Cần có cơ chế "mở" để bảo trợ

Sân khấu truyền thống trước tiên vẫn phải hướng tới việc giữ gìn các vốn nghệ thuật tinh hoa của dân tộc. Bởi thế, xét cho cùng, chỉ khi có sự bảo trợ tốt, các đơn vị này mới có thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ, cũng như dũng cảm thử nghiệm để tiếp cận khách du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Cần có cơ chế "mở" để bảo trợ

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam nên nghiên cứu một cơ chế phổ biến trên thế giới: các tập đoàn, doanh nghiệp lớn được Nhà nước khuyến khích bảo trợ, thậm chí khai thác các chương trình sân khấu truyền thống vào mục đích phát triển thương hiệu. Bù lại, họ sẽ nhận về các ưu đãi về thuế, tài chính, hoặc trong quá trình hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Mở cửa sổ, chạm nắng xưa

Mùa hè năm 2019, trở lại Paris, tôi ghé về con phố có căn áp mái của tôi. Tôi đã từng ở đôi ba chỗ, loanh quanh thành phố rộng lớn này, nhưng căn áp mái ấy là nơi tôi yêu dấu nhất. Nó nhỏ xinh, ấm cúng và khá tiện nghi. Cửa sổ hướng Tây Nam, chiều xiên xiên nắng, như thể với tay ra là chạm hoàng hôn. Tôi hay tựa cửa, ngắm bầu trời chạng vạng. Nắng mơ màng chuyển động trên những mái nhà nhấp nhô muôn đợt sóng ánh sáng. Hút tầm mắt, thấy tháp Eiffel, trông bé xíu, mong manh, đơn độc mà kiêu hãnh giữa trời. Một đêm 14/7, không muốn chen chân lên phố lớn, chúng tôi ở nhà, ngả lưng thư thả, ngửa mặt ngắm pháo hoa. Những chùm sáng rực rỡ muôn mầu, tuôn trào như thác đổ, lấp lóa...

Duyên thế nào, mà sau khi tôi rời căn áp mái ít năm, vợ chồng cô em họ tôi lại mua căn hộ mới trong khu vực xinh đẹp, yên tĩnh, thuận tiện mọi đường đi lối lại này, chỉ cách nhà tôi một con dốc nhỏ. Từ đây, đi bộ vèo ra ga, lên tàu, năm phút là vào Monpartnass. Đi bus 126, mười lăm phút tới Porte d’Orleans, rồi chuyển tàu điện vài ba bến nữa là đến chợ Tàu quận 13. Căn hộ của các em tôi thoáng đãng, ít đồ đạc, nhiều chỗ cho trẻ con chơi, đặc biệt là có "view" ôm gần trọn Paris cổ kính xa xa. Từ đây, tôi ngóng sang căn áp mái, bần thần đếm các ô cửa, để xác định vị trí hai ô cửa của tôi. Ngay bên trái cánh cổng gỗ to dày sơn mầu xanh nước biển của tòa nhà đó là hàng bánh Le Grenier à Pain. Mỗi sớm tinh mơ, khi nghe mùi bánh mới ra lò thơm lựng, tôi lại chạy ào xuống mua một ổ baguette hay vài ba chiếc croissant còn ấm nóng, vỏ giòn rôm rốp, ruột xốp mềm ngậy mùi bơ cho bữa sáng kiểu Pháp đơn giản, nhẹ nhàng. Trong nhiều giấc mơ, tôi vẫn thấy mình bấm "code" cửa, khẽ xoay tay nắm bằng đồng mát rượi. Cánh cửa gỗ xanh từ từ mở. Tôi ôm cái túi giấy âm ấm đầy bánh, bước vào. Căn phòng ăm ắp sáng. Bụng đói cồn cào. Mùi cà-phê nồng nàn gọi những nhấp môi. Khói thuốc lá mỏng manh, mê đắm...

Tôi giật mình rơi khỏi luồng ký ức, khi cô em từ bếp nói vọng ra: "Chị ơi, chị em mình đi bộ loanh quanh, rồi qua phố Raymond Marcheron mua bánh ngọt đi!". Nghe đến bánh ngọt, hai đứa cháu tôi reo lên. Chị em nó sinh ra ở Paris. Con chị bảy tuổi dịu dàng, chững chạc, dùng tiếng Việt khá tốt, ra dáng lắm rồi. Thằng em hai tuổi thân thiện, hiếu động, tuy vẫn bám mẹ lẵng nhẵng, nhưng biết tự đi giày, tự xúc cơm, đâu ra đấy. Nó đang tập nói, tiếng tây nhiều hơn tiếng ta. Bác Na mang quà gia đình gửi từ Hà Nội sang, trong đó có con voi móc bằng len nhồi bông rất ngộ. Thằng em thích chí, gọi: "Éléphant, éléphant!". Bác Na nhắc: "Con voi! Đây là con voi nhé". Nó bắt chước: "Voi, voi! C’est con voi". Cả nhà xuống phố Louis Dardenne, đi ngược con dốc đầy nắng. Thằng bé được bố nó đặt vào xe đẩy. Nó mang theo con voi, giữ khư khư trên tay. Chị nó guồng chân đạp chiếc xe đạp mầu hồng lên dốc, có bác Na ủn phía sau, nên cứ leo bon bon. Trên kia, phố Raymond Marcheron chạy cắt ngang, tạo thành một ngã ba. Bên đường là hàng bánh, cửa kính trong suốt, thấp thoáng bóng người. Cạnh đó, vẫn cánh cửa mầu xanh nước biển quen thuộc, im lìm cất giữ kỷ niệm của tôi. Như đoán được điều tôi đang nghĩ, em tôi mỉm cười, xui: "Chị Na còn nhớ code cửa không? Hay chị thử vào trong tòa nhà, lên bấm chuông phòng chị, xem giờ ai đang ở đó. Cứ coi như mình nhầm đi, chị!". Tôi vẫn nhớ code cửa. Nhưng tôi muốn giữ nguyên nỗi bâng khuâng này. Nếu tôi vào trong, chắc chắn có gì đó đã khác, đã biến mất. Mà biết đâu, code cửa cũng được thay từ lâu rồi.

Tôi qua Intermarché mua bia Desperados vị tequila, loại bia ưa thích của chúng tôi. Anh thường mang về cả mấy lốc Desperados nhãn vàng. Một chai Desperados ướp lạnh có thể làm nguôi dịu mọi cơn khát. Mùa hè Paris, mặt trời ngủ muộn. Bữa tối đầy nắng. Nắng chênh chếch rọi xuống từ hai ô cửa Velux rộng. Tôi thích quan sát ánh nắng chiếu qua ly bia lạnh, sánh vàng như mật. Nhấp ngụm bia này, không hiểu sao nó lại nhắc tôi nhớ mùi vị của món si-rô chanh thần thánh, thứ nước uống bình dị mà quyến rũ biết bao nhiêu đứa bé từng ở Hà Nội một thời... Trưa hè nắng nôi, xin bà ngoại đồng tiền lẻ, tôi chạy sang bên kia đường, đi tiếp đến xế xế chợ Đuổi, nơi có chiếc xe đẩy bán giải khát lưu động. Tôi còn bé quá, phải kiễng chân, xoè bàn tay nhỏ có đồng xu ấm ra trước mặt cô mậu dịch viên, xin mua một tích-kê, rồi cầm cái tích-kê be bé cỡ bao diêm quay sang đưa cho một cô khác mặc tạp dề trắng. Cô ghim mẩu tích-kê vào đầu nhọn của cái đinh được đóng xuyên qua mẩu gỗ nhỏ, lật ngược lại. Tôi háo hức chờ cô múc si-rô mầu hồng hồng từ chiếc thùng nhôm to tướng vào cái cốc thủy tinh xanh. Li ti bọt khí mát lạnh, tê tê chạy vào cơn khát của một thời khó nghèo, thanh đạm, của một Hà Nội xưa đã khuất bóng từ lâu trong nỗi ngậm ngùi. Tôi có người bạn theo chồng chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh. Bạn kể, chồng con kề bên mà những năm đầu mới đến, bạn cứ ngơ ngác như gà lạc mẹ, chỉ mong Tết để vội vội vàng vàng khăn gói về Hà Nội. Giờ mẹ bạn đã xa. Bạn không có cảm giác mong về nữa. Mỗi lần về, lại thấy một Hà Nội khác, hào nhoáng, mà ngổn ngang, ồn ào, đông đúc. Vẫn những con phố, hàng cây, hồ nước, nhưng có lúc bỗng trở nên lạ lẫm. Còn tôi, ở ngay giữa Hà Nội mà lúc nào cũng nhớ nhung nó. Sang đến Paris, tôi như gặp lại đâu đó hình bóng Hà Nội. Những ngôi nhà náu sau cây, hàng rào hoa lá vấn vít xanh rười rượi; những biển số nhà cũ kỹ tróc sơn; những con phố hẹp dọc ngang bàn cờ; những vỉa hè lát đá với những nắp cống bằng gang hoen gỉ... Và như thế, Paris bỗng trở nên yêu dấu, thân gần.

Ở Paris, muốn nấu món Hà Nội chẳng khó khăn gì, chỉ việc chạy vào quận 13 là mua được đầy đủ mọi thứ. Một hôm, thèm bún chả, chúng tôi đã chẻ hết bó đũa tre để làm que kẹp chả, nướng than hoa trên bếp nướng barbecue trong vườn nhà người bạn ở ngoại ô. Bún chả là món ai cũng làm được, nhưng để thơm ngon vừa miệng thì chẳng có công thức cụ thể nào. Chọn miếng thịt ba chỉ không quá mỡ, thái mỏng, ướp với mắm ngon, một chút mật ong, hành tím băm nhỏ, hành lá thái li nhi, tiêu và một thìa nước hàng. Có người ướp cả tỏi, ớt, dầu hào, nhưng xưa bà ngoại tôi chỉ ướp có thế. Uớp từ sớm, trưa nướng mới ngon. May sao, mua được bó rau muống Thái Lan ở chợ Tàu, về chẻ sợi, ngâm nước lạnh, cọng rau xoăn như cuốn lô. Rồi tía tô, kinh giới, rau mùi, xà lách. Thiếu húng Láng, đành thay bằng húng bạc hà. Đĩa rau sống xanh mướt, tuy không thơm như rau Hà Nội, nhưng tươi giòn thì chẳng kém ai. Không có su hào, đu đủ xanh, thì làm cà rốt với dưa chuột dầm giấm cũng ngon. Khi pha nước chấm, tôi chẳng bao giờ đong mắm, giấm, nước, đường theo định lượng, tỷ lệ, mà nếm, nêm từng chút một, đến khi vừa miệng. Tỏi, ớt băm nhỏ, khẽ khàng nổi trên bát nước chấm mầu hổ phách. Chả vừa nướng tới, còn nóng bỏng, ai ăn thì tự gỡ ra khỏi que tre. Bún khô luộc kĩ, xả nước lạnh, hơi thiếu vị chua chua của bún tươi, nhưng cũng khá ngon. Mùa hè ấy, Paris rất nóng, bày bún chả Hà Nội dưới bóng cây trong vườn, nướng đến đâu ăn đến đấy, nhấp ngụm bia Desperados lạnh, thật đã!

Cần có cơ chế "mở" để bảo trợ ảnh 1

Sớm hôm sau, chúng tôi đi chơi Chateau de Robert le Diable, tòa lâu đài cổ còn được biết đến với tên gọi Chateau de Moulineaux vì nó nằm trên một ngọn đồi ở Moulineaux, gần Rouen, cách Paris không xa. Chateau de Robert le Diable được xây dựng trong khoảng thế kỷ 11 và thế kỷ 12, gọi theo tên của Công tước vùng Normandy Robert I. Theo sử sách, Vua nước Anh Richard I, người mang biệt danh "Lion Heart" đã từng sống ở đây. Em trai của Vua Richard I là Vua John đã phá hủy tòa lâu đài trong cuộc chiến với Vua nước Pháp Phillip II Augustus. Rồi sau, nó được xây dựng lại. Nhưng trong cuộc chiến tranh hàng trăm năm của hai đế chế Anh-Pháp, người dân vùng Rouen phá đi những ngọn tháp của tòa lâu đài, không cho quân Anh chiếm dụng nó. Chateau de Robert le Diable bây giờ chỉ còn lại những bức tường rêu phủ suốt 900 năm. Để ngăn khách thăm quan tới quá gần di tích, người ta dựng bao quanh lâu đài một hàng rào gỗ thô sơ mộc mạc. Nó phù hợp với không khí của tòa lâu đài cổ, như thể nó cũng tồn tại ở đó từ đời nào kiếp nào. Chợt chạnh lòng, xót xa những di tích lịch sử xứ mình bị tàn phá bởi ngần ấy cuộc bể dâu, bom đạn hay bởi sự tối tăm mù mịt của con người. Dạo trên lối sỏi quanh Chateau de Robert le Diable, tôi cảm giác mình đang lạc bước về thời Trung cổ. Buổi sáng hôm ấy yên vắng, mà sao tôi cứ nghe đâu đó ràn rạt tiếng vó ngựa quẩn trong tiếng gió từ phía sông Seine thổi tới...

Tôi thường mơ trở về căn áp mái khi chiều muộn. Mở cửa sổ, nắng ùa rối rít. Chợt nhớ một câu thơ của Thi Hoàng: "Có những buổi chiều không biết cất vào đâu". Thì cất ở đây, nơi thoang thoảng mùi hoa, mùi nắng thơm trên môi, trong mắt, thơm cả nỗi hờn những ngày xanh đã bỏ đi, xa bặt...