Kiểm soát tốt lạm phát

Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nước ta bước vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi, Việt Nam vẫn được đánh giá là "điểm sáng" trong "bức tranh xám mầu" của kinh tế toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00

Năm 2021, mặc dù tốc độ tăng GDP chỉ đạt 2,56%, nhưng mức tăng trưởng này vẫn được thế giới đánh giá là tích cực do nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm. Năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng 8,02%, cao hơn nhiều so kế hoạch (6-6,5%). Năm 2023, tăng trưởng kinh tế dự báo cả năm tăng khoảng 5%, tuy thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra (khoảng 6,5%), song đây là mức khá cao so nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Một trong những yếu tố góp phần vào thành tựu chung của công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội nước ta nửa nhiệm kỳ qua chính là kiểm soát tốt lạm phát.

Nhìn lại trong suốt thời gian qua, khi giá cả hàng hóa thế giới, nhất là giá xăng, dầu biến động liên tục và có xu hướng tăng mạnh, áp lực lạm phát lớn từ bên ngoài, công tác điều hành giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, hiệu quả. Các chính sách miễn, giảm hoặc giảm chi phí, giá thành được triển khai kịp thời, góp phần ổn định mặt bằng giá cả. Cùng với đó, các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành đồng bộ, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, cung ứng đủ, kịp thời vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016; năm 2022 tăng 3,15% (mục tiêu đề ra khoảng 4%); ước cả năm 2023 tăng khoảng 3,5% (mục tiêu đề ra khoảng 4,5%), cho thấy còn dư địa kiểm soát lạm phát cuối năm, tạo điều kiện thuận lợi để tập trung ưu tiên nguồn lực cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực được dự báo tiếp tục biến động phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức mới. Nhiều tổ chức quốc tế đã điều chỉnh, hạ dự báo đối với triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 và các nền kinh tế lớn; lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm dần nhưng còn cao và nhiều rủi ro, như: giá năng lượng, lương thực diễn biến phức tạp theo chiều hướng không có lợi do thời tiết cực đoan, xung đột địa chính trị, thị trường tài chính tiền tệ biến động khó lường,... sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư của nước ta.

Xuất phát từ bối cảnh quốc tế và thực tại kinh tế-xã hội trong nước, việc tổ chức đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 để tìm ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, kịp thời đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phù hợp, hoàn thành kế hoạch phát triển của cả giai đoạn là vô cùng cần thiết. Đây cũng chính là một trong những nội dung quan trọng, được Quốc hội đưa ra bàn bạc, xem xét tại Kỳ họp thứ sáu đang diễn ra.