Bảo đảm an sinh cho người lao động

Mặc dù phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức trên cả bình diện quốc tế và trong nước, dưới sự điều hành linh hoạt, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp, giữ ổn định tình hình kinh tế-xã hội đất nước.
0:00 / 0:00
0:00

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đối mặt những vấn đề phát sinh cần được quan tâm giải quyết. Đáng chú ý là tình trạng người lao động bị giảm việc, mất việc trong một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động có xu hướng tăng. Trong những tháng đầu năm nay, bình quân mỗi tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, không chỉ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa gặp khó khăn mà cả những doanh nghiệp lớn, đa ngành, đa lĩnh vực cũng thiếu đơn hàng, áp lực trả nợ lớn nên phải ngưng hoạt động, giải thể hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần…

Tình trạng sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến việc rất nhiều người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, gây ảnh hưởng tới đời sống của người lao động. Trong đó, mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất, bởi người lao động mất đi nguồn thu nhập chính, gây bất ổn cuộc sống của bản thân và gia đình. Tình trạng thất nghiệp có thể khiến cho người lao động chịu những áp lực trong đời sống tinh thần và kéo theo những vấn đề xã hội.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng về vấn đề này đồng thời đề nghị Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp không chỉ trước mắt mà còn về dài hạn.

Người dân cũng như các doanh nghiệp rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội theo hướng xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, các chính sách đó cần đặt người lao động ở vị trí trung tâm, lấy an sinh xã hội của người dân làm tiêu chí đánh giá chất lượng cũng như hiệu quả khi đi vào thực tiễn cuộc sống…

Có đại biểu nêu rõ: Chính phủ cần nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó những khó khăn, rủi ro đột ngột. Việc thiết lập quỹ dự phòng sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống, như Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm y tế, qua đó, bảo đảm tốt nhất quyền lợi và lợi ích của người lao động, góp phần củng cố mức độ an toàn và bền vững của hệ thống an sinh xã hội nước ta.

Các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự án luật có liên quan trực tiếp quyền, nghĩa vụ, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động; đẩy mạnh các biện pháp thanh tra, kiểm tra chủ sử dụng lao động về việc chấp hành chính sách pháp luật về lao động, việc làm; tăng cường đồng hành, hỗ trợ, đối thoại với người lao động để kịp thời gỡ khó, bảo đảm sự cân đối, hài hòa về quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động