa, vốn là sĩ quan quân đội đã rất ưng ý vì diện tích nhà không lớn nhưng người thiết kế đã chủ ý để phòng sinh hoạt chung đủ rộng cho một gia đình. Nhưng từ ngày chuyển về đây, ngoài những lúc nhà có việc, hầu như phòng sinh hoạt chung chỉ dành cho ông cùng mấy người bạn già sắp về hưu tụ họp chơi cờ tướng mỗi tối. Gia đình cậu con trai lớn được ông giao toàn bộ tầng ba. Tối đến, cô con dâu thường vừa dọn dẹp, vừa xem phim cùng mẹ chồng. Họ xem hết phim này đến phim khác, phim nào hai mẹ con cũng xem say sưa, toàn phim lê thê dài tập của Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc...

Cùng những hệ lụy...

Theo kết quả thống kê mới công bố từ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, số người dân ở Hà Nội sử dụng điện thoại di động chiếm 45%, sử dụng máy tính là 28% trong đó 16% sử dụng in-tơ-nét; 97% số hộ gia đình có ti-vi... Hiện trạng phổ cập các dịch vụ nghe nhìn này cho thấy sự gia tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Ðã có nhiều bi kịch đáng tiếc xảy ra trong cuộc sống có nguyên nhân sâu xa từ trò chơi điện tử, từ phim ảnh, cũng như các phương tiện nghe nhìn khác. Và cũng nhiều gia đình tan vỡ vì sự thiếu tỉnh táo của các thành viên.

Chị Thỏa sau một thời gian ức chế với chồng, rơi vào tình trạng mua sắm vô độ, gần như không kiểm soát được bản thân. Cuộc sống hằng ngày cứ trôi, người chồng vẫn mải mê mỗi tối với những cuộc chinh phục trong thế giới ảo của games online. Vợ cũng tìm niềm vui riêng của mình. Ban ngày, tranh thủ ngoài giờ làm, chị có mặt thường xuyên ở nhiều shop thời trang, làm đẹp để cập nhật những mốt mới. Tối về, chị lại mải mê với những trang web mua bán trực tuyến. Cậu con trai của họ vốn rất thông minh, gần đây phát hiện có những dấu hiệu bất thường. Và điều đáng lo ngại đã xảy ra khi hai vợ chồng đưa con đến bác sĩ. Con trai họ bị tự kỷ. Gia đình họ giờ đây mỗi thành viên là một ốc đảo, không còn không khí đầm ấm như những ngày đầu. Chị nhận ra, cuộc sống gia đình êm ấm được xây dựng và vun đắp trên cơ sở tình yêu thương và sự gắn bó, giữa sự quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Lắm lúc chị Thỏa quay sang ân hận vì quyết định xa nhà mấy năm trước...

Gia đình chị Dung đã bình yên trở lại sau sự cố chiếc điện thoại. Thật ra, vì chiếc điện thoại mà có nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình, nghe có vẻ hài hước, nhưng nhiều khi những tin nhắn trêu đùa của bạn bè có thể gây ra hậu quả khôn lường. Nhiều cặp vợ chồng đã li dị vì những hành vi thiếu tôn trọng nhau, như đọc trộm tin nhắn, bí mật theo dõi nhau bằng điện thoại, hay thông qua chiếc điện thoại... Suy cho cùng thì chiếc điện thoại không có lỗi, mà lỗi là do người sử dụng nó. Ông Hòa hiện đang rất đau đầu vì vợ chồng cậu con trai. Chồng cằn nhằn vợ và mẹ suốt ngày chỉ phim ảnh, không ngó ngàng đến gia đình, con cái. Vợ ghen chồng vì tội chat chit giao du với gái mạng... Tuy nhiên, điều con dâu ông lo lắng không phải là vô lý. Ðã có không ít những cảnh báo về nguy hiểm rình rập từ in-tơ-nét. Người ta hay đề cập đến những kẻ săn tình trên mạng, những mối tình ảo mà gây nên sự đổ vỡ hạnh phúc thật. Hầu hết các gia đình ở đô thị hiện đại, việc nối mạng in-tơ-nét trở nên phổ biến. Các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người lớn, cần chú ý sử dụng máy tính thông minh, thích hợp, không chỉ tính đến hiệu quả, mà còn là sự làm gương cho con cái.

Trong cuộc sống hôm nay, khi những phương tiện truyền thông kỹ thuật số đang có những bước dấn khá sâu vào cuộc sống, thì mỗi gia đình càng phải có ý thức hơn trong việc tiết chế, sử dụng nó. Hãy sử dụng máy móc như một thứ phương tiện để phục vụ con người sẽ tốt hơn là để chúng xâm lấn, chi phối.