Cải thiện môi trường cho kinh tế tư nhân phát triển

Hội nghị Trung ương 5 đã xác định thêm một bước về vai trò, vị trí kinh tế tư nhân, thay đổi cơ bản về tư duy và mở ra bước phát triển mới cho khu vực kinh tế này. Tuy nhiên để triển khai cụ thể các nội dung của chính sách còn rất nhiều việc phải làm, trong đó cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những đòi hỏi bức bách.

Sản xuất linh kiện xe máy ở Công ty TNHH Cosmos Khu công nghiệp Khai Quang ( Vĩnh Phúc). Ảnh | Đức Anh
Sản xuất linh kiện xe máy ở Công ty TNHH Cosmos Khu công nghiệp Khai Quang ( Vĩnh Phúc). Ảnh | Đức Anh

Rào cản

Anh Yunsick- một nhà đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam tìm cơ hội làm ăn nhận xét để mở một cửa hàng hay bắt đầu cơ hội làm ăn ở Việt Nam không khó và nhận thấy có nhiều người “hăm hở” tham gia vào cộng đồng dân doanh này. “Tôi ra ngoài đường ở đâu người ta cũng có thể kinh doanh hay bán một mặt hàng nào đó” - anh nói. Nhưng phần nhiều trong số họ nhanh chóng bị đào thải khi gặp hàng loạt những khó khăn trên thương trường. Việc này cũng là tất yếu theo quy luật thị trường. Song nếu có một môi trường thể chế thiết lập hoàn chỉnh, quá trình này sẽ hạn chế được sự lãng phí xã hội khi các nguồn lực bị triệt tiêu phí phạm. Nhận xét này của anh Yunsick cũng khá đúng với số liệu thống kê của Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam đưa ra. Theo tổ chức này, con số thực tế về doanh nghiệp đang tồn tại và có đóng thuế của cả nước hiện chỉ khoảng hơn 300 nghìn, trong đó gần 2/3 số doanh nghiệp tập trung ở TP Hồ Chí Minh. Quy mô doanh nghiệp nhỏ bé và năng lực rất hạn chế, đến nay 97% doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam vẫn là nhỏ và vừa, trong đó có tỷ lệ đáng kể là doanh nghiệp siêu nhỏ.

Thực tế này cũng là hệ quả của một thời gian dài khu vực kinh tế này bị “phân biệt đối xử” khi mọi nguồn lực chi tập trung cho khu vực Nhà nước, nguồn lực được phân bổ theo kiểu “xin - cho”, đầu tư công nhiều. Môi trường kinh doanh không công khai minh bạch hoặc chuyển biến quá chậm. Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều bộ luật, thông tư, nghị định và đặc biệt là Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp được triển khai tạo nên những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Song nhiều doanh nghiệp cho rằng chính sách của Nhà nước đã tốt nhưng khi đến với doanh nghiệp và cơ quan thực thi thì mất khoảng thời gian khá lâu. Không những thế chính các cơ quan chức năng với những thủ tục rắc rối và thiếu thiện chí của cán bộ, công chức chưa vận dụng những chính sách có lợi cho doanh nghiệp. Việc tiếp cận nguồn lực sản xuất chính như vốn, đất đai, tín dụng... vì thế còn hạn chế và tồn tại dai dẳng nhiều năm nay. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp tư nhân chậm lớn, kinh doanh không có lãi và hao mòn lợi nhuận còn là do gánh nặng thuế phí. Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright tại TP Hồ Chí Minh, còn những bất bình đẳng trong cách tính thuế giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với hộ kinh doanh cá thể và cần nhanh chóng tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch cho các doanh nghiệp cùng hoạt động một cách bình đẳng.

Cải thiện môi trường cho kinh tế tư nhân phát triển ảnh 1

Kiểm tra sản phẩm quần áo xuất khẩu tại Công ty Cổ phần thêu may Mỹ Đức (Hà Nội). Ảnh | Khánh An

Xác lập vị thế và tạo cảm hứng

Để kinh tế tư nhân phát triển theo đúng mục đích phát huy nội lực mà Nghị quyết Trung ương 5 đề ra cần rất nhiều giải pháp thiết thực, bởi lâu nay kinh tế tư nhân mặc dù có những bước đột phá trong tiến trình phát triển chung nhưng vẫn phải tiếp tục khắc phục những hạn chế, yếu kém như đã nêu ở trên. Một nhà nghiên cứu về Việt Nam đưa ra một ý kiến khá xác đáng khi cho rằng Nhà nước cần thiết sửa đổi, xây dựng các tiêu chuẩn của thế chế kinh tế để lôi cuốn con người vào thực tế kinh doanh đồng thời tiếp tục cải cách để duy trì ổn định trong cảm hứng sản xuất và kinh doanh của xã hội. Nghĩa là kinh tế tư nhân phải được bảo đảm các điều kiện và khẳng định về mặt chính trị. Phải xây dựng thể chế để mọi thành phần kinh tế bao gồm kinh tế tư nhân tham gia bình đẳng, tập hợp các lực lượng mạnh nhất của kinh tế tư nhân để các doanh nghiệp đồng hành phục vụ chương trình phát triển kinh tế chung của đất nước. Đây là công cuộc cải cách xã hội khổng lồ, nó xác lập địa vị hoạt động kinh tế cho mỗi người dân và đổi mới cách nhìn nhận giá trị của các khu vực kinh tế khác nhau. Nhà nước phải làm bằng mọi cách để bảo đảm sự bình đẳng tiếp cận các nguồn tài nguyên, quyền lực và nguồn tín dụng của các doanh nghiệp. Những tác động vào thị trường phải đi qua trật tự hành chính, không xác lập được độ minh bạch của khu vực hành chính thì không có cách gì xây dựng được thị trường tốt. Cả tư nhân và quốc doanh đều sử dụng nguồn lực từ xã hội, ở đâu dùng có hiệu quả thì ở đấy tích cực chứ không phải tư nhân là sẽ sử dụng tích cực. Có một sự liên tưởng khá thú vị là “bát súp của tư nhân hay của nhà nước đều múc trong một cái nồi đó là dự trữ tài chính của xã hội”.

Cũng có những cảnh báo được đưa ra khi cho rằng phần lớn doanh nghiệp tư nhân đều cố gắng mưu sinh, tồn tại được là do nhu cầu tự thân nên dù bị đối xử không công bằng vẫn phát triển được. Thế nhưng sự mưu sinh này nếu dựa trên quan hệ thân hữu với các cơ quan công quyền sẽ dẫn tới sự méo mó của thị trường. Có ý kiến cho rằng nếu không cảnh giác người ta có thể chuyển từ sự đánh cắp dưới cách thức tham nhũng thành “cướp đoạt công khai” có bảo hộ của pháp luật, khi đó chúng ta sẽ học được bài học lớn là chống tham nhũng trong khu vực tư nhân khó hơn nhiều so với khu vực nhà nước.

Nếu để các tập đoàn hình thành một cách không rõ ràng và không lành mạnh đất nước sẽ có một khu vực kinh tế tư nhân nhiều mảng tối. Nó sẽ trở thành sự trộn lẫn giữa quyền lực chính trị và các lợi ích kinh tế không lành mạnh. Những tập đoàn tư nhân theo kiểu đó dần dần sẽ biến xã hội thành chỗ kiếm tiền bất chính chứ không phải xã hội là đối tượng phục vụ của nó.