Con đường duy nhất

Thiện chí là yếu tố mang tính căn bản quyết định sự thành công trong việc giải quyết mọi bất đồng, mâu thuẫn, đối lập, xung đột… Và khi đã để ngỏ một thiện chí, cách duy nhất để đừng khiến điều ấy phí hoài chính là nhanh chóng cụ thể hóa bằng hành động.
0:00 / 0:00
0:00

Trên gam màu tổng thể không có nhiều điểm sáng của bức tranh toàn cảnh thế giới hiện tại, thể hiện rất rõ ngay trong những bài phát biểu khá gay gắt ở phiên họp lần thứ 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc về nhiều vấn đề, chuyện Thủ tướng Israel Yair Lapid nhấn mạnh: "Một thỏa thuận với phía Palestine, dựa trên cơ sở hai nhà nước, là điều đúng đắn cho an ninh, kinh tế của Israel và cho tương lai của con em chúng ta" hiển nhiên là tín hiệu rất đáng chú ý.

Đây là lần đầu trong nhiều năm qua, một nhà lãnh đạo Israel công khai thể hiện sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước. Tất nhiên, sự ủng hộ này đi kèm một điều kiện: Nhà nước Palestine trong tương lai sẽ phải là một nhà nước hòa bình. Bên cạnh đó, ông cũng không quên nhấn mạnh rằng Israel có đủ tiềm lực quân sự để bảo vệ nền quốc phòng-an ninh cho mình. Nghĩa là, Thủ tướng Israel vẫn thể hiện sự cứng rắn nhất định.

Nhưng dù thế nào, một cánh cửa cũng đã hé mở.

Đáp lại, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đánh giá tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước của Thủ tướng Yair Lapid là "một sự phát triển tích cực". Tuy nhiên, ngay sau đó, ông đề xuất rằng độ tin cậy của tuyên bố này "cần được chứng minh bằng việc Chính phủ Israel quay lại bàn đàm phán ngay lập tức".

Rõ ràng, nhà lãnh đạo đã từng rơi nước mắt ngay chính tại phòng họp này của Đại hội đồng Liên hợp quốc, với những tấm bản đồ thể hiện các phần lãnh thổ hợp pháp đã bị tước đoạt theo thời gian của Palestine (kể từ năm 1967) trên tay, không có nhiều lý do để tin tưởng hoàn toàn vào thiện chí mà phía Israel vừa hé lộ. Bởi, trong quá khứ, cũng không chỉ một lần giải pháp hai nhà nước được nhắc đến như cách duy nhất tháo gỡ bế tắc, nhưng lối thoát ấy lại nhanh chóng trở thành ngõ cụt, khi bị khước từ.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 Csaba Korosi nhận định rằng các phiên họp lần này phản ánh nhận thức ngày càng rõ, về việc nhân loại đã bước sang một kỷ nguyên mới và các điều kiện hợp tác toàn cầu đã thay đổi (trong phát biểu bế mạc phiên họp), mệnh đề mà Thủ tướng Israel đưa ra có lẽ cũng phản ánh một mong muốn đích thực: Mong muốn hòa bình và ổn định, để hướng tới phát triển.

Thực tế, quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với bốn nước Arab Hồi giáo láng giềng, bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Morocco và Sudan, đã mang đến những lợi ích thiết thực cho tất cả các phía tham gia.

Và thực tế, đến hiện tại, cả người đứng đầu nước Mỹ (đồng minh và cũng là chỗ dựa quan trọng nhất của Israel) Joe Biden cũng tuyên bố: "Giải pháp hai nhà nước vẫn là cách thức tốt nhất để bảo đảm an ninh và thịnh vượng của Israel, đồng thời mang lại cho người Palestine một nhà nước của họ. Cả hai bên hoàn toàn tôn trọng quyền bình đẳng của người dân. Cả hai dân tộc cùng được hưởng tự do và phẩm giá".

Nếu trở thành hiện thực, giải pháp hai nhà nước sẽ trở thành một cái kết đẹp, khép lại bao nhiêu thập niên thấm đẫm tang thương, và cũng sẽ là cơ sở để xây đắp một tương lai phồn vinh, thịnh vượng.

Tuy vậy, trở lại câu chuyện, từ một lời gợi ý đến việc triển khai các kế hoạch hiện thực hóa những ý tưởng luôn là chặng đường rất dài, mà chặng đường ấy, như Tổng thống Palestine đòi hỏi, lại cần phải được bắt đầu càng sớm càng tốt trên bàn đàm phán.

Trong khi, trên bàn đàm phán, vẫn tồn tại vấn đề cốt lõi: Những phần lãnh thổ Palestine đã bị chiếm đóng có được trả về nguyên vẹn, theo đúng kế hoạch phân chia mà Liên hợp quốc thông qua vào năm 1947 hay không?