Để du lịch nuôi được du lịch

Du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại nguồn thu nhập lớn, tạo việc làm và giúp phát triển các ngành dịch vụ khác.
0:00 / 0:00
0:00

Song với rất nhiều lợi thế sẵn có, ngành du lịch nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Vấn đề này tiếp tục được quan tâm, chất vấn, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nút thắt trong phát triển du lịch của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên có liên quan đến vấn đề chính sách, về thể chế, về lãnh đạo, chỉ đạo, về nguồn nhân lực, bố trí quy hoạch để phát triển ngành du lịch… Có những khó khăn do cả chủ quan và khách quan nhưng chủ quan là chính.

Muốn phát huy được tiềm năng của ngành du lịch đòi hỏi phải có những chương trình xúc tiến, quảng bá ở tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Song, kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 4/2022, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch chưa được vận hành tốt. Điều này được phản ánh phần nào từ khảo sát khách du lịch vào tháng 12/2022 của Hội đồng Tư vấn Du lịch với kết quả chỉ có 3% số lượng khách nhận biết điểm đến thông qua hội chợ, sự kiện du lịch; 1% qua các biển quảng cáo và 1% qua tờ rơi, còn lại là nhận biết thông qua báo điện tử và công cụ tìm kiếm trực tuyến. Sau dịch Covid-19, thị trường du lịch đã có nhiều thay đổi về hành vi, tâm lý, sở thích của du khách, do đó, Quỹ cần phải có chiến lược mới trong cung cấp thông tin cho du khách cũng như thực hiện nghiên cứu thị trường để đưa ra những chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch phù hợp từng thị trường mục tiêu và tiến tới xem xét xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia mới…

Năm 2023 chỉ còn hơn 30 ngày nữa sẽ khép lại, thời điểm đón năm mới và Xuân Giáp Thìn 2024, thích hợp để Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch phát huy hơn nữa vai trò của mình trong xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài. Trước mắt, Quỹ cần sớm xây dựng đề án cụ thể về từng hạng mục hỗ trợ, cách thức hỗ trợ phát triển du lịch. Dựa vào nhu cầu thực tiễn ở các địa phương, quỹ hoàn toàn có thể hỗ trợ quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng; hỗ trợ triển khai hoạt động liên kết tỉnh, vùng trong quảng bá điểm đến, tránh việc liên kết thiếu thực tế như thời gian qua, đó là có tỉnh ở miền Tây Nam Bộ liên kết với một tỉnh miền núi phía bắc hoặc có trường hợp liên kết vùng quá lớn như tám tỉnh Tây Bắc mở rộng.

Với vai trò "nhạc trưởng", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, Đề án Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045… Điều cốt lõi lúc này là phải cụ thể hóa từng khía cạnh của mỗi đề án, chương trình để triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực.