Ai muốn khuấy động biển Caspi?

Ngày 20/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa nhấn mạnh thêm những nỗi quan ngại của ông về tình hình căng thẳng giữa hai nước láng giềng Armenia và Azerbaijan. Tuy nhiên, có lẽ không chỉ người đứng đầu nước Nga, các nguyên thủ quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đang hết sức lo lắng.
0:00 / 0:00
0:00

TRÊN sóng truyền hình, nhà lãnh đạo Nga nêu rõ: "Tôi muốn nhấn mạnh: Bất kỳ kịch bản xung đột nào giữa các quốc gia gần gũi với chúng tôi đều khiến chúng tôi vô cùng lo ngại. Chúng tôi kêu gọi các bên thực hiện kiềm chế, tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn và kiên quyết tuân theo tuyên bố ba bên giữa Nga, Azerbaijan và Armenia".

Hiển nhiên, không ai muốn thấy lửa cháy trên những mái nhà hàng xóm, nhất là trong "không gian hậu Xô-viết" mà nước Nga đã tốn rất nhiều công sức xây dựng và củng cố, nhằm bảo đảm an ninh-quốc phòng cho chính mình.

Đáng chú ý, từ ngày 13/9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng đã lên tiếng: "EU sẵn sàng nỗ lực ngăn chặn căng thẳng leo thang". Một động thái tương đồng cũng khá thú vị, giữa Nga và EU.

HAY nói cách khác, đây là sự thống nhất của các mặt đối lập. Bởi thực ra, nguy cơ mất ổn định trên biên giới Armenia - Azerbaijan cũng đe dọa tương lai của một kế hoạch mà EU xây dựng, nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

Từ tháng 5, Brussel đã công bố dự án chiến lược REPowerEU, theo đó xác định mục tiêu trong vòng tám năm, các nước thành viên EU sẽ dần độc lập hoàn toàn khỏi nguồn cung khí đốt từ Nga.

Azerbaijan là một trong những lựa chọn thay thế. Ngày 18/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã tới Baku để ký một thỏa thuận, theo đó Azerbaijan sẽ cung cấp cho EU 20 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hằng năm vào năm 2027. Ngoài ra, Baku cũng ký kết một số dự án năng lượng mặt trời và năng lượng hydro, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của EU về năng lượng sạch.

Dự kiến, đến năm 2030, EU sẽ có nhu cầu nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn hydro. Bởi vậy, Azerbaijan đã gấp rút bắt đầu các công đoạn chuẩn bị cơ sở hạ tầng, gọi vốn đầu tư và xây dựng các hệ thống sản xuất năng lượng xanh.

Và bởi vậy, bất cứ "cơn sóng dữ" nào quét qua đất nước nằm bên bờ biển Caspi này cũng có thể tạo nên những dư chấn đáng sợ.

VẤN đề là, sau tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, những cuộc giao tranh vẫn cứ tiếp diễn. Sau hai ngày pháo kích trả đũa lẫn nhau khiến khoảng 50 binh sĩ Azerbaijan và ít nhất 49 người lính Armenia thiệt mạng, một lệnh ngừng bắn mới được hai bên thống nhất đưa ra. Mà, như tất cả những ai theo dõi mối hiềm khích đã tồn tại hàng mấy chục năm (kể từ cuộc xung đột vũ trang tháng 2/1988) này, một lệnh ngừng bắn như vậy có thể bị vô hiệu hóa bất cứ lúc nào.

Nhìn lại, trong quá khứ, trung tâm quyền lực quốc tế duy nhất có khả năng tác động và kiềm chế sự bùng phát mâu thuẫn giữa Armenia với Azerbaijan, không ai khác, vẫn chỉ có thể là nước Nga. Trong đợt gia tăng căng thẳng hiện tại, cho dù vẫn có một hiệp ước phòng thủ quân sự chung với Armenia, Moscow vẫn chỉ kêu gọi đối thoại hòa bình, chứ hoàn toàn không "động binh", điều có thể khiến tình hình thêm phức tạp.

Song, tình hình vẫn cứ phức tạp. Phát biểu của phía Mỹ liên quan việc này bị Bộ Ngoại giao Azerbaijan chỉ trích là đã đưa ra các cáo buộc "không có căn cứ và không công bằng", đồng thời "giáng một đòn mạnh mẽ vào nỗ lực bình thường hóa quan hệ Azerbaijan-Armenia" (ngày 18/9, theo AFP).

Bên cạnh chuyện có thể khiến Điện Kremlin "không thoải mái", diễn biến này, có lẽ, cũng khó có thể xem là tín hiệu tích cực tác động đến kế hoạch tái cơ cấu hệ thống năng lượng của EU…