Sập bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Mặc dù thủ đoạn dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” liên tục được cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người nhẹ dạ “sập bẫy”. Khi đến nơi “đất khách quê người” mới “vỡ mộng” thì tất cả đã quá muộn, đành chấp nhận làm việc trong các công ty trá hình do người nước ngoài làm chủ tại Campuchia để hoạt động lừa đảo, đánh bạc và tổ chức đánh bạc trực tuyến...
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, BĐBP Tây Ninh tiếp nhận 33 công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động với chiêu trò “việc nhẹ lương cao” từ lực lượng chức năng Campuchia.
Đại diện Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, BĐBP Tây Ninh tiếp nhận 33 công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động với chiêu trò “việc nhẹ lương cao” từ lực lượng chức năng Campuchia.

Vỡ mộng

Gần hai năm qua, mỗi lần nhớ lại tháng ngày khốn cùng ở “địa ngục trần gian”, Hoàng Văn Trường ở Đông An, Văn Yên (Yên Bái) vẫn còn bàng hoàng, khiếp sợ. Đọc được bài đăng tuyển người trên trang facebook của một phụ nữ có tên là Hằng Hằng hồi tháng 4/2022 với những hứa hẹn hấp dẫn, Trường rủ Trương Văn Phương ở cùng thôn liên hệ để đi làm ở Campuchia, với hy vọng đổi đời nhanh chóng.

Theo sự sắp xếp của đối tượng, Trường và Phương vào TP Hồ Chí Minh, tới khu vực Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) được dẫn qua đường ruộng vượt biên, sau đó đến làm tại tỉnh Sihanoukville, Campuchia. Cả hai được đưa lên tầng trên của tòa nhà đang ở và yêu cầu sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo, instagram...) để rủ rê, lôi kéo và lừa đảo người chơi chứng khoán nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ông chủ người Trung Quốc bắt ép mỗi tháng mỗi người phải lừa được 5 người tham gia, mỗi nhóm 5 người lừa ít nhất 500 triệu đồng. Do không đáp ứng đủ “chỉ tiêu”, Trường và Phương liên tiếp bị đe dọa, hành hạ, muốn về nước phải nộp 5.500-6.000 USD/người đền bù chi phí đưa sang Campuchia, ăn ở và tiền phạt vi phạm hợp đồng. Cả hai đánh liều bỏ trốn nhưng chỉ Phương trốn thoát còn Trường bị bắt lại, tra tấn, đánh đập, buộc phải liên lạc về gia đình cầu cứu. Khi nhà gửi nộp đủ 149 triệu đồng tiền chuộc, Trường mới được thả. Trong rất nhiều nạn nhân sập bẫy, Trường vẫn may vì không ít người đã bị ép buộc lao động khổ sai, bán sang tay qua cả chục công ty.

Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đối tượng người nước ngoài thuê các nhóm người Việt Nam chuyên hoạt động môi giới, buôn người sang Campuchia. Bằng thủ đoạn đăng bài trên các mạng xã hội, các trang tìm kiếm việc làm với mức lương, đãi ngộ hấp dẫn, chúng đã lừa nhiều “con mồi” vào tròng. Người lao động bị thu giữ toàn bộ giấy tờ cá nhân và phải trả toàn bộ chi phí đi đường (từ 500-1.500 USD), được ghi nợ trong hợp đồng lao động ký với các đối tượng Trung Quốc.

Tiền nợ sẽ tăng dần do các quy định thưởng, phạt, ép doanh số nhưng không đạt chỉ tiêu... trong quá trình làm việc. Qua công tác nắm tình hình và từ lời khai của các nạn nhân, truy xét, lực lượng công an đã bắt giữ nhiều đối tượng, vạch trần các ngón nghề lừa phỉnh tinh vi. Từ trang facebook Hằng Hằng do Hoàng Văn Trường cung cấp, bằng biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã xác định được chủ tài khoản là Bàn Thị Chẩy ở phường Quang Trung (Thái Nguyên), thông qua gia đình vận động Chẩy ra đầu thú và sau đó bắt giữ đồng bọn là Dương Thị Quỳnh ở Đào Xá, Phú Bình (Thái Nguyên).

Ban đầu nhiều người chưa nhận thức được công việc của họ là hoạt động lừa đảo, đánh bạc/tổ chức đánh bạc, khi nhận ra thì đã muộn. Muốn trở về phải nộp đủ tiền chuộc, một số lợi dụng sơ hở tìm cách bỏ trốn, số khác hám lời tự nguyện tiếp tục làm việc để được hưởng lương và tiền thưởng theo doanh thu lừa đảo (nếu nghỉ việc trước thời hạn cam kết ít nhất 6 tháng phải đền bù khoảng 3.000 USD), thậm chí còn rủ rê, lừa cả người thân, bạn bè sang làm việc cho các đối tượng người Trung Quốc.

Những chiêu thức lừa đảo tinh vi

Để thuận tiện đưa người Việt Nam sang làm việc và né tránh sự quản lý của cảnh sát Campuchia, các đối tượng thuê nhà của các công ty kinh doanh dịch vụ casino Trung Quốc tại các đặc khu kinh tế gần biên giới. Đây là các khu được xây biệt lập, có hàng rào thép gai, chỉ có một cổng ra vào, bố trí camera giám sát, cửa phòng làm việc bằng kính cường lực được khóa chặt, luôn có bảo vệ canh gác nghiêm ngặt 24/24, do đó việc trốn thoát và giải cứu gặp nhiều khó khăn.

Theo lời khai của một số đối tượng bị khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tố giác của các nạn nhân, một nhóm đối tượng Trung Quốc thường quản lý từ 100 đến 250 nhân viên, chia thành nhiều tổ, mỗi tổ từ 8-10 người, giao cho một tổ trưởng quản lý, ép chỉ tiêu doanh số, nếu vượt sẽ có thưởng, không đạt phải làm tăng ca và trừ lương, nếu kháng cự lập tức bị trừng trị, đánh đập. Thời gian làm việc hằng ngày từ 10 giờ đến 23 giờ đêm. Mỗi nhân viên mới vào làm được bố trí một máy tính kết nối riêng wifi được phát từ sim 4G Campuchia, được hướng dẫn trả lời, dụ dỗ khách hàng (người bị lừa) theo lời thoại, văn mẫu có sẵn.

Ngón nghề lừa đảo rất đa dạng. Các đối tượng chạy quảng cáo tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mỗi lần mua hàng người mua được hoàn tiền và hưởng hoa hồng 12-25% giá trị đơn hàng. Ban đầu, nhiều bị hại tin tưởng sau khi làm theo hướng dẫn, vào đường link tạo đơn mua hàng giá trị nhỏ và thanh toán được hoàn tiền kèm hoa hồng. Sau khi “câu nhử” tạo lòng tin, khi người mua đặt đơn hàng lớn hơn, số tiền thanh toán nhiều hơn, chúng viện cớ như đặt đơn sai, quá thời gian, lỗi hệ thống... dụ dỗ nạn nhân chuyển khoản thêm tiền để làm “bù đơn”, nếu không thực hiện sẽ bị mất toàn bộ tiền. “Trót đâm lao, phải theo lao”, không ít người muốn gỡ gạc, liên tục chuyển tiền, chỉ sau một thời gian lập tức bị chặn liên lạc.

Vẫn chiêu bài đánh vào lòng tham “lãi suất khủng” và nhẹ dạ cả tin, nhiều bị hại đã “ngậm đắng nuốt cay” vì bị lừa số tiền lớn. Sử dụng nhiều tài khoản của các ứng dụng có tính năng hẹn hò với thông tin giả, các đối tượng vào vai những người thành đạt, giàu có để làm quen, dụ dỗ, lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư chứng khoán, forex, tiền ảo vào các sàn giao dịch giả mạo do chúng lập ra, thông qua kịch bản dàn dựng sẵn. Sau vài lần đầu tham gia tiền nạp ít, rút thành công có lãi, khi “nhà đầu tư” nạp số tiền lớn, các đối tượng điều chỉnh cho tài khoản người chơi bị thua lỗ hoặc không thể rút tiền, sau đó liên tục yêu cầu nạp thêm để rút được tiền, cho đến khi không còn khả năng nạp thêm tiền thì bị khóa tài khoản, không thể liên lạc.

Thủ đoạn “nuôi khách” tinh vi này cũng được áp dụng tương tự hoạt động tổ chức casino, game bài online, cá độ bóng đá. Chúng liên tục tổ chức các buổi live stream cho kèo cá cược, ban đầu người tham gia đều thắng, khi chơi lượng tiền lớn bị thua, mất trắng vì các đối tượng điều chỉnh lệnh. Ngoài ra, thủ đoạn giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, các tập đoàn, ngân hàng uy tín, công ty đầu tư chứng khoán lớn để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay hack tài khoản facebook, zalo nhắn tin lừa vay tiền... cũng khiến rất nhiều người rơi vào “mê hồn trận”, răm rắp chuyển tiền, thậm chí có trường hợp bị thao túng tâm lý, mất hàng chục tỷ đồng.

Bài học cảnh tỉnh

Mặc dù lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (có vụ lên tới hàng nghìn tỷ đồng), đồng thời tích cực tuyên truyền, khuyến cáo rộng rãi về phương thức, thủ đoạn phạm tội nhưng danh sách nạn nhân vẫn dài thêm vì thiếu cảnh giác, đề phòng và cả hám lời trong khi các chiêu thức lừa đảo liên tục biến tướng. Việc truy bắt gặp nhiều khó khăn do các đối tượng ở nước ngoài, sử dụng các ứng dụng, phương tiện hiện đại, hoạt động ẩn danh, khó truy vết.

Do đó, cần tăng cường tuyên truyền thường xuyên, liên tục về phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng, nhất là thủ đoạn mới để người dân nâng cao cảnh giác. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, báo chí, cần phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi... tập trung cảnh báo cho các đối tượng có nguy cơ cao như người già, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ có nhiều thời gian rảnh, người dân nông thôn...; tuyên truyền cho thanh niên có nhu cầu kiếm việc làm hiểu rõ việc nhẹ, lương cao chỉ là “bánh vẽ”, nếu có nhu cầu xuất khẩu lao động thì đi theo đường chính ngạch.

Người dân cần nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ, không truy cập các đường link, liên kết lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Một điểm đáng lưu ý là người lao động xuất cảnh phải chấp hành nghiêm quy định pháp luật của Việt Nam và nước sở tại, trường hợp hoạt động phạm pháp tại nước ngoài khi về nước vẫn bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có giải pháp thiết thực tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho thanh niên ở các địa phương để làm giàu ngay trên chính quê hương mình.

Sau khi hơn 100 công dân Việt Nam làm việc trái phép tại một cơ sở lừa đảo, đánh bạc trực tuyến đã bị các cơ quan chức năng Campuchia bắt giữ và trục xuất, ngày 11/3, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville phối hợp các cơ quan chức năng phía Campuchia và trong nước tiến hành các thủ tục lãnh sự tiếp nhận số công dân này qua cửa khẩu quốc tế Prek Chak - Hà Tiên. Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam cần tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm việc theo kiểu việc nhẹ, lương cao và không yêu cầu phải bằng cấp, trình độ, không có hợp đồng ký kết, không thông qua doanh nghiệp cũng như là các tổ chức phái cử lao động. Công dân cần tìm hiểu kỹ về nội dung công việc, đơn vị, địa điểm làm việc và thân nhân người giới thiệu, chế độ bảo hiểm, quyền lợi được hưởng để có quyết định đúng đắn trước khi ra làm việc tại nước ngoài.