Xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ việc làm cụ thể

Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Thời gian qua, đây là một trong những nhiệm vụ được Đảng ta quan tâm bằng những công việc với kết quả cụ thể, thiết thực.
0:00 / 0:00
0:00

Ngày 6/7, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm thay thế Quy định số 07-QĐ/TW và Quy định số 102-QĐ/TW. Quy định mới với bốn chương, 58 điều, bao gồm cả kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; được sắp xếp, bố trí, kết cấu khoa học, dễ tra cứu, dễ thực hiện, có nhiều điểm mới.

Đảng ta ngày càng xác định sâu sắc vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Ðảng, tăng thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp… Việc ban hành Quy định mới lần này đã góp phần quan trọng để công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng ngày càng phù hợp thực tế, bao quát được những diễn biến mới cũng như thực trạng vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Bên cạnh đó, Quy định nêu trên sẽ giúp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra, chi bộ chủ động trong việc xác định nội dung, tính chất, mức độ tác hại và nguyên nhân vi phạm để từ đó áp dụng các điều, khoản, mục xử lý kỷ luật phù hợp, chính xác.

Theo đánh giá của Ủy ban kiểm tra Trung ương: Thời gian qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động và thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp được kiểm tra, xử lý dứt điểm; những việc mới phát sinh được phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời. Đáng chú ý, qua công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, ngày càng rõ hơn mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, nhất là trong kiểm tra, xử lý đối với cấp ủy viên cùng cấp. Tỷ lệ chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm qua giám sát chuyên đề vẫn còn thấp và chưa phản ánh đúng thực tế vi phạm của tổ chức Đảng, đảng viên. Một số trường hợp xử lý kỷ luật chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm, chưa đồng bộ giữa kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính, chưa đúng nguyên tắc, thủ tục, thẩm quyền...

Trong bối cảnh Đảng ta và cả hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thì yêu cầu, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng cũng đặt ra những mục tiêu rất cao, đòi hỏi phải có những nỗ lực không ngừng nghỉ. Trước hết, từng đảng viên, chi bộ, cấp ủy cần nghiên cứu thật kỹ, nắm thật chắc Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm để thực hiện thật tốt, thật hiệu quả. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Quyết liệt, chủ động hơn nữa trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và kiên quyết xử lý những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Công tác kỷ luật Đảng cần được chú trọng với tinh thần nghiêm khắc, công minh, khách quan, kịp thời và nhất là cần được triển khai "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"… Một trong những nội dung quan trọng của kỷ luật Đảng là có tính răn đe đủ mạnh để không chỉ giáo dục, chấn chỉnh ngay những đảng viên, tổ chức Đảng vi phạm mà còn phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm, vi phạm. Bên cạnh đó, thực hiện tốt kỷ luật của Đảng còn góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn hiện nay, qua đó cùng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh…