“Chính sách đối ngoại nữ quyền” sẽ thay đổi thế giới ra sao?

Phụ nữ ngày càng được công nhận đóng vai trò quan trọng trong một thế giới đầy biến động hiện nay, nhưng bất bình đẳng giới đang là rào cản to lớn ngăn “một nửa thế giới” phát huy giá trị của mình. Trong bối cảnh ấy, “chính sách đối ngoại nữ quyền” đang được thúc đẩy trên thế giới là một bước đi cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Nữ Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Catherine Colonna (bên trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 ở New Delhi tháng 2-2023. Ảnh | Reuters
Nữ Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Catherine Colonna (bên trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 ở New Delhi tháng 2-2023. Ảnh | Reuters

Bất bình đẳng giới không phân biệt giàu nghèo

Những tin tức về bất bình đẳng giới, bạo lực giới mà phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân thường xuất hiện ở những quốc gia nghèo chậm phát triển trên thế giới, khiến không ít người lầm tưởng về điều đó. Với sức mạnh của truyền thông, những góc khuất về bất bình đẳng giới ở những nước giàu cũng đã được phanh phui, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Điển hình Đức, nền kinh tế đầu tàu của châu Âu lại bị coi là nước trì trệ nhất trong vấn đề bình đẳng giới. Khoảng cách mức lương giữa nam và nữ ở Đức lớn hơn tất cả các nước châu Âu còn lại. Cựu nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nói rằng “thật là không ổn” khi các cuộc thảo thuận chuyên đề chỉ toàn diễn giả nam giới cách đây 20 năm.

Bà Katja Grieger, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các Trung tâm Tư vấn phụ nữ và Đường dây nóng khẩn cấp của Đức cho biết, việc các phương tiện truyền thông Đức đưa tin về bạo lực với phụ nữ, nhất là vào thời kỳ cao điểm của đại dịch, đã khiến những nạn nhân của bạo lực gia đình liên hệ với các trung tâm tư vấn nhiều hơn. Bạo lực với phụ nữ chính là hệ quả của bất bình đẳng giới khi phụ nữ bị coi nhẹ và không được bảo vệ trong một xã hội ngày càng gia tăng các mối đe dọa.

Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ câu chuyện của bất bình đẳng giới ở nước giàu có như Đức, nơi những tin tức bạo lực đối với phụ nữ, phụ nữ bị sát hại có thời kỳ gia tăng tới mức được thống kê theo ngày, như thời kỳ đại dịch.

Quyết tâm thay đổi được thấy rõ dưới thời nữ thủ tướng Merkel, người nắm giữ quyền lực trong suốt 16 năm, thời gian đủ lâu để bà theo đuổi vấn đề nữ quyền. “Người đàn bà thép” của nước Đức đã trở thành biểu tượng của nữ quyền với câu nói nổi tiếng vào cuối nhiệm kỳ “tất cả chúng ta nên là những nhà nữ quyền”. Một hiệu ứng tích cực là lãnh đạo Đảng Liên minh Dân chủ Ki-tô giáo Đức (CDU) của nữ Thủ tướng Merkel trước đây đã cam kết sẽ để phụ nữ nắm 50% vị trí chủ chốt của đảng vào năm 2025. Tiếp nữa là sau khi chính phủ trung tả hiện nay nhậm chức cuối năm 2021, vấn đề giới tính đã được đưa lên hàng đầu trong chính trị, khi Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh về một nội các cân bằng giới tính.

“Chính sách đối ngoại nữ quyền” - động lực mới cho toàn cầu

Đức mới đây đã công bố “Chính sách đối ngoại nữ quyền” được cho là sẽ tạo bước ngoặt trong nỗ lực thúc đẩy nữ quyền ở quốc gia này và tạo động lực mới thúc đẩy chính sách đối ngoại nữ quyền trên thế giới. Với tiềm lực của một nền kinh tế hàng đầu châu Âu, sự vào cuộc mạnh mẽ của Đức được trông đợi sẽ tạo những nền tảng quan trọng cho vấn đề này.

Đức sẽ dành hơn 90% quỹ dự án mới cho các dự án toàn cầu nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Phụ nữ sẽ được đặt vào vị trí trung tâm trong các quyết định đối ngoại của Chính phủ Đức. Các quyết định đối ngoại đều phải tính tới nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái, nhằm xóa bỏ nạn phân biệt đối xử và thúc đẩy một xã hội ổn định hơn.

Chính sách này sẽ xuyên suốt tất cả hành động, chính sách đối ngoại của Đức, từ viện trợ nhân đạo đến các biện pháp ổn định, sứ mệnh hòa bình cũng như chính sách giáo dục và văn hóa đối ngoại. Đức sẽ tích cực vận động để bảo đảm các mối lo ngại của phụ nữ được chú trọng hơn trên thế giới, theo đó, phụ nữ có tiếng nói hơn và các quỹ phát triển của đất nước được phân bổ nhiều hơn cho các dự án giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới.

Với việc công bố “Chính sách đối ngoại nữ quyền”, Đức là nước mới nhất gia nhập nhóm các quốc gia tiên phong đang vận động quốc tế cho bình đẳng giới, bao gồm Tây Ban Nha, Pháp, Luxembourg, Canada, Mexico và Chile. Đây cũng là những quốc gia đã theo đuổi chính sách đối ngoại nữ quyền vốn được Chính phủ Thụy Điển khởi xướng vào năm 2014.

Không thể phủ nhận những kết quả đã đạt được trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu, nhưng thực tế thì vẫn còn nhiều điều đáng xem xét. Cùng với những tin tức tích cực về sự tiến bộ của phụ nữ, của nữ quyền, là những con số thống kê đáng lo ngại về bạo lực giới mà phụ nữ là nạn nhân hay bất bình đẳng giới có xu hướng gia tăng. Tại Anh, theo một báo cáo mới đây, trong năm 2022, nữ giới nắm giữ 40% tổng số vị trí trong hội đồng quản trị của 350 doanh nghiệp lớn nhất Vương quốc Anh. Một số liệu từ Liên hợp quốc (LHQ) trong năm 2022 cho thấy, có tới 70% trong số 1,3 tỷ người sống trong cảnh nghèo đói trên thế giới là phụ nữ.

Đáng chú ý, trong kỷ nguyên số, cách mạng công nghệ đang làm trầm trọng thêm các vấn đề bất bình đẳng giới. Theo thống kê, có đến 37% phụ nữ trên thế giới hiện không sử dụng Internet, số phụ nữ tiếp cận Internet thấp hơn 259 triệu người so với nam giới dù phụ nữ thực sự “là một nửa thế giới” tính về tỷ lệ dân số. Nên cũng không phải ngẫu nhiên, LHQ chọn chủ đề “Kỹ thuật số cho tất cả mọi người: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới” làm định hướng hoạt động cho cả năm 2023.

“Chính sách đối ngoại nữ quyền” sẽ thay đổi thế giới ra sao? ảnh 1

Một cuộc biểu tình đòi nữ quyền tại Mỹ.

Cần “chung vai gánh vác”...

Khỏi phải nói về những hệ lụy của tình trạng bất bình đẳng giới, thực trạng không chỉ của riêng quốc gia nào mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Các nghiên cứu cho thấy những quốc gia có bình đẳng giới tốt hơn thường ít có khả năng xảy ra nội chiến hơn các quốc gia khác. Bình đẳng giới cũng gắn liền với quản trị tốt, bằng chứng là các quốc gia mà phụ nữ bị bóc lột hay xảy ra bất ổn hơn. Trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột và phụ nữ được nhìn nhận là đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với những nguy cơ này, vấn đề bình đẳng giới, nữ quyền đang được thúc đẩy mạnh mẽ, nhưng chưa đủ.

“Chính sách đối ngoại nữ quyền” có nghĩa là bảo vệ quyền của phụ nữ và thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa vào quá trình ra quyết định của phụ nữ trên các lĩnh vực khác nhau. Một dẫn chứng cho thấy vai trò cũng như khả năng của phụ nữ trong xử lý khủng hoảng, đó là những quốc gia có nữ lãnh đạo như Đức hay New Zealand đã ứng phó tốt hơn hẳn trong đại dịch Covid-19.

Cho đến nay có hơn 30 quốc gia có chính sách đối ngoại nữ quyền theo sáng kiến của Thụy Điển, nhưng với mức độ quan tâm và thúc đẩy khác nhau, nên chưa tạo ra hiệu ứng và hiệu quả như mong muốn trong vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới. Con số những quốc gia nhập cuộc đấu tranh cho nữ quyền như vậy là quá ít ỏi trước một vấn đề toàn cầu cần sự chung tay nỗ lực của tất cả các quốc gia.

Bởi vậy chưa hẳn phù hợp khi trên thế giới còn có những ý kiến cho rằng, “thật khó để tin một quốc gia còn nhiều bất bình đẳng, chưa bảo vệ được phụ nữ lại có thể thúc đẩy nữ quyền ở nước ngoài”. Mexico là trường hợp bị nghi ngại khi trở thành quốc gia đầu tiên ở Mỹ La-tinh áp dụng chính sách đối ngoại nữ quyền vào năm 2020, bởi đây là quốc gia có tỷ lệ bạo lực giới rất cao.

Theo các chuyên gia về giới và an ninh, thế giới hoàn toàn có thể thay đổi theo hướng tích cực hơn nếu nhiều quốc gia, nhất là những nước có tiềm lực, cùng nỗ lực phối hợp để cải thiện nữ quyền. Và việc những nước có “bảng thành tích” chưa tốt về bình đẳng giới tích cực tham gia thúc đẩy nữ quyền trên thế giới dù sao cũng là đáng khích lệ.

Cho đến nay, có thể khẳng định, phụ nữ chưa phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại hàng đầu của bất kỳ quốc gia nào hiện nay. Nhưng điều đáng mừng là ngày càng có nhiều quốc gia bắt đầu đưa vấn đề của phụ nữ vào chương trình nghị sự. Các tổ chức quốc tế cũng đưa vấn đề này trong các hoạt động ưu tiên của mình. Như liên quan tới vấn đề bình đẳng giới về số, Chính phủ Tanzania và Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã tái khẳng định cam kết hỗ trợ phụ nữ tiếp cận và sử dụng các công nghệ kỹ thuật số.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock từng khẳng định “nếu phụ nữ không an toàn, không có ai an toàn” để nhấn mạnh vai trò quan trọng không thể phủ nhận của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội.