Sẵn sàng đón làn sóng công nghệ mới

TẠI Tọa đàm phát triển ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) mới đây, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Nvidia Jensen Huang nhận định: Việt Nam đã hội tụ đủ các yếu tố, và sẵn sàng đón làn sóng công nghệ mới. Giờ là thời điểm thích hợp để hai bên thiết lập quan hệ chiến lược, bởi AI và chip bán dẫn sẽ là hai ngành quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Nvidia chia sẻ tại Tọa đàm.
Ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Nvidia chia sẻ tại Tọa đàm.

Không phải tới thời điểm này, Việt Nam mới cho thấy sức hấp dẫn đặc biệt. Năm 2023, Việt Nam thuộc nhóm ba nước dẫn đầu khu vực ASEAN về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính đến ngày 20/11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,85 tỷ USD (tăng 14,8% so cùng kỳ). Có 2.865 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 58,1%), với tổng vốn đăng ký mới đạt 16,41 tỷ USD.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) John Neuffer, các doanh nghiệp thành viên SIA đã rót những khoản vốn đáng kể và thậm chí tăng gấp đôi số tiền đầu tư vào Việt Nam - nơi dần trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Trước khi Nvidia quyết định đầu tư 250 triệu USD, Tập đoàn Hana Micron đã khánh thành nhà máy bán dẫn đầu tiên tại Khu Công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) vào tháng 9, với tổng vốn khoảng 600 triệu USD. Ngày 11/10, Tập đoàn Amkor cũng chính thức đưa vào hoạt động nhà máy bán dẫn tại Khu Công nghiệp Yên Phong II-C (Bắc Ninh), có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD. Đó là chưa kể tới sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Intel hay Samsung từ nhiều năm trước.

Trong tháng 10/2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Tập đoàn FPT và tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ TreSemi đã ký hợp tác thành lập Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam. Năm đơn vị, gồm: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đã ký biên bản hợp tác liên minh về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Theo kế hoạch, năm 2024, Việt Nam sẽ tuyển sinh, đào tạo hơn 1.000 sinh viên lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và khoảng 7.000 sinh viên ở các lĩnh vực liên quan. Con số này sẽ tăng dần 20-30% mỗi năm, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân sự có trình độ từ bậc đại học trở lên. Đây là bước tiến quan trọng trước xu hướng chuỗi cung ứng bán dẫn dần dịch chuyển sang khu vực Đông Nam Á.

CHIA sẻ về kỳ vọng và quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển lĩnh vực này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Việt Nam có đầy đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn khi sở hữu hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ dồi dào. Chính phủ cũng đã và đang xây dựng đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách ưu tiên cho ngành này, với những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật. Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu, tạo đột phá trong phát triển công nghệ cao, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn, mở rộng cơ hội để doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Khát vọng ấy, mục tiêu ấy đang dần thành hiện thực sau những cái bắt tay chiến lược ở lĩnh vực này.