Ðàm luận

Lòng tự trọng

Khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QÐ/TW (ngày 9/5/2024) về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, cùng với những ý kiến hoan nghênh cũng có một số người bày tỏ băn khoăn, rằng hiện tại đã có nhiều quy định, liệu quy định về chuẩn mực đạo đức có chồng chéo không?
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị. Ảnh | DUY LINH
Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị. Ảnh | DUY LINH

Cũng có những người cơ hội chính trị viết lên mạng xã hội: Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh chính trị, bằng Điều lệ, Nhà nước có Hiến pháp, pháp luật, Đảng ra nhiều quy định là bóp nghẹt dân chủ, thậm chí là “vi hiến” (!).

Đúng là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta là những định hướng, mục tiêu bao trùm, vạch ra đường lối cho cả một chặng dài đưa đất nước tiến lên. Cương lĩnh nêu lên những nét khái quát nhất: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Cương lĩnh không thể đi sâu vào mọi hoạt động của Đảng và công tác xây dựng Đảng.

Mọi đường lối, chủ trương của Đảng cũng phải thường xuyên đổi mới, điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta chỉ rõ: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng”.

Theo tinh thần đó, Trung ương đã kịp thời ban hành những Quy định mới, như quy định về sự nêu gương của cán bộ, đảng viên; quy định về những điều đảng viên không được làm; quy định về tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát... Và nay là quy định về chuẩn mực đạo đức. Cần khẳng định, đây là vấn đề cấp thiết. Nó không hề “chồng chéo” mà bám sát tình hình thực tiễn, nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Chúng tôi có dịp trò chuyện với nhiều đồng chí đảng viên lão thành, được nghe nhiều tiếng nói tâm huyết. Rằng, tình hình mới đòi hỏi yêu cầu mới. Đây chính là “luật hóa” các chủ trương, đường lối. Đây là hành lang pháp lý và đạo đức cho cán bộ, nhất là đối với những người chức trọng quyền cao. Đây là lối thoát cho những người đã trượt dài theo bánh xe của chủ nghĩa cá nhân: Từ chức; không làm được việc thì đứng sang bên cho người khác làm. Đó là thể hiện lòng tự trọng của cán bộ, là yêu cầu, đòi hỏi từ quần chúng nhân dân.

Có thể nói, Quy định số 144 là một văn bản của Đảng với những yêu cầu rất nghiêm khắc lại rất nhân văn. Đặc biệt ở Điều 3, Điểm 5, xác định rõ: “Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”.

Khi nói đến lòng tự trọng và danh dự tưởng đâu chuyện muôn thuở nhưng lúc này nhắc nhau mới thấm thía làm sao. Rất nhiều lần tại các diễn đàn lớn, nhắc đến sự sa ngã của một số cán bộ cao cấp, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói điều gan ruột: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Thế hệ chúng tôi trước đây thường nghe cha chú bàn chuyện nhà Nho “tiết tháo” không tự ti, kiêu ngạo, đến bậc “chính nhân quân tử” không trách trời, oán người; được nghe kể chuyện Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu... với sự cảm phục những con người lòng ngay dạ thẳng. “Lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê”. Cụ Đồ Chiểu can trường dặn kẻ sĩ đừng bán mình ô nhục Dù đui mà giữ đạo nhà/Còn hơn có mắt ông cha không thờ... Thời dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thường nói đến việc rèn luyện đạo đức cách mạng, đến lòng tự trọng của người chèo lái con thuyền cách mạng. Bác căn dặn: “Ai cũng có lòng tự trọng, tự tin. Không có lòng tự trọng, tự tin là người vô dụng”.

Lòng tự trọng là ý thức luôn biết gìn giữ phẩm chất, nhân cách của mình ở trong mọi hoàn cảnh và luôn nghĩ đến người khác. Tục ngữ người Tày có câu: “Người gieo lúa nương mong mưa, người cấy ruộng sâu mong nắng”. Trời không chiều được hết thảy. Cái khó là ở chỗ phải giữ nhân cách “trong mọi hoàn cảnh”. Còn như lúc bình thường, trong tiếng hoan hô vang dậy mừng công, trong lời trịnh trọng, thì ta vẫn thấy những con người bề ngoài đầy quyền uy. Gần đây theo dõi nhiều vụ án lớn, như các vụ Việt Á, “Chuyến bay giải cứu”, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh... thường thấy những câu nói quen thuộc của một số vị quan chức cao cấp một thời “hét ra lửa”: Tôi sai rồi, tôi xin lỗi. Tôi mong giảm nhẹ hình phạt cho cấp dưới của tôi, vì tôi mà họ vào vòng lao lý. Tôi rất ân hận, cứ nghĩ đó là khoản tiền được hưởng do đóng góp của mình, v.v.

Không ai nhận mình đã “quên” lòng tự trọng. Không ai nhận mình đã quá đam mê quyền lực. Thật ra, từ khi sinh ra bộ máy nhà nước là có người làm quan kẻ làm lính. Ai đó bỗng nhiên có quyền lực là do người khác trao cho chứ tự thân quyền lực không từ trên trời rơi xuống. Sai lầm nhất là ở chỗ này, vì coi quyền lực là “của mình” nên từ thời phong kiến có quan thanh liêm, lại có quan chuyên tước đoạt, vơ vét. Quyền hành, quyền uy là sức mạnh nhưng nó dễ làm hư hỏng con người. Vì thế người biết điều thì biết rút lui đúng lúc, tự thở bằng chính cái mũi của mình. Còn ngày nay, Đảng ta nêu rõ trong Quy định, gắn liền với lòng tự trọng là biết tiến, biết thoái, “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”.

Trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã có không ít cán bộ, trong đó có những cán bộ cấp chiến lược xin thôi chức, từ chức vì nhiều lý do khác nhau. Đó là một bước tiến bộ lớn trong công tác cán bộ, thể hiện quyết tâm, sự kiên trì trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo, quản lý. Đương nhiên, chúng ta rất đau xót. Nếu cán bộ thật sự chú ý tự học tập, tự rèn luyện, biết lắng nghe mọi ý kiến thuận tai, trái tai, biết cảnh giới của mình thì chắc đã tránh được sai phạm đáng tiếc. Lại nữa, nếu tổ chức đảng thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm tra một cách thật sự thì đã sớm có toa thuốc dự phòng. Bởi quyền lực không thể trao cho ai mà không cần kiểm soát.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Năng lực và uy tín ấy phải được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Và những chuẩn mực đạo đức chính là thước đo, là điều kiện để xem xét, đưa vào quy hoạch, kiện toàn cấp ủy và các chức danh khác vào dịp đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Những điều ấy chúng ta đã nhiều lần bàn tới. Vấn đề là ở chỗ, làm thế nào để chọn được những người tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng? Làm thế nào chọn được những người hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh?

Trả lời câu hỏi “làm thế nào” là công việc lớn, là “cái gốc” của mọi công việc. Dân chủ thật sự. Công tâm thật sự. Nhìn vào danh sách cấp ủy, nhìn những đại biểu ngồi hàng ghế đầu mà chỉ thấy con cháu đồng chí này, đồng chí kia thì liệu có công tâm không? Có những điều khó chỉ ra cái sai, vì nó đúng quy trình lắm, nhưng tích tụ lâu ngày nó làm mất niềm tin; làm nản lòng những người trung thực, thẳng ngay; làm hư hỏng cả bộ máy tổ chức. Vậy nên càng cần có những chuẩn mực sát với đời sống chính trị, đời sống xã hội để chọn người xứng đáng gánh vác việc dân, việc nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển vô cùng nhanh chóng. Hãy soi xét kỹ lưỡng bằng cơ chế và bằng cả linh cảm với “con mắt tinh đời” nữa. Đọc và suy ngẫm những điều quy định, có thể chưa thấy hết những điều mới mẻ nhưng nhận ra những điều lâu nay ta đã bỏ quên.