Xác định ngưỡng chịu thuế phù hợp

TẠI dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi mới nhất đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính cho rằng, hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, mỗi năm đóng góp 30% GDP. Gần 10 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng, nên việc tăng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT với cơ sở kinh doanh lên 150 triệu đồng/năm, tức tăng 50 triệu đồng so quy định hiện hành, để phù hợp biến động giá cả.
0:00 / 0:00
0:00
Cần xác định ngưỡng chịu thuế cơ bản theo hướng tạo sự công bằng, hợp lý giữa các chủ thể chịu thuế. Ảnh: Khiếu Minh
Cần xác định ngưỡng chịu thuế cơ bản theo hướng tạo sự công bằng, hợp lý giữa các chủ thể chịu thuế. Ảnh: Khiếu Minh

Việc tăng mức chịu thuế này, theo Bộ Tài chính, không làm tăng chi phí tuân thủ, thủ tục hành chính với người nộp thuế và tạo minh bạch trong quản lý thuế.

Và cũng theo Bộ Tài chính, ngưỡng chịu thuế cao hơn 150 triệu đồng/năm sẽ không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp. Đây chính là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến nhiều người kinh doanh tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ thuế, từ không đăng ký kinh doanh đến không kê khai đúng doanh thu thực tế, trong bối cảnh thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến.

Tuy nhiên, để phù hợp Luật Thuế thu nhập cá nhân và mức chuẩn nghèo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, nhiều ý kiến cho rằng, ngưỡng chịu thuế cần nâng lên cao hơn 150 triệu đồng/năm.

Cụ thể, nêu việc so sánh giữa cá nhân kinh doanh và cá nhân làm công ăn lương để cho thấy sự bất hợp lý, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị, ngưỡng doanh thu chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh khoảng 180-200 triệu đồng/năm. Đồng thời, ngưỡng tính thuế cần phân loại theo ngành nghề như ngành phân phối, cung cấp hàng hóa có ngưỡng cao hơn ngành dịch vụ, xây dựng…

Trước những đề xuất nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT của các chuyên gia và doanh nghiệp, Bộ Tài chính bày tỏ lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng tới số thu ngân sách nhà nước tại địa phương, nhất là các địa phương có số thu thấp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, về mặt chủ trương chính sách, khi thu hẹp đối tượng nộp thuế sẽ làm giảm thu ngân sách. Song, khu vực hộ kinh doanh đóng góp cho ngân sách chiếm tỷ trọng không cao trong tổng thu ngân sách nhà nước (khoảng 2%), trong khi số lượng hộ kinh doanh có doanh thu dưới 150 triệu đồng/năm không quá lớn, thì việc tác động đến thu ngân sách nhà nước là không đáng kể, và nguồn ngân sách hụt thu hoàn toàn có thể bù đắp bằng các nguồn nội tại.

Mặt khác, ngưỡng doanh thu không hẳn là lý do khiến các hộ gia đình cân nhắc lựa chọn thành lập doanh nghiệp. Hộ kinh doanh không muốn "lên" doanh nghiệp vì lo tốn kém chi phí, thời gian do phải thực hiện đầy đủ quy định về hóa đơn, chứng từ, có người phụ trách kế toán, báo cáo thuế theo quy định, cũng như việc phải nộp nhiều loại thuế gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, bảo hiểm xã hội và các chi phí khác.

Thiết nghĩ, việc đáp ứng yêu cầu ổn định nguồn thu ngân sách là vấn đề đặc biệt quan trọng, song các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cũng cần cân nhắc, xác định ngưỡng chịu thuế cơ bản theo hướng vừa tạo sự công bằng, hợp lý giữa các chủ thể chịu thuế, vừa ngăn chặn được những phát sinh không đáng có.