Biến cơn giận dữ thành hành động

"Tôi đã từng xem rất nhiều báo cáo khoa học, nhưng chưa từng có gì tạo nên những cảm giác như thế này!" - Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã mở đầu bài phát biểu ngày 28/2 như thế, trước các cơ quan thông tấn quốc tế, trong buổi lễ giới thiệu báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC). "Những gì có trong báo cáo này là một tập bản đồ về những nỗi thống khổ đè nặng lên loài người, và cũng là một cáo trạng đáng nguyền rủa về sự thất bại trong các chính sách chống biến đổi khí hậu", ông không giấu giếm vẻ giận dữ.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres

Đây là bản báo cáo đánh giá thứ sáu mà IPCC công bố kể từ năm 1990. Báo cáo gồm ba phần và mỗi phần do một nhóm chuyên gia gồm hàng trăm nhà khoa học trên thế giới tự nguyện tham gia nghiên cứu.

Theo IPCC, "biến đổi khí hậu do con người gây ra đang gây ra những sự gián đoạn nguy hiểm và lan rộng trong tự nhiên, đồng thời đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới".

Và bởi vậy, sau hai tuần thảo luận, gần 200 quốc gia đã nhất trí với bản báo cáo này, khi nó chỉ ra những tác động đã được đo đếm cụ thể của việc nền nhiệt Trái đất tăng lên đối với tình trạng tuyệt chủng các loài, sự sụp đổ của hệ sinh thái, các bệnh liên quan truyền nhiễm, hiện tượng nắng nóng chết người, thiếu nước và giảm năng suất mùa màng…

Chỉ trong năm 2021, thế giới đã chứng kiến một loạt các trận lũ lụt, nắng nóng bất thường và cháy rừng nghiêm trọng chưa từng thấy ở mọi châu lục. Tất cả những tác động này được dự báo sẽ gia tăng trong những thập niên tới, kể cả khi thế giới nỗ lực nhằm giảm đà tăng của nhiệt độ Trái đất.

Nói như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: "Gần một nửa nhân loại đang rơi vào vòng nguy hiểm-ngay lúc này! Nhiều hệ sinh thái đang bị phá hủy đến độ không thể vãn hồi-ngay bây giờ! Ô nhiễm carbon không được kiểm soát đang đẩy những người dễ bị tổn thương đến gần tình trạng bị hủy diệt-ngay trong hiện tại. Sự thật ấy là không thể phủ nhận".

Song, thực ra, những điều ông nói không có gì mới. Nó chỉ gay gắt hơn những lần lên tiếng trước đây, khi khoa học đã chỉ ra rằng quỹ thời gian thật sự không còn nhiều, cho bất cứ nỗ lực nào nhằm cứu vãn ngôi nhà chung của loài người.

Từ tháng 8/2021, IPCC đã cảnh báo: Nhiệt độ Trái đất chắc chắn sẽ tăng quá ngưỡng 1,5 độ C trong vòng 10 năm. Và mới đây, ngày 14/2, IPCC lại nhấn mạnh: Rất nhiều giống loài trên hành tinh này đã đứng bên bờ vực tuyệt chủng.

Và vấn đề ở đây là gì? "Khoa học đòi hỏi thế giới cắt giảm lượng khí thải 45% vào năm 2030 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.  Nhưng theo các cam kết hiện tại, lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng gần 14% trong thập niên này" - Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh.

Vì vậy, ông đi thẳng vào vấn đề: "Than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác đang khiến nhân loại nghẹt thở. Chính phủ các nước thuộc nhóm G20 (nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) đã đồng ý ngừng tài trợ công nghiệp khai thác than đá ở nước ngoài. Bây giờ, họ phải khẩn trương làm điều tương tự ở chính đất nước của mình".

Vai trò tiên phong của G20-đại diện cho 85% nền kinh tế toàn cầu cũng như hai phần ba dân số thế giới-hiển nhiên là không thể phủ nhận. Chỉ có điều, dưới sức ép của nhu cầu tăng trưởng kinh tế, không phải ai cũng như không phải lúc nào người ta cũng sẵn sàng cáng đáng vai trò đó. Bởi, ở không ít góc nhìn, những làn khí thải lại đóng vai trò chỉ dấu của sự phát triển.

Tuy vậy, đã đến thời điểm mà mọi sự trì hoãn đều có thể tạo nên những hậu quả thêm trầm trọng. Đã đến thời điểm mà "mọi người ở khắp nơi đang lo lắng và tức giận. Tôi cũng vậy. Bây giờ là lúc để biến cơn thịnh nộ thành hành động", như ông Guterres thống thiết kêu gọi.

"G20 phải dẫn đường, nếu không nhân loại sẽ phải trả một cái giá còn thê thảm hơn". Như một mệnh lệnh. Chỉ hy vọng, mệnh lệnh đó sẽ được đáp lời, bằng hành động.