Cơ sở xây dựng xã hội văn minh, văn hóa

QUYẾT định của Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tạm đình chỉ hoạt động đối với Sở Nội vụ thành phố gây xôn xao dư luận. Theo đó, Sở tạm dừng hoạt động tại trụ sở 18B Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm từ 8 giờ ngày 24/11 đến 8 giờ ngày 24/12 để thực hiện các yêu cầu về bảo đảm an toàn và phòng cháy, chữa cháy.
0:00 / 0:00
0:00

Cần hiểu chính xác là cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động đối với một công trình trong quá trình vận hành chưa bảo đảm đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Chứ không phải là dừng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cả một cơ quan cấp Sở.

Nhưng chính ở đây, người dân Thủ đô và dư luận nói chung có thể thấy sự kiên quyết, nghiêm khắc của cơ quan chức năng. Không chỉ đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, nhà hàng, quán ăn hay một số loại hình dịch vụ khác mà với cả cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy quản lý nhà nước, nếu không đáp ứng các tiêu chí an toàn, cũng phải chịu xử lý theo quy định. Đây cũng có thể coi là sự cảnh báo đối với các cơ quan, đơn vị khác trong việc rà soát, kiểm tra lại các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ của mình; "tự đánh động" đối với chính cơ quan, tập thể mình để nghiêm túc thực hiện quy định chung của pháp luật.

Tinh thần thượng tôn pháp luật đang rất cần được nêu cao, thúc đẩy thực hiện trong bối cảnh hiện nay, khi mà cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tiếp tục được đẩy mạnh. Không chỉ với những vụ đại án, mà ý thức kiểm tra, giám sát, điều chỉnh, xử lý cũng đang được đề cao trong xã hội, trước những sai phạm ở các địa phương, cơ sở, trước tình trạng tham nhũng vặt, trước nạn "lách luật", cố ý làm trái quy định. Mà những sự làm trái đó, xuất hiện ở rất nhiều nơi, trong nhiều ngành nghề, công việc. Đó đều là những hành vi vi phạm pháp luật mà ở những mức độ khác nhau, rất cần bị lên án, hay phản biện, cảnh cáo hoặc chấn chỉnh, góp ý, theo quy định của pháp luật.

Đề cao, thấm nhuần tinh thần thượng tôn pháp luật, chính là để cảnh báo những đối tượng đã và đang sai phạm; cảnh báo những ai đó có ý định sai phạm; phòng ngừa những trường hợp có mầm mống làm điều sai trái. Lan tỏa tinh thần này vào xã hội là lòng tự trọng trong mỗi cá nhân, tập thể, nâng cao ý thức chấp hành quy định chung. Qua đó vun đắp ý thức tôn trọng cộng đồng; khơi dậy ý thức điều chỉnh, sửa chữa, đấu tranh chống tiêu cực trong bản thân và tập thể, đơn vị, để hướng tới và thực hành lối sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Thực hiện được điều đó cũng không hề dễ dàng trong bối cảnh mà do những hạn chế của lề thói cũ, do tính ích kỷ, vụ lợi, do cả sự vô cảm, thiếu trách nhiệm trước cộng đồng nên những hành động vi phạm pháp luật thường có nguy cơ xảy ra, từ việc tham nhũng tiền tỷ cho đến hành vi vượt đèn đỏ. Nhìn rộng ra thì cần có những giải pháp lớn trong giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống cho người dân; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị; tăng cường giám sát quyền lực… Nhưng một cách cụ thể, rất cần các hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên việc chấp hành quy định pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, cơ sở.

NHƯ vậy sẽ kịp phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm, sai phạm từ khi còn ở quy mô nhỏ, còn là nguy cơ. Nhiều lần kiểm tra, giám sát sẽ hạn chế được vi phạm, hình thành tâm lý sợ sai phạm, không dám sai phạm để làm đúng, làm chuẩn hơn. Thượng tôn pháp luật, do đó, chính là để xây dựng xã hội văn minh, văn hóa; giữ cho con người không bị sa vào những sai trái, thoái hóa, biến chất.