Con đường của Mahatma Gandhi

Tại trường trung học Ra-i-Kốt (Rajkot), một thành phố bận rộn ở miền tây Ấn Độ, Ma-hát-ma Găng-đi (Mahatma Gandhi) bắt đầu con đường học vấn với thành tích trung bình, thậm chí là yếu. "M.Găng-đi đứng thứ 32 trong tổng số 34 học sinh của lớp, đặc biệt kém môn địa lý", theo lời kể của các giáo viên năm xưa. Cậu bé mảnh khảnh với đôi tai lớn chỉ cho thấy những dấu hiệu về một tương lai "vô danh".

Thời thanh xuân...
Thời thanh xuân...

"Thương hiệu" Gandhi

Nhưng, cái tên ấy giờ đã trở thành bất tử. Mohandas Gandhi, thường gọi là Mahatma, hay "Tâm hồn vĩ đại" như lời người Ấn Độ, đã trở thành người truyền cảm hứng cho hàng triệu người, dẫn đầu cuộc giải phóng nhân dân Ấn Độ khỏi sự cai trị của thực dân Anh. Một "vị thánh" nổi tiếng đến mức cứ nhắc đến Ấn Độ là người ta nghĩ ngay đến Gandhi. Những phong bì ở đất nước này chỉ in hình của ông, và khuôn mặt ấy cũng xuất hiện trên mỗi tờ tiền giấy của Ấn Độ. Ở Niu Đê-li (New Dehli), bạn có thể bắt gặp những cửa hàng bán đồng hồ Gandhi, chặn giấy Gandhi, lịch để bàn Gandhi, thậm chí là áo sơ-mi thể thao hiệu Gandhi. Tên ông giờ thậm chí đã được sử dụng như một...thương hiệu.

Ngày 18-7 này đánh dấu một trăm năm bắt đầu hành trình kéo dài sáu tháng của Gandhi từ Ấn Độ đến Nam Phi, nơi trong vô thức ông trở thành một nhà hoạt động vĩ đại. Gandhi sau đó khởi hành từ Kếp-tao (Cape Town, thủ đô Nam Phi) đến Luân Đôn (London, Anh), nơi ông dự định chỉ ở lại một thời gian ngắn trước khi trở về Ấn Độ. Vì chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ vào tháng 8-1914, ông đã phải lưu lại Anh, tuyển tình nguyện viên tham gia hoạt động cứu thương. Cuối cùng, Gandhi rời Luân Đôn vào tháng 12, và hạ cánh xuống Bom-bay (Bombay) vào đầu tháng 1-1915. Từ đây, mùa xuân của người Ấn Độ bắt đầu.

Hành trình của Gandhi bắt đầu từ bến cảng Po-rơ-ban-đa (Porbandar), đi qua Rajkot, Bha-vna-ga (Bhavnagar, nơi Gandhi đi học), và A-hơ-mét-đa-bát (Ahmedabad), nơi ông đã thành lập nhữngAshram (đạo tràng) và sinh sống trong nhiều năm, rồi kết thúc ở thủ đô New Dehli, nơi ông bị ám sát vào năm 1948.

Hơn một nửa thế kỷ sau, con đường ấy vẫn còn dở dang. "Tư tưởng của Gandhi được dạy trong trường học, nhưng chúng ta chỉ nghe ông, chứ chưa làm theo ông!" -Giáo sư N.Ma-gium-đa (Nirmalya Majumdar) nói trên tờ Điện tín (Telegraph) - "Nhưng tinh thần bất bạo động của ông vẫn có giá trị cho đến tận hôm nay. Và tôi cho rằng, nếu không hiểu về Gandhi, sẽ không có tương lai cho Ấn Độ".

Giáo sư Majumdar và gia đình ông đã từng hành hương "xuyên Ấn", từ Can-cút-ta (Calcutta) đến quê nhà của Gandhi, đi qua căn nhà nơi Gandhi được sinh ra năm 1896. Ngôi nhà nằm trên một con đường dài và hẹp ở thành phố cảng Porbandar - một cửa ngõ thông thương quan trọng, với hàng nghìn thuyền buồm qua lại mỗi ngày và mùi cá khô vương vất khắp nơi. Nhà Gandhi nằm ngay cạnh quảng trường chính, nhìn ra bức tượng của chính ông sải bước đầy hy vọng ở trung tâm. Ở mỗi thành phố trên đất nước Ấn Độ, chúng ta đều có thể dễ dàng bắt gặp một bức tượng như thế.

Con đường của Mahatma Gandhi ảnh 1

... và khi đã trở thành "Tâm hồn vĩ đại".

Con đường hòa bình

Có khoảng 2.500 du khách thăm nhà của Gandhi mỗi ngày, trong bầu không khí trang nghiêm, với hoa huệ tây rải trên sàn nhà. Căn nhà rất ít đồ đạc, minh chứng rằng chủ nhân của nó đã sống một cuộc đời rất giản dị. Trên tầng hai bày rất nhiều bức ảnh về cuộc đời Gandhi, bao gồm cả khoảnh khắc ông gặp Huân tước Ma-un-bát-tên (Mounbatten) và nghệ sĩ kiệt xuất Sác-li Sa-plin (Charlie Chaplin). Xuôi xuống bờ biển là Trung tâm tưởng niệm Gandhi, mở cửa cách đây bốn năm, nhằm khám phá cuộc sống và ảnh hưởng của ông.

Có rất nhiều câu chuyện được kể lại. Một lần, mọi người hỏi Gandhi: "Tại sao ông lại đi khoang hạng ba trên tàu (có rất nhiều người muốn chia sẻ khoang hạng nhất với ông)?". Gandhi bảo: "Vì không có khoang hạng tư". Người quản lý của bảo tàng, ông P.Đan-ga (Prabhat Dangar) năm nay 82 tuổi, nhớ lại hình ảnh Gandhi trong một cuộc mít-tinh vào năm 1939, tám năm trước khi Ấn Độ giành được độc lập: "Ông ấy đã có một bài diễn thuyết rực lửa, trước khi kỵ binh giải tán đám đông. Đó là một mớ lộn xộn, nhưng ngay cả khi người Anh bắt Gandhi, họ vẫn đối xử với ông một cách tôn trọng".

Sau hơn nửa thế kỷ, hình ảnh của Gandhi vẫn tạo nên những ảnh hưởng sâu sắc. Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng của bảo tàng, người gần nhất viết lên nó, tự xưng là "một người đã nghỉ hưu", chỉ biên đúng một dòng: "Tôi quá nhỏ bé để có thể nhận xét về ông ấy". Một hướng dẫn viên du lịch tại tòa nhà Birla, nơi Gandhi bị bắn, nói với phóng viên của Telegraph: "Tư tưởng và lý tưởng của ông vẫn còn ảnh hưởng đến thời đại của chúng ta, nhưng nhiều người chỉ nhớ đến ông vào ngày sinh của ông và các chiến dịch vận động tranh cử. Gandhi sống trong thời đại của xe bò, còn bây giờ, ngay cả những người du mục trên sa mạc cũng đã có điện thoại di động". Tại Kô-sráp A-sram (Kochrab Ashram), một đạo tràng được Gandhi thành lập ở Ahmedabad, người quản lý B.Ban-đua (Bhin Baldur) xác nhận một không khí thiêng liêng: "Chúng tôi vẫn cảm thấy rằng Gandhi chỉ vừa ra ngoài làm một số việc vặt, và sẽ sớm trở lại".

Nhiều năm sau, cho dù vẫn đang nghiêng ngả vì xung đột và chiến tranh, thật may là thế giới vẫn không ngừng nhắc đến ông với tinh thần đấu tranh bất bạo động, dựa trên tính nhân bản, lòng khoan dung và tinh thần vị tha. N.Man-đê-la (Nelson Mandela) sau này cũng đã đi trên một "con đường" tương tự Gandhi, để giải phóng Nam Phi khỏi chế độ phân biệt chủng tộc (apartheid). Những chiến thắng vĩ đại không dựa trên sức mạnh của bạo lực, mà đến từ ý chí bất khuất. Những chiến thắng đến từ sự kiên định, và cách nó làm sụp đổ những pháo đài phi nhân tính đã chứng minh rằng loài người có thể đấu tranh mà không cần đổ máu, dù đó là con đường chông gai và khó khăn hơn rất nhiều so với biện pháp vũ lực.

Chừng nào thế giới vẫn còn những con người như Gandhi hay Man-đê-la, chừng ấy hòa bình vẫn có hy vọng tồn tại, dù bản chất của con người là vị kỷ. Và, khi cái tên Gandhi đã trở thành bất tử, thì không ai có thể ám sát tinh thần hòa bình ấy.

Gandhi từng nói: "Chúng ta có thể không bao giờ đủ mạnh mẽ để hoàn toàn bất bạo lực trong tư tưởng, ngôn từ và hành động. Nhưng chúng ta sẽ phải giữ bất bạo lực làm mục tiêu và nỗ lực mạnh mẽ để vươn tới nó".