Chặng đường vòng dưới chân vách đá

Đó không phải là điều gì bất ngờ. Ngày 16/11 (theo giờ Việt Nam), đảng Cộng hòa đã giành đủ 218/435 ghế - mức tối thiểu để nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ. Tuy nhiên, cùng đó, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố quyết định tái tranh cử tổng thống vào năm 2024, chính trường Mỹ mới thật sự đối diện với một khúc quanh.
0:00 / 0:00
0:00

Theo hãng tin Reuters, việc sớm đưa ra tuyên bố tái tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là nhằm ngăn chặn một số ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa tham gia cuộc đua vào Nhà trắng sẽ diễn ra cuối năm 2024, bao gồm cả Thống đốc bang Florida-ông Ron DeSantis và cựu Phó Tổng thống Mike Pence.

Ngay từ lúc này, lộ trình trở lại chính trường của một trong những vị tổng thống gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ đã được xác lập, với việc ê-kíp của ông gấp rút hoàn tất các thủ tục hành chính. Nhưng, điều đáng nói, động thái này diễn ra ngay sau thời điểm đảng Cộng hòa không đạt được những kết quả như mong muốn, trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa khép lại.

Một "làn sóng đỏ" (mầu của đảng Cộng hòa trên các bản đồ bầu cử) đã không trở thành hiện thực, để giành quyền kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ từ tay đảng Dân chủ. Và có vẻ như nhà cựu lãnh đạo, một lần nữa, lại tận dụng tình hình để sẵn sàng mang lên mình dáng dấp của một "vị cứu tinh".

Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh, cho dù không thể chiến thắng ở Thượng viện, thì việc giành lại quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ cũng sẽ giúp đảng Cộng hòa tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ lên các chính sách mà ông chủ Nhà trắng hiện tại, Tổng thống Mỹ Joe Biden - cũng như đảng Dân chủ theo đuổi, bằng những công cụ pháp lý đa dạng (như bỏ phiếu về việc nâng trần nợ công hay tiến hành điều tra về các điểm tồn nghi trong quá trình nắm quyền của phe Dân chủ). Nhưng, ngược lại, bởi vì đảng Dân chủ vẫn làm chủ Thượng viện Mỹ, mọi dự luật mà Hạ viện dự định thông qua đều có nguy cơ bị phủ quyết.

Rất rõ ràng, sự chia rẽ trong Quốc hội Mỹ (điều vốn cũng không có gì xa lạ) hoàn toàn có thể dẫn tới hệ lụy là sự kiềm chế lẫn nhau, và "đóng băng" những quyết sách cần thiết cho lợi ích chung của nước Mỹ. Thậm chí, nguy cơ xuất hiện những "vách đá tài chính"-khái niệm chỉ sự bế tắc trong phân bổ ngân sách quốc gia, với khả năng khiến Chính phủ Mỹ có thể buộc phải đóng cửa tạm thời trong những quãng ngắn, là điều cũng từng nhiều lần xảy ra trong thực tế.

Và nhìn rộng hơn, rất khó để phủ định rằng trên nhiều phương diện, những xáo trộn trên chính trường Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến bối cảnh thế giới, đặc biệt là trên phương diện giao thương-phát triển kinh tế.

một khía cạnh khác, trong hai năm tới (một quỹ thời gian không lấy gì làm dư dả), trọng tâm sâu thẳm của các chương trình hành động, từ cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ, đều sẽ chỉ là ráo riết chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh quyền lực. Và thực tế, guồng quay tranh cử Tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu ngay từ đầu năm 2024, nghĩa là mọi thứ sẽ còn trở nên hối hả gấp bội.

Trong tình thế này, sự "tái xuất" của cựu Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ khiến cả các đối thủ cạnh tranh ở đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ phải "hao tâm tổn trí" thêm.

Có lẽ cũng cần phải nhắc lại, thật ra, vào đầu chặng tranh cử năm 2016, ông Donald Trump là một ứng viên độc lập. Sau đó, đảng Cộng hòa Mỹ đã buộc phải "thu nạp" ông, khi không còn ứng viên nào tỏ ra đủ sức cạnh tranh với đối thủ Hillary Clinton của đảng Dân chủ. Và cho đến tận lúc này, gần hai năm sau khi ông Trump rời cương vị, những người ủng hộ ông cũng vẫn đặt cho mình một lằn ranh-mảnh, nhưng khó bị bôi xóa-với khối cử tri chống lại ông mà họ gọi là RINO (Republic in name only/Chỉ là phe Cộng hòa trên danh nghĩa), những người thật ra lại nắm giữ tầm ảnh hưởng khá lớn.

Nghĩa là, theo tiền lệ, những đợt sóng công kích lẫn nhau trên chính trường Mỹ, trong vòng hai năm tới, sẽ còn dữ dội và khó đoán định hơn…