1 Đầu tháng 6 vừa qua, Liên đoàn Cử tạ quốc tế (IWF) đã xác nhận ba VĐV cử tạ Việt Nam là Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền, Hoàng Thị Duyên đủ điều kiện nhận vé chính thức đến Olympic Tokyo. Cả ba đều là VĐV trọng điểm của cử tạ Việt Nam được đầu tư thi đấu nhằm tranh suất tham dự Olympic. Thạch Kim Tuấn hiện xếp hạng 4 thế giới ở hạng cân 61 kg nam, Hoàng Thị Duyên xếp hạng 10 ở hạng cân 59 kg nữ, Vương Thị Huyền xếp hạng 12 ở hạng cân 49 kg nữ. Nhưng đến đầu tháng 7, Cơ quan Khảo thí quốc tế (ITA) đã vào cuộc, yêu cầu IWF phải có án phạt dành cho cử tạ Việt Nam, sau khi có các trường hợp bị phát hiện dương tính doping tại giải quốc tế. Hình phạt cuối cùng, cử tạ Việt Nam bị giảm một suất, chỉ được nhận hai suất (một nam, một nữ) của Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên.
Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng, hiếm khi cử tạ Việt Nam phải trong trạng thái thắc thỏm chờ vé dự Olympic như kỳ này khi phải đứng trước nguy cơ không được trao đủ suất tham dự Olympic Tokyo 2020 kể cả khi đã đủ VĐV đáp ứng tiêu chí tham dự. Bởi có bốn tuyển thủ bị phát hiện dính doping sau khi thi đấu quốc tế gồm Nguyễn Thị Thu Trang, Bùi Đình Sáng, Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Thị Phương Thanh trong năm 2019 và 2020. Chính vì vậy, Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam đã gửi thư tới IWF để giải trình việc bốn VĐV cử tạ dính doping trước đó không liên quan gì đến các VĐV tham dự vòng loại Olympic của cử tạ Việt Nam. Các VĐV này trong sạch, đã nỗ lực rất nhiều và rất không công bằng nếu họ không thể đến với Thế vận hội vì sai lầm của các VĐV khác.
Thật ra, các đô cử này đều đã thi đấu xuất sắc tại các giải đấu tích điểm cho Thế vận hội 2020 và nằm trong diện đủ điều kiện tham dự Olympic. Nhưng sự cố của “bóng ma” doping đe dọa nghiêm trọng việc giành vé đến Olympic Tokyo 2020 của cử tạ Việt Nam. Theo quy định, nếu một quốc gia có từ ba VĐV trở lên dính doping trong thời gian diễn ra vòng loại, quốc gia đó có thể bị cấm tham dự Thế vận hội. Bốn quốc gia khác gồm Thái Lan, Ai Cập, Malaysia và Romania bị cấm tham dự môn cử tạ tại Thế vận hội Tokyo do có nhiều trường hợp dương tính doping. Còn cử tạ Colombia mất năm suất tại Olympic Tokyo sau án phạt của ITA. Theo Cơ quan chống Doping quốc tế (WADA), những bê bối doping trong môn cử tạ ngày càng tinh vi và không có dấu hiệu giảm bớt, dù nhiều VĐV và các quốc gia đã bị cấm thi đấu. WADA tiết lộ vấn nạn doping trong môn cử tạ vượt ra ngoài phạm vi của các VĐV, có sự hỗ trợ từ những nhân viên, HLV và quan chức. Doping trong thể thao luôn là vấn đề được quan tâm và xử nghiêm những vi phạm.
2 Sau khi nhận được tin vui, các đô cử đã gấp rút chuẩn bị nhằm có được phong độ tốt tại Olympic. Song, để có được huy chương ở Thế vận hội là điều rất khó. Trong lịch sử, cử tạ Việt Nam từng hai lần giành huy chương tại các kỳ Olympic với HCB của Hoàng Anh Tuấn (năm 2008) và HCĐ của Trần Lê Quốc Toàn (năm 2012).
Bên cạnh đó, vấn đề của đội tuyển là khâu tập luyện bị gián đoạn khá dài trong thời gian cách ly y tế đầu tiên khi trở về Việt Nam từ Uzbekistan - nơi diễn ra Giải vô địch cử tạ châu Á tháng 4 vừa qua. Khi gần đến thời gian kết thúc cách ly theo quy định thì một người trong khu cách ly lại có kết quả dương tính với Covid-19. Cũng vì vậy, nhóm VĐV Vương Thị Huyền, Hoàng Thị Duyên phải cách ly y tế thêm 21 ngày; còn Thạch Kim Tuấn, HLV Huỳnh Hữu Chí, HLV Lưu Văn Thắng phải cách ly y tế thêm bảy ngày theo đúng quy định tại địa điểm cách ly cho đến những ngày cuối tháng 5. Như vậy các VĐV phải tập chay trong một thời gian dài, ảnh hưởng lớn tới phong độ. Có thể thấy cử tạ Việt Nam gặp khá nhiều gian nan trên đường đến Olympic, tuy nhiên với những nỗ lực của các VĐV, hy vọng điều bất ngờ sẽ đến.