Chấn chỉnh lối ứng xử kém văn hóa trên mạng

Thực tế việc dùng lời nói mạt sát, đe dọa, hoặc công kích bằng những ngôn từ tục tĩu, thô thiển… đã xuất hiện trên mạng xã hội từ lâu; cũng như đã được phản ánh, phê bình trong dư luận, trên báo chí.
0:00 / 0:00
0:00
Với hàng triệu người dùng trên mạng xã hội, những cơ chế phát hiện và xử lý mạnh mẽ, hiệu quả nhằm kéo giảm tình trạng ứng xử kém văn hóa là hết sức cần thiết. Ảnh: UNICEF Việt Nam
Với hàng triệu người dùng trên mạng xã hội, những cơ chế phát hiện và xử lý mạnh mẽ, hiệu quả nhằm kéo giảm tình trạng ứng xử kém văn hóa là hết sức cần thiết. Ảnh: UNICEF Việt Nam

Và không ít trang mạng hay trang cá nhân có đăng tải những nội dung phản văn hóa đó đã bị cộng đồng mạng, nhẹ thì góp ý, nặng hơn thì phê phán, tỏ thái độ phản đối. Một số trường hợp lăng mạ người khác, vu khống, cáo buộc khi chưa đủ cơ sở, đã bị cơ quan pháp luật xử lý.

Tuy nhiên, vẫn xuất hiện nhiều lối ứng xử thô thiển, phản cảm, gây ức chế, bức xúc cho không ít người khi tham gia mạng xã hội… dẫn đến chủ nhân của chúng lại trở thành mục tiêu bị công kích, bị gán ghép cho đủ những điều xấu xa, tồi tệ. Đặc biệt khi các đối tượng buông ra những lời lẽ phản cảm và hằn học đó dường như tự cho mình cái quyền được "lên lớp", "dạy bảo", chỉ trích những người khác "không vừa mắt" mình. Và có những khi các cơ quan chức năng vẫn chưa đủ sức phát hiện, răn đe được một cách chặt chẽ, kịp thời.

Vấn đề cấp thiết hiện nay, có liên quan đến hàng triệu người sử dụng, tham gia mạng xã hội là các cơ quan chức năng về truyền thông, văn hóa, an ninh mạng… cần có những cơ chế phát hiện và xử lý mạnh mẽ, hiệu quả hơn, nhằm chấn chỉnh, kéo giảm tình trạng ứng xử kém văn hóa trên mạng. Đã có hình thức xử phạt đối với những hành vi tung tin giả; truyền bá các tài liệu, nội dung vi phạm pháp luật; đăng tải những hình ảnh trái với quy định pháp luật, với thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội…, thì cũng cần nghiên cứu có cách xử lý thích đáng đối với lối ăn nói thô bỉ, chửi mắng, hăm dọa người khác. Có thể là phạt tiền, xóa những nội dung phản cảm, kém văn hóa; đồng thời công khai các trang cá nhân đó trên báo chí, truyền thông, trang mạng xã hội để cảnh báo, khuyến cáo cộng đồng…

Quan trọng hơn nữa là nâng cao khả năng phát hiện của cơ quan chức năng; phát huy cơ chế phản ánh, cung cấp từ người dân, cộng đồng mạng; nâng cao trách nhiệm tiếp nhận, phản ứng nhanh, xử lý kịp thời của cơ quan chức năng. Những việc làm, kết quả đó được triển khai nhanh chóng, công bố rõ ràng, sẽ góp phần tác động đến suy nghĩ, hành vi, lối ứng xử của cộng đồng mạng; chấn chỉnh và phòng ngừa những biểu hiện kém văn hóa, giúp cho môi trường mạng được trong sạch, lành mạnh, văn minh hơn.

VẤN đề trên hiện nay càng trở nên cấp thiết. Chúng ta đang xây dựng xã hội văn hóa, nếp sống văn minh, đề cao việc củng cố, phát huy các giá trị tốt đẹp của con người trong xã hội, trong quan hệ, ứng xử. Cần lắm việc nắn chỉnh, cảnh báo kịp thời những biểu hiện trái với mục tiêu nhân văn, tốt đẹp đó.