Vị thế Việt Nam

Vị thế của một quốc gia không phải tự nhiên mà có. Nó được xây dựng, bồi đắp qua bao biến thiên lịch sử. Đối với đất nước Việt Nam ta, vị thế ấy manh nha từ buổi Mẹ dẫn đàn con Tiên lên rừng, Cha dẫn đàn con Rồng xuống biển.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 22/10/2022, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres thăm chính thức Việt Nam. Ảnh trong bài: TRẦN HẢI
Sáng 22/10/2022, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres thăm chính thức Việt Nam. Ảnh trong bài: TRẦN HẢI

Ngày cuối năm Nhâm Dần, trong một cuộc đàm luận ngẫu nhiên về văn hóa, chúng tôi được lắng nghe tiếng nói của các nhà nghiên cứu khả kính, trong đó có những người là Việt kiều vừa từ nước ngoài về. Câu chuyện về văn hóa, về nội lực, về đối ngoại trong hội nhập, dành nhiều hơn những suy nghĩ, trăn trở về vị thế Việt Nam hôm qua và hôm nay.

Nói hôm qua, là nhắc tới những câu chuyện thuộc về quá khứ, quá khứ xa và quá khứ gần. Ai đó nói rằng, nếu cái hôm qua không bổ ích, không mang trong nó những bài học cho hôm nay thì nghiên cứu lịch sử sẽ chỉ dừng lại ở bề mặt, ở những con số, sự kiện. Khi ta có độ lùi thời gian, khi ta đứng ở tầm cao lịch sử thì những tổng kết có giá trị lý luận và thực tiễn sẽ trở thành bó đuốc soi đường. Một trong những tổng kết lịch sử đó là vị thế Việt Nam qua các thời kỳ ngày càng cao hơn, vững vàng hơn. Nó không bất ngờ lớn vụt như cậu bé lên ba, không dấu chân ngựa sắt để lại ao hồ trong truyền thuyết Làng Gióng mà như phù sa bồi đắp, như trầm tích lắng đọng, rồi đến một thời điểm nào đó trở thành những giá trị tinh thần vô giá, cho ta sức mạnh nội lực, kết tinh những giá trị mới.

Vị thế Việt Nam không phải tự nhiên mà có. Nó được xây dựng, bồi đắp qua bao biến thiên lịch sử. Nó như những vòng sóng nhỏ ban đầu, xao động, lan tỏa và tạo đà cho những con sóng lớn, những ngọn triều dâng. Vị thế Việt Nam manh nha từ thuở Mẹ dẫn đàn con Tiên lên rừng, Cha dẫn đàn con Rồng xuống biển. Năm này qua năm khác, bao thế kỷ đã đi qua, hình hài và sức vóc dân tộc lớn lên, biết chinh phục thiên nhiên, biết thắng kẻ thù để bảo tồn nòi giống, giữ lấy từng tấc đất, từng sải biển mà cha ông để lại. Vị thế Việt Nam sang sảng trong Nam quốc sơn hà, "Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời"; hùng hồn qua Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu; tự hào, đanh thép trong Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.

Vị thế Việt Nam ảnh 1

Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Mùa xuân Canh Ngọ, 1930, Đảng ta ra đời, "như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ" đã vạch con đường sáng cho toàn dân tộc. Cương lĩnh chính trị đã xác định đúng đắn con đường cách mạng là giải phóng dân tộc theo phương hướng cách mạng vô sản. Từ dấu mốc lịch sử ấy, lịch sử Đảng ta, dân tộc ta ghi thêm những trang vàng: Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, Nhà nước Việt Nam mới ra đời; Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954; Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng vĩ đại của Việt Nam được Đảng ta nhận định là "một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc". Còn bạn bè thế giới ngợi ca đất nước bên bờ sóng Biển Đông của các bạn là "lương tâm thời đại".

Nhưng đó là câu chuyện dài, đi suốt cuộc trường chinh của dân tộc. Một dân tộc vùng lên vứt bỏ xiềng gông rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Đất nước- Nguyễn Đình Thi). Một dân tộc vùng lên trong biển lửa/sừng sững giữa trời cao (Tổ quốc-Huy Cận). Vị thế Việt Nam càng lớn cao hơn qua gần 40 năm Đổi mới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chính thức ghi vào văn kiện: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Vị thế và uy tín quốc tế không chỉ là niềm tự hào mà thật sự trở thành một trong những nguồn sức mạnh tổng hợp của đất nước, một trong những sự bảo đảm vững chắc cho an ninh quốc gia, một trong những nguồn lực vô cùng quan trọng để chúng ta vững bước trên đường tới tương lai, với mục tiêu, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Vị thế và uy tín quốc tế vừa là nguồn lực quan trọng vừa là yếu tố bảo đảm vững chắc cho việc thực hiện các lợi ích khác trong thế giới hiện đại, tình hình sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn.

Câu chuyện càng cuốn hút khi nhà văn hóa nói tới nguồn gốc sinh thành vị thế và uy tín. Theo ông, nguồn gốc bắt đầu từ truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa của đất nước ta, dân tộc ta. Không ai khác, chính là những con người Việt Nam yêu nước qua các thời kỳ đã gây dựng nên truyền thống ấy. Vị thế và uy tín của dân tộc ta trong các quan hệ quốc tế còn hình thành bởi sức mạnh mềm của văn hóa. Sức mạnh đó có khả năng huy động, phát huy những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhưng đấy là công việc của các nhà lý luận. Còn mỗi người dân đều có thể cảm nhận rõ mỗi bước đi lên của đất nước. Như ông bạn Việt kiều đây, đang xúc động nhìn lên phía cầu Long Biên đã hơn trăm tuổi. Rằng tôi cứ nghĩ đất nước mình như những cây cầu vươn nhịp qua sông ấy. Ta đang tăng tốc, bỏ lại phía sau những chuyến đò, những chuyến phà, nhưng không bỏ lại nhịp chèo tâm hồn dân tộc. Mới rồi tôi nghe nói, Hà Nội đã có tám cây cầu hiện đại vượt sông Hồng. Và với tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô ta sẽ có thêm 10 cây cầu nữa. Khi ấy Hà Nội sẽ có cả thảy 18 cây cầu soi bóng sông Hồng. Cây cầu như người làm chứng cho lịch sử của Thủ đô và cả nước.

Bàn về sự phát triển hãy bắt đầu từ những vấn đề cụ thể như thế. Hay như chuyện ghé thăm vùng đất phương nam. Mươi năm trước muốn đi từ thành phố Cà Mau đến Đất Mũi chỉ có cách duy nhất là đi ca-nô cao tốc. Nay thì đã thênh thang đường bộ-đường Hồ Chí Minh xuyên qua rừng đước, rừng tràm bạt ngàn, vươn đến mũi Viên An, tận cùng đất nước. Và những người nông dân hay lam hay làm, học theo cách của "sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu" cứ lặng thầm lo toan, lặng thầm hạnh phúc. Chuyện lạ thời này, bác nông dân miền tây dù đi khỏi nhà cách xa hàng trăm cây số, chỉ cần cái điện thoại thông minh là có thể phun thuốc, tưới nước cho vườn cây trái của mình. Chuyện lạ nay đã thành quen thời kinh tế số.

Đúng là, có vị thế nào không bắt đầu từ kinh tế, văn hóa! Sau hơn hai năm kiên cường chống đại dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta đã có bước phục hồi và phát triển thần kỳ. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 dự báo đạt hơn 8%. Sự phát triển ổn định của nền kinh tế là một trong những yếu tố cốt lõi làm nên vị thế quốc gia của Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XIII) khẳng định, cần làm tốt công tác Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ hơn trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Về công tác đối ngoại, chúng ta luôn chủ động, tích cực hội nhập, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam". Một dấu ấn đặc biệt trong năm 2022, vào ngày 7/6, Đại hội đồng Liên hợp quốc đồng thuận bầu Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Dấu ấn, tầm ảnh hưởng của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, khu vực và quốc tế được đánh giá cao. Chúng ta đã và đang vững vàng đi tới, đi đến tận cùng dân tộc thì sẽ gặp nhân loại.

Mùa vui đã về gần lắm trên những cánh én báo tin xuân. Một mùa vui náo nức sau bao lo toan, vất vả. Vẫn biết con đường phía trước còn lắm chông gai, bão tố, nhưng vàng ròng không sợ lửa, lòng trung thành không sợ thử thách. Sức thanh xuân của Đảng, thế đi lên của toàn dân tộc đang thôi thúc chúng ta.