KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV: Thông qua Luật Ðất đai (sửa đổi), tạo đột phá, khơi thông nguồn lực

NDO - Phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường đầu tiên Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ nhấn mạnh: “với việc tổ chức thành công kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội”. Dự báo ấy đã diễn ra trong thực tế. Cho đến thời điểm này, Quốc hội đã có 5 kỳ họp bất thường để giải quyết linh hoạt những đòi hỏi của cuộc sống và kỳ họp lần thứ 5 vừa diễn ra một lần nữa chứng tỏ tinh thần đó, khi mà dự án Luật Ðất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được biểu quyết thông qua.
0:00 / 0:00
0:00
KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV: Thông qua Luật Ðất đai (sửa đổi), tạo đột phá, khơi thông nguồn lực

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh | duy linh

Luật Ðất đai (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, có nhiều điểm mới

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong năm 2023 bởi coi chất lượng là quan trọng nhất, không chạy theo số lượng, không vội vàng. Luật Đất đai có tầm quan trọng, không phải ngẫu nhiên mà có tới hơn 12 triệu lượt góp ý cho dự án luật này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình Quốc hội tại 4 kỳ họp, 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động. Dự án luật này được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đơn cử toàn bộ Ủy ban Kinh tế Quốc hội dành cả buổi tối cùng rà soát về mặt kỹ thuật cũng chỉ được có 1 điều.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án luật rất khó và phức tạp.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều; đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Việc hoàn thiện các nội dung cụ thể và các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và thực hiện theo đúng quan điểm đã xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 (trừ một số điều khoản cụ thể).

Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua có quan điểm và cách tiếp cận với tinh thần công khai, minh bạch, công bằng, thay vì dùng quyền lực hành chính áp đặt thì để thị trường quyết định. Luật có những điểm mới nổi bật như quy định UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định Bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ 1/1/2026. Hằng năm, UBND cấp tỉnh phải trình HĐND cùng cấp quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ 1/1 của năm tiếp theo để bám sát diễn biến của thị trường. Phương pháp tính giá đất bao gồm so sánh, thu thập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất.

Luật đã quy định rõ từng điều kiện, tiêu chí cụ thể các trường hợp giao đất thông qua đấu thầu, đấu giá, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, là điều kiện quan trọng cho cơ quan thực thi áp dụng.

Theo quy định của Điều 79, Luật Đất đai (sửa đổi), Nhà nước thu hồi đất trong 32 trường hợp để thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc này nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) đã được hoàn thiện theo hướng đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong đó có việc tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch.

GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định: “Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ mở ra nhiều cách tiếp cận đất đai cho các dự án. Luật đã quy định tương đối tường minh về các phương thức tiếp cận đất đai như phương thức xác định loại đất, dự án nào được giao đất; dự án nào phải thông qua đấu thầu, đấu giá, cơ chế xác định giá đất đấu thầu ra sao...”.

Nhiều chuyên gia đánh giá, Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động mạnh mẽ tới thị trường bất động sản, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, khi bỏ khung giá đất, tính giá theo nguyên tắc thị trường, giá tài sản có thể sẽ tăng cao hơn nhưng đó sẽ là giá trị thực tế, không phải là giá ảo. Quá trình sàng lọc của thị trường trở nên khốc liệt hơn, từ đó cũng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh hơn, giảm tình trạng đầu cơ, sốt ảo.

Bên cạnh đó, những nội dung quy định tăng cường đấu giá, đấu thầu sẽ góp phần minh bạch hóa thị trường, tăng tính cạnh tranh, hạn chế các trường hợp “doanh nghiệp sân sau”, “doanh nghiệp thân hữu” nhưng cũng là thách thức với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

Kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống

Diễn ra trong 3,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm và thống nhất, đồng thuận cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với nhiều nội dung, quyết sách quan trọng tác động sâu rộng đến đời sống người dân, được cử tri và nhân dân quan tâm và theo dõi. Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2024 mà còn cả nhiệm kỳ.

Cùng với Luật Đất đai (sửa đổi), tại kỳ họp này, việc thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; xem xét, quyết định các vấn đề về tài chính, ngân sách, cho phép phân bổ, sử dụng gần 64 nghìn tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc 5 lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ và giao thông, trong đó dành gần 58 nghìn tỷ đồng cho 32 dự án giao thông trọng điểm, kỳ vọng tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn”, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Với các nội dung được sửa đổi, bổ sung rất căn bản, toàn diện và đồng bộ, Luật Các tổ chức tín dụng sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững của hệ thống; tăng cường tính công khai, minh bạch, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế phổ biến...

Đòi hỏi đặt ra là cần tăng cường tuyên truyền, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương bố trí nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, hoàn thành mục tiêu của các chương trình theo yêu cầu đề ra.

Những kỳ họp bất thường đang trở thành hoạt động bình thường của Quốc hội. Đóng góp cho thành công của kỳ họp bất thường lần này bởi các nội dung chương trình nghị sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, tâm huyết đóng góp nhiều ý kiến chất lượng. Việc xem xét, quyết định những nội dung hệ trọng, cấp bách liên quan đến quốc kế dân sinh một lần nữa cho thấy Quốc hội hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của nhân dân, phản ứng kịp thời trước những yêu cầu cấp thiết của thực tiễn cuộc sống, góp phần đáp ứng mục tiêu vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.