Chống tham nhũng phải không ngừng, không nghỉ

Tuần qua, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam, thực hiện khám xét nhà riêng đối với bị can Phạm Hồng Hà, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long, nguyên Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Mức độ vi phạm ra sao thì phải chờ các cơ quan chức năng làm rõ, nhưng trước mắt, nhiều tài sản liên quan đến ông này, trong đó có bốn chiếc xe ô-tô hạng sang, đã bị niêm phong để phục vụ công tác điều tra. Những vụ việc như thế này thời gian qua thu hút sự chú ý của dư luận và cho thấy quyết tâm "không có vùng cấm" trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, từ đầu năm đến hết quý I/2022, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra gần 1.300 vụ với hơn 2.000 bị can; truy tố, xét xử sơ thẩm 737 vụ với gần 1.600 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 4 vụ án/23 bị can, khởi tố mới 7 bị can trong 3 vụ án, khởi tố bổ sung tội danh 4 bị can trong 2 vụ án; kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 5 vụ án/134 bị can… Trong đó, đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.

Với quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực "không ngừng, không nghỉ", Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa diễn ra tại Hà Nội đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trước đây mô hình Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã từng được tổ chức, do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban (ở Trung ương do Thủ tướng làm Trưởng ban). Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Thực hiện chủ trương này, ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị khóa XI đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban đã chứng minh quyết tâm và hiệu quả rõ ràng trong công tác này, minh chứng cụ thể là số lượng vụ, việc tham nhũng, kinh tế được phát hiện, xử lý tăng lên gấp nhiều lần so trước đó. Dù vậy tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Hàng loạt vụ án, vụ việc xảy ra gần đây (như tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng liên quan Công ty Việt Á; tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; vụ đưa - nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan có liên quan; vụ thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC…) cho thấy ở nhiều nơi, tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn nhức nhối.

Vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nhiều vụ việc xảy ra ở địa phương, nhưng chỉ khi Ban Chỉ đạo Trung ương vào cuộc quyết liệt mới phát lộ. Trong ba năm 2018-2020, nhiều địa phương cả năm không phát hiện, khởi tố được vụ án tham nhũng nào. Qua góp ý để xây dựng đề án, toàn bộ 63/63 Tỉnh ủy, Thành ủy đều nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nếu như coi việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban là bước ngoặt của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì việc lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tới đây sẽ tạo bước tiến mới cho công tác này, hiện thực hóa phương châm: Chống tham nhũng phải không ngừng, không nghỉ, như Tổng Bí thư đã khẳng định