Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ:

“Quốc hội
tiếp tục đổi mới
để đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống”

Năm 2023, Quốc hội (QH) hoạt động hết sức sôi nổi, tích cực, toàn diện, hiệu quả và đổi mới trên cả 3 chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng. Ðó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng, chủ động, sáng tạo của QH, trong đó có dấu ấn cá nhân của Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ. Nhân dịp Tết đến Xuân về, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ đã dành cho báo chí cuộc trò chuyện về một số hoạt động nổi bật của QH trong năm 2023, những định hướng trong năm mới và chia sẻ về công tác lập pháp, giám sát...

Biến những việc bất thường trở thành bình thường

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:Năm 2023 có thể nói là năm khối lượng hoạt động của QH lớn nhất từ đầu Khóa XV. Theo Hiến pháp, một năm QH họp 2 kỳ, như vậy cả khóa chỉ có 10 kỳ họp, nhưng riêng năm 2023 QH đã họp 5 kỳ, trong đó có 3 kỳ bất thường. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ QH cũng họp gần 20 phiên họp và chủ trì, tham gia tổ chức nhiều Hội nghị toàn quốc khác.

Với khối lượng công việc rất lớn, bàn về nhiều vấn đề quan trọng của quốc kế dân sinh, nên QH làm việc hầu như không nghỉ, lễ, Tết, cuối tuần, đêm khuya tòa nhà QH vẫn sáng đèn. Vì yêu cầu công việc, việc trình các nghị quyết, các dự án luật để kịp tiến độ đến nhà riêng tôi vào nửa đêm về sáng đã trở thành chuyện bình thường. Có như vậy, QH mới đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống. Tôi đã phát biểu trong một kỳ họp bất thường của QH khóa XV những công việc bất thường có thể sẽ trở thành bình thường và thường xuyên của QH. Dự báo ấy hoàn toàn thành sự thật. QH không chỉ phấn đấu ngày càng chuyên nghiệp, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền mà còn phải rất linh hoạt theo yêu cầu cuộc sống, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước.

Tôi thấy rất vui vì dù công việc nặng nề, vất vả nhưng các thành viên QH, các đại biểu QH không kêu ca, phàn nàn mà còn rất hứng khởi làm việc, cống hiến. Để hoàn thành một khối lượng lớn công việc như vậy, cần sự đồng hành của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, các ban, bộ, ngành từ Trung ương, địa phương, tất cả đều cố gắng trong guồng quay ấy. Tôi nghĩ nếu chỉ một mình QH không làm được và qua thời gian, công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn”.

Thưa Chủ tịch Quốc hội, giữa bộn bề công việc và các hoạt động sôi nổi của QH, xin đồng chí cho biết một số sự kiện nổi bật của công tác lập pháp năm 2023?

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ: QH tiếp tục tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo, phát triển, có tầm nhìn dài hạn trên cơ sở bám sát Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ QH về định hướng xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ QH 2021-2026. Riêng năm 2023, QH đã ban hành và cho ý kiến 26 dự án luật, trong đó thông qua 16 dự án luật, cho ý kiến 10 dự án luật khác; thông qua 6 nghị quyết như luật (nghị quyết có quy phạm pháp luật). Ủy ban Thường vụ QH cũng thông qua một pháp lệnh và 10 nghị quyết như pháp lệnh. Như vậy tới nay, có 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ đã được hoàn thành, chiếm 83% khối lượng công việc của cả nhiệm kỳ.

Thực tế cuộc sống phong phú, đa dạng nên đương nhiên có nhiệm vụ lập pháp thêm mới, có nhiệm vụ rút ra khỏi chương trình hằng năm. Có những việc tôi nghĩ nếu sau này nghỉ hưu và viết hồi ký, có khi sách bán cũng “đắt” khách đấy (cười). Trước kỳ họp thứ 6, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ QH thống nhất đưa vào chương trình dự thảo nghị quyết Áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nghị quyết của QH về cho phép áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Với nội dung thứ nhất, Ủy ban Thường vụ QH họp một lần đã kết luận, đồng ý trình QH, nhưng nội dung thứ hai, họp 2 lần cũng không thông qua được để trình, vì việc lập dự toán ngân sách hằng năm, chi tiền hỗ trợ cho các tập đoàn để thu hút đầu tư là chưa có tiền lệ trên thế giới. Do đó, ngay tại phiên họp trù bị, chúng tôi đã kiến nghị QH cho rút dự thảo nghị quyết về thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, chỉ trình nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu và được QH đồng ý. Nhưng một tuần sau, các tập đoàn đa quốc gia gửi thư đến Chủ tịch Quốc hội, đề nghị không thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu một cách riêng lẻ, mà phải thông qua đồng thời cả 2 nghị quyết, nếu không nên hoãn lại. Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ QH thống nhất với Chính phủ, báo cáo QH cho phép rút cả 2 dự thảo nghị quyết này.

Nhưng sau đó, các tập đoàn đa quốc gia lại thay đổi ưu tiên, đề nghị nếu chưa có nghị quyết hỗ trợ đầu tư vào công nghệ cao, đề nghị thông qua sớm nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu. Họ lo tranh chấp về mặt pháp lý, vì phải làm nghĩa vụ thuế ở nhiều nước là rất phức tạp ảnh hưởng tới việc lập kế hoạch tài chính và phương án nộp thuế của các doanh nghiệp từ năm 2024. Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ cũng có chung nhận thức như vậy. Trước tình thế đó, trong ngày nghỉ đầu tiên giữa 2 đợt họp, tôi làm việc với các cơ quan, gợi ý trình nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp chủ trương thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chính bằng nguồn này. Thủ tướng khi biết tin cũng phấn khởi lắm, nửa đêm còn gọi điện chia sẻ với tôi. Sau đó, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ QH thống nhất lại xin QH đưa trở lại chương trình. Trước hết là xin đưa lại việc thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu, để giành quyền đánh thuế bổ sung, chống xói mòn cơ sở thuế. Riêng vấn đề này, năm tới chúng ta thêm được khoảng gần 15.000 tỷ đồng mà nếu không có nghị quyết, không thu được khoản tiền này. Đồng thời, các cơ quan cũng trình QH đồng ý chủ trương cho lập quỹ hỗ trợ đầu tư chính từ nguồn này và các nguồn lực khác, giao Chính phủ xây dựng Nghị định quy định và Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến trước khi ban hành, báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất. Quyết sách này được dư luận đánh giá tốt, nhiều tập đoàn đa quốc gia gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội hết sức hoan nghênh, đánh giá cao Chính phủ và QH. Họ nói rất yên tâm, cam kết sẽ đầu tư lâu dài, kêu gọi các tập đoàn khác vào và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Đó là điển hình của câu chuyện “kéo pháo vào và kéo pháo ra” trong làm luật, nhưng là để ứng xử với các tình huống phát sinh, đáp ứng yêu cầu cuộc sống và kiến tạo phát triển. Bản thân Chính phủ, QH và các cơ quan của QH cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng, rất đau đầu trong việc lựa chọn phương án tối ưu.

Toàn cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ năm Quốc hội khóa XV.  Ảnh trong bài: Duy Linh

Toàn cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ năm Quốc hội khóa XV.  Ảnh trong bài: Duy Linh

Xin đồng chí cho biết những quyết sách của QH để gắn kết chặt chẽ xây dựng pháp luật với thực tiễn pháp luật và hoàn thiện hệ thống luật pháp, khắc phục những mâu thuẫn, bất cập mà nhiều người cho rằng đó là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám làm?

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ: Năm 2023, QH tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của QH khóa XV và hội nghị này sẽ trở thành hội nghị thường kỳ. Phải gắn kết chặt chẽ xây dựng pháp luật với thực tiễn pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán và kịp thời, hiệu quả, hiệu lực.

Một nội dung tôi đánh giá là sự kiện của năm 2023, đó là chúng ta tổng rà soát pháp luật. Câu chuyện có bộ phận cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai là có thật, câu chuyện không dám làm hoặc làm không đến nơi đến chốn, bất cứ điều gì cũng đổ lỗi cho chính sách pháp luật còn chồng chéo, bất cập là có thật. Nhưng mức độ đến đâu và như thế nào cũng phải cho tường minh. Nghị quyết 101 kỳ họp thứ 5 của QH yêu cầu tổng rà soát về hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ đã thành lập một tổ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng để tổng rà soát. Ủy ban Thường vụ QH cũng thành lập một tổ do đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch QH làm tổ trưởng. Hai bên cùng rà soát độc lập với nhau.

Kết quả rà soát, có một kết luận của 2 tổ này đưa ra, QH đồng tình và trùng khớp với nhận định của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, khớp với Nghị quyết 27-NQ/TW Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là sự khẳng định hệ thống pháp luật của chúng ta cho đến nay cơ bản đã bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất tuân thủ Hiến pháp và các quy định, các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế, đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, khả thi. Đây là kết luận rất quan trọng. Và vì thế chưa thấy có sự cần thiết đến mức phải dùng một luật sửa ngay một số luật. Những vướng mắc trong hệ thống pháp luật thì đều đã được đưa vào chương trình kế hoạch công tác theo Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của QH.

Chúng ta dày công xây dựng pháp luật, vừa ban hành những văn bản pháp luật mới, vừa sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành. Đương nhiên, đất nước ta đang phát triển, thực tiễn cuộc sống bao giờ cũng đi trước, cho nên nhu cầu luôn luôn phải sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu là vấn đề bình thường, chứ không phải vì chuyện đó mà cho rằng pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn sơ hở đến mức khiến cho cán bộ công chức không làm được việc, sợ sai.

Tôi nhớ tổng số văn bản cả Luật, Nghị định, Thông tư được tổng rà soát khoảng hơn 600 văn bản. Việc này đã trình QH tại Kỳ họp thứ 6 vừa rồi và QH đã có nghị quyết giao cho Chính phủ trong chức năng nhiệm vụ của mình, cái gì có liên quan đến nghị định, thông tư phải chủ động sửa. Cái gì liên quan đến luật và pháp lệnh thì chủ động cùng với QH đưa chương trình hoặc có chương trình rồi thì sớm làm dữ liệu đầu vào để hoàn thiện.

Sắp tới, chúng ta sẽ tổng rà soát về hành chính, thủ tục hành chính. Những vấn đề được nói như tình trạng “đẻ” ra nhiều giấy phép con, thủ tục hành chính rắc rối, phiền hà phải rà soát xem có thật như vậy không, mức độ thế nào?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cán bộ, công nhân Công ty Ohsung Vina Thái Bình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cán bộ, công nhân Công ty Ohsung Vina Thái Bình.

Hoạt động giám sát cũng phải kiến tạo phát triển

Năm 2023, hoạt động giám sát của QH đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thể hiện rõ tinh thần kiến tạo phát triển, đồng hành với Chính phủ. Xin đồng chí cho biết QH sẽ có những quyết sách gì để hoạt động giám sát ngày càng thực chất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả?

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ: QH thực hiện chức năng giám sát theo tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao nhiệm vụ từ phiên họp đầu tiên của QH khóa XV, đó là phải lấy giám sát, đổi mới công tác giám sát như một khâu trọng tâm, then chốt để đổi mới tổ chức hoạt động của QH... QH và Ủy ban Thường vụ QH hết sức quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế cho vấn đề giám sát, quyết tâm sửa sớm Luật Giám sát của QH và HĐND, đưa vào chương trình của 2024, sao cho sát thực, khả thi, thực chất hơn, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả.

Năm 2022, Ủy ban Thường vụ QH ban hành Nghị quyết về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND. Các đồng chí ở HĐND các tỉnh đánh giá đây như là một cẩm nang giải đáp được nhiều vướng mắc của HĐND. Năm 2024, Ủy ban Thường vụ QH sẽ ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc thực hiện các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của QH. Phải tăng cường công tác giải trình sao cho linh hoạt, sát với thực tiễn cuộc sống và những vấn đề nổi cộm. Từ trước đến nay, chúng ta cũng có chưa có hướng dẫn nào cho việc này, nhiều cuộc giám sát giải trình xong mà không có kết luận, không có nghị quyết thì thiếu hiệu lực. Ủy ban Thường vụ QH quyết tâm làm việc này và đến giai đoạn hậu kỳ, chuẩn bị ban hành rồi, kỳ vọng sẽ tạo ra sức mạnh của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan khác của QH, tăng cường giải trình những đòi hỏi của cuộc sống. Quyền lực của Nhà nước gắn với trách nhiệm mà lớn nhất là trách nhiệm giải trình. Các phiên giải trình tại các ủy ban của QH là vấn đề then chốt nhất bên cạnh hoạt động chất vấn của QH và Ủy ban Thường vụ QH. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ QH sẽ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ sẽ sớm sửa đổi Nghị quyết về tiếp xúc cử tri của Đại biểu QH và đại biểu HĐND để thực chất, sâu sát hơn.

Các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ở QH ngày càng có những tìm tòi, đổi mới hơn. Chất vấn được chia thành các nhóm vấn đề, để đại biểu và các thành viên Chính phủ chủ động hơn.

Thời gian qua, giám sát chuyên đề là một điểm sáng, càng rõ hơn triết lý của Ủy ban Thường vụ QH và của Chủ tịch QH là giám sát cũng phải kiến tạo phát triển, chứ không phải chỉ ra những khuyết điểm sai phạm. Do đó, giám sát của năm 2023 và từ đầu khóa đến nay chú trọng vào giám sát những nội dung đang diễn ra, chứ không phải vấn đề đã được khép lại mới bắt đầu hậu kiểm. Kết quả của giám sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp thứ 6 đã giúp QH ban hành Nghị quyết về một số thể chế chính sách để đẩy nhanh thực hiện 3 chương trình mục tiêu này tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Hay như giám sát việc thực hiện Luật Quy hoạch đã được QH biểu quyết tán thành rất cao Nghị quyết số 61 giải quyết tất cả các vấn đề bị ách tắc liên quan đến quy hoạch trước đây. Với tinh thần đó, năm 2024 QH sẽ giám sát chuyên đề về bất động sản, nhà ở, tập trung vào khâu thực thi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, giải quyết những tồn đọng vướng mắc. Chất lượng giám sát phải ngày càng được nâng lên. Dân gian có câu “giám phải sát, sát phải dám”, tôi thấy rất sâu sắc. Giám sát phải sát sao, chỉ ra những sai sót, vướng mắc với ý thức xây dựng thì ngại gì đâu. Kết thúc giám sát, QH có văn bản báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Trước thềm năm mới, với tinh thần “ôn cố tri tân”, ông ấn tượng gì về năm 2023 và bước sang năm mới 2024 QH sẽ tiếp tục đổi mới thế nào để vừa tháo gỡ được những nút thắt, điểm nghẽn trước mắt, vừa hướng tới tầm nhìn phát triển bền vững, lâu dài?

Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ: Năm 2023 là một năm thành công về đối ngoại nói chung của đất nước trong đó có đối ngoại của QH. Đối ngoại là một trong những lĩnh vực nổi bật nhất của QH, vừa là đối ngoại nhà nước, nhưng có tính nhân dân sâu sắc, vì có sự gắn kết với các địa phương và người dân. Rất nhiều đoàn cấp cao của QH các nước thăm và làm việc với QH nước ta. Tôi cùng đoàn công tác của QH cũng thăm và làm việc nhiều nước trên thế giới, đi đến đâu cũng được đón tiếp trọng thị, nồng ấm. Công tác đối ngoại của chúng ta giờ tham gia vào dẫn dắt luật chơi  chung chứ không phải thụ động nữa.

Năm 2023, lần đầu tiên tổ chức diễn đàn Người lao động, 500 người lao động đã đối thoại với Chủ tịch QH về chủ đề “ Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”. Tôi cho rằng đây là một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt để hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của công nhân, viên chức và cán bộ công đoàn nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về lao động, việc làm, sinh kế và thu nhập của người lao động.  Chủ tịch QH cũng phát động giải bóng đá công nhân toàn quốc lần đầu tiên, giải thi đấu rất sôi nổi, thành công. Và cũng lần đầu tiên có một phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” . Hơn 260 em nhỏ có mặt ở Hội trường Diên Hồng để góp tiếng nói về phòng chống bạo lực, xâm hại và bảo vệ an toàn cho trẻ trên mạn. Tiếng nói của trẻ em đã lay động, làm thay đổi nhận thức của người lớn và có thể nói QH cũng học được nhiều từ các em.

Các khóa trước của QH đã rất thành công, QH khóa này tiến lên nửa bước đã khó, một bước càng khó hơn, nhưng không được dừng lại, phải tiếp tục đổi mới để đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống. QH tập trung để tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, nhưng luôn phải hướng tới những vấn đề căn cơ, lâu dài và xây dựng thể chế chính sách thì phải tuân theo chủ trương, Nghị quyết của Đảng. Đối với những vấn đề cấp bách nhưng đã chín muồi và nhận được sự đồng thuận cao thì chúng ta luật hóa để tổ chức thực hiện. Những gì cấp bách nhưng chưa đủ độ chín, chua đủ rõ và chưa có sự đồng thuận thì tiếp tục nghiên cứu và những gì được cơ quan có thẩm quyền cho phép thí điểm thì tiến hành thí điểm. Theo kinh nghiệm của một số nước, chiến lược thì tiệm tiến, nhung chiến thuật phải đột phá, quyết liệt cải cách về chính sách, về quản trị quốc gia.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thực hiện :
Phùng Nguyên
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Duy Linh