Cần tỉnh táo trước đà tăng giá

ƯỚC ao về kết quả tốt đẹp, nhất là kỳ vọng có sự tăng đột biến về giá là điều luôn tồn tại trong tâm thức của người kinh doanh khi tham gia thị trường. Cho dù phần lớn đều biết, ước vọng là một chuyện, còn kết quả lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác, thậm chí có khi còn đi ngược lại ý nguyện của mình.
0:00 / 0:00
0:00

Tuy nhiên, nếu kỳ vọng được suy xét cẩn thận, dựa trên cơ sở thực tế của thị trường… thì không thể xem là viển vông!

Dịp cuối năm 2023 vừa qua, nhiều nông dân sản xuất các mặt hàng nông sản xuất khẩu, nhất là các sản phẩm được giao dịch trên các sàn kỳ hạn tại Mỹ, không khỏi mừng vui khi hầu hết nông sản thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, như gạo, cà-phê, hồ tiêu… đều được giá. Đơn cử, giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong năm luôn đứng ở mức cao nhất thế giới, dù nếu tính về hiệu suất kinh doanh trên sàn kỳ hạn, mặt hàng này vẫn còn âm (-) hơn 2% so năm 2022.

Chính vì vậy, nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì không biết tại sao, giá nông sản thương phẩm tăng liên tục trong khi thực tế, nhiều mặt hàng trên các sàn kỳ hạn vẫn chưa lấy lại được những gì đã mất.

Dù sao, niềm tin vào đà tăng giá của nhiều mặt hàng nông sản năm qua đã đem lại hiệu ứng tích cực, tạo tiền đề cho năm 2024 có kỳ vọng mới, hướng đi mới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, suy cho cùng, tất cả đều nằm trong giá. Ngoài yếu tố cung-cầu của từng mặt hàng, chính sách tiền tệ của quốc gia tiêu thụ có ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy vốn của các thị trường tài chính và hàng hóa phái sinh. Trong một thời gian dài, các nhà kinh doanh hàng hóa thương phẩm đã phải gồng mình, thậm chí có doanh nghiệp "ngã ngựa giữa đường" do lãi suất cho vay cao.

Mặt khác, vốn lưu chuyển trên các sàn tài chính như một bình thông nhau nên có thể sẽ có một vài lần điều tiết về vốn trong những tháng đầu năm mới. Nói thế để những người kinh doanh có liên hệ với các sàn kỳ hạn đã có giá cao chuẩn bị tâm thế cho một thị trường còn nhiều biến động lớn.

Dù vậy, thực tế đến thời điểm này, chính sách tiền tệ ổn định tại các nước tiêu thụ đang tạo cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tự tin hơn. Tâm lý hồ hởi, như được cởi trói, đã được thể hiện trên nhiều sàn tài chính và hàng hóa quan trọng. Song có lẽ, cũng đã đến lúc, họ phải tính đến việc mua trữ tồn kho để bảo đảm giao hàng đều đặn và đúng hẹn. Đó là yếu tố giúp cho giá dần vào ổn định cả trên thị trường hàng thực lẫn kỳ hạn.

Điều đáng lo nhất, theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính là khi thấy giá tăng, các nước sản xuất mở rộng thêm diện tích và đẩy mạnh sản lượng… và gây ra tình trạng "gậy ông đập lưng ông"!

Tất nhiên, để có thể tránh cảnh "được mùa, rớt giá", mất cân bằng cung-cầu, cần có những dự báo chính xác, sự tỉnh táo trong quản lý và những điều chỉnh khoa học, hợp lý trong công tác điều hành trên tổng quan thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước!