Động thái từ phía Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) là ban hành công văn khẳng định, Cục luôn ưu tiên xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành. Và nguồn cơn của tình trạng là do chưa có cơ sở nào nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho thuốc chứa hoạt chất này. Công văn này chưa đi vào những bất cập trong công tác đấu thầu. Điều mà đại diện Hội Thiết bị y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, chính là nguyên nhân khiến việc mua sắm trang thiết bị y tế bị hạn chế tính cạnh tranh, không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Soi lại thực tế, phần lớn hồ sơ mời thầu đều đòi hỏi nhà thầu phải có ít nhất 2-3 hợp đồng tương tự với những ràng buộc rất chi tiết, đúng chủng loại với thiết bị mời thầu. Vật tư tiêu hao cũng phải đúng chủng loại mới đáp ứng được hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, hợp đồng tương tự về tính năng kỹ thuật, mỗi nơi lại áp dụng một kiểu. Thêm nữa, các hồ sơ mời thầu đều đòi hỏi giá trị của các hợp đồng tương tự lớn hơn hai phần ba giá trị trong hồ sơ mời thầu, vô hình trung đã hạn chế số nhà thầu tham dự trong khi lợi ích đem lại cho chủ đầu tư không đáng kể. Chưa kể, chủ đầu tư có thể bắt tay với đối tác và công ty thẩm định giá nâng giá trị hợp đồng để loại bỏ các nhà thầu khác. Hay, yêu cầu về giấy ủy quyền của hãng hoặc đại diện hãng được xem như ưu tiên số một để tham gia vào quá trình đấu thầu, tưởng như chặt chẽ lại tạo nên "khoảng mờ" dẫn đến nguy cơ giá thầu bị đẩy lên cao.
Nếu bỏ đấu thầu thuốc tập trung và giao cho các địa phương, bệnh viện, cơ sở tự chủ liệu có giải quyết được những bất cập nói trên? Câu trả lời là có, bởi nó mang lại cho các bệnh viện sự chủ động trong tìm kiếm nguồn thuốc vừa rẻ vừa bảo đảm chất lượng. Mỗi bệnh viện công sẽ tính định suất dựa trên số lượng bệnh nhân, hằng năm trung bình dùng bao nhiêu thuốc. Bảo hiểm y tế sẽ dùng các kỹ thuật tính toán với nguồn quỹ, giao cho mỗi bệnh viện một mức kinh phí để đơn vị chủ động mua các loại thuốc phù hợp nhu cầu, phát huy được tính chủ động, sáng tạo, Nhà nước vẫn cân đối nguồn chi, kiểm soát được ngân sách.
Đã đến lúc, Bộ Y tế cần đưa ra đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu, cũng như tiếp thu những kiến nghị chung quanh yêu cầu thay đổi hình thức đấu thầu bằng kiểm soát giá thuốc, đưa ra mức giá trần. Muốn giải "cơn khát" thuốc, cần giao quyền chủ động cho cơ sở. Bởi đó là lựa chọn đa mục tiêu, vừa giúp tiết kiệm nhân lực, tài lực tham gia đấu thầu vừa giảm áp lực cho các bác sĩ, nhân viên y tế và dĩ nhiên, cơ sở sẽ có nhiều loại thuốc đúng nhu cầu để kê đơn cho bệnh nhân, thay vì bắt buộc sử dụng các thuốc giá rẻ đã trúng thầu.