Nguồn lực to lớn đang bị bỏ phí, lãng quên

Trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp diễn ra, GS, TSKH, NGND Vũ Minh Giang đã chia sẻ nhiều suy nghĩ, kiến giải tâm huyết với Nhân Dân cuối tuần chung quanh vấn đề khơi dậy nguồn lực văn hóa nội sinh để phát triển đất nước.

GS, TSKH, NGND Vũ Minh Giang hiện đảm nhiệm các chức vụ: Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư liên ngành Lịch sử-Khảo cổ-Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước.
GS, TSKH, NGND Vũ Minh Giang hiện đảm nhiệm các chức vụ: Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư liên ngành Lịch sử-Khảo cổ-Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước.

- Thưa giáo sư, nhìn lại giai đoạn phát triển vừa qua của đất nước, nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, văn hóa vẫn đang bị coi nhẹ, và chưa được quan tâm, đầu tư xứng tầm, gây nên nhiều hệ lụy cho đạo đức, tinh thần xã hội. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Đảng ta luôn chủ trương coi trọng văn hóa và có những văn kiện nhấn mạnh tầm quan trọng này, chỉ đạo văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Nhưng trên thực tế vẫn chưa được như mong muốn. Trong xã hội đang dấy lên sự lo ngại đến mức đáng báo động về hiện tượng chạy theo vật chất, coi nhẹ đời sống tinh thần, khiến đạo đức, lối sống xuống cấp. Trên hầu hết các mặt của đời sống văn hóa đều bộc lộ những hạn chế và yếu kém. Đặc biệt các nguồn lực văn hóa còn bị bỏ phí hoặc lãng quên nên việc khai thác còn đạt hiệu quả rất thấp. Một câu hỏi lớn đặt ra là nguyên nhân nào đã dẫn tới tình trạng này?

Hưởng thụ vật chất và tinh thần là hai loại nhu cầu cơ bản của con người và cũng vì thế từ xa xưa ở khắp mọi nơi luôn song hành hai hệ giá trị. Một được đo bằng của cải, tài sản và một được lượng định bằng giá trị đạo đức, phẩm hạnh và sự tôn trọng của xã hội. Hai hệ giá trị này có quan hệ tương tác và cần phải có sự quân bình. Thiên lệch bên nào cũng có nguy cơ dẫn tới bất ổn. Điều dễ nhận thấy là trong một thời gian dài sau chiến tranh, tâm lý chạy theo những giá trị vật chất có chiều hướng lấn át những giá trị tinh thần. Thậm chí nhiều khi đã phổ biến quan niệm cho rằng có tiền sẽ có tất cả… Từ những suy nghĩ lệch lạc này, nhiều người, trong đó có những cán bộ cao cấp đã coi nhẹ những giá trị tinh thần, dễ dàng đánh đổi thanh danh, uy tín lấy lợi ích vật chất. Đạo đức xã hội bị băng hoại bắt đầu từ đó.

Về phương diện lãnh đạo quản lý, mặc dù Đảng luôn có nhận thức sâu sắc về vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội, cũng như đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ, dẫn tới những hạn chế đầu tư cả về nguồn lực lẫn sự quan tâm.

Từ những nguyên nhân căn bản trên đây, văn hóa bị hiểu lệch lạc, bị coi nhẹ và hậu quả là một nguồn lực to lớn có sức mạnh vô biên với tiềm năng vô tận chẳng những đã không được khai thác có hiệu quả, mà còn dẫn tới những hệ lụy khôn lường mà chúng ta đang phải đối mặt.

- Việc xác định các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc cũng như tiêu chí hệ giá trị con người Việt Nam, sau nhiều năm, vẫn đang được để ngỏ. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này?

- Đây là việc làm không hề đơn giản. Đã có không ít công trình, đề tài các cấp nghiên cứu về nội dung này, nhưng cho đến nay chúng ta cũng chưa thể đưa ra một phác thảo thật thuyết phục về bản sắc văn hóa dân tộc khả dĩ được thừa nhận.

Vì sao vậy?

Đương nhiên vì đây là vấn đề khó, nhưng có lẽ nguyên nhân chính lại do cách đặt vấn đề, phương pháp tiếp cận chưa thật sát với bản chất của văn hóa. Văn hóa là tất cả những gì được sáng tạo nên bởi một cộng đồng/dân tộc. Bản sắc là những giá trị đặc sắc, trường tồn trong các giá trị ấy. Nó hình thành trong suốt chiều dài của tiến trình lịch sử, được gọt giũa, sàng lọc và trao truyền qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy mà cách đặt vấn đề đánh giá ngay đây là mặt tích cực, kia là mặt tiêu cực của văn hóa cũng cần hết sức thận trọng. Ngay cả việc đưa ra những chuẩn mực đạo đức (bảng giá trị) một cách chủ quan, duy ý chí cũng rất khó thành công. Cách làm khôn ngoan của nhiều nước được coi là giỏi khai thác văn hóa vào sự nghiệp phát triển đất nước như Nhật Bản, Hàn Quốc thì họ tập trung nghiên cứu thật sắc văn hóa truyền thống, hiểu thấu đáo những gì cha ông họ để lại kết hợp với nghiên cứu đầy đủ về nhu cầu phát triển của đất nước, về bối cảnh thế giới để rồi có giải pháp biến tất cả những gì họ có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế, thành lợi khí để huy động đến mức cao nhất sức mạnh con người và sức mạnh mềm của quốc gia.

- Để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là yếu tố quan trọng xác lập giá trị hạnh phúc của quốc gia và mỗi cá nhân, theo giáo sư, cần phải làm gì?

- Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, tài nguyên, điều quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản. Trước hết phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành văn hóa mà là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc. Trên cơ sở đó cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu,

tổng kết thực tiễn để hình thành cơ sở lý luận và sớm đúc kết hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Cùng với việc đổi mới tư duy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, cũng phải đánh giá đúng và thấy hết những khó khăn khi khai thác các nguồn lực văn hóa, trong đó đặc biệt phải chú ý đến tuyên truyền và giáo dục, nhất là đối với thế hệ trẻ. Phải có kế hoạch giáo dục và tuyên truyền bài bản, quảng bá, đề cao những giá trị tinh thần, điều mà bấy lâu nay chúng ta chú ý chưa đúng mức.

Một trong những điều quyết định thành công trong sự nghiệp phát triển đất nước đi tới phồn vinh là phải khơi dậy khát vọng của cả dân tộc, trong đó đặc biệt là giới trẻ như tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra. Giáo dục văn hóa, lịch sử cho mọi tầng lớp từ lãnh đạo đến nhân dân, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên cần được coi như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Khát vọng sẽ dẫn tới tự tin và có thể biến tất cả những gì mình có thành lợi thế, thành sức mạnh. Vấn đề là làm thế nào để động viên được tới mức cao nhất sức mạnh này trong công cuộc xây dựng đất nước và cạnh tranh quốc tế.

Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế. Trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ dừng ở những hoạt động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có những tính toán dài hơi và hiệu quả, trong đó phải đặc biệt coi trọng thế mạnh của con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc làm sống dậy các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm. Thế giới đang có nhiều kinh nghiệm bảo tồn, khai thác di sản như những tài nguyên góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước.

- Trân trọng cảm ơn giáo sư!