Luân chuyển cán bộ để rèn luyện, tạo nguồn

Luân chuyển cán bộ để đào tạo, rèn luyện, thử thách tạo điều kiện cho cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, phát triển toàn diện, góp phần chủ động tạo nguồn nhân sự cho Ðại hội Ðảng bộ các cấp. Thực tế cho thấy nhiều cán bộ luân chuyển về cơ sở tại tỉnh Ðắk Nông đã thể hiện năng lực, bản lĩnh, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, đột phá vì công việc chung.
0:00 / 0:00
0:00
Thành ủy Gia Nghĩa tổ chức lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.
Thành ủy Gia Nghĩa tổ chức lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.

Bố trí “đúng người, đúng việc”

Đơn thuần làm công tác chuyên môn chuyên sâu, khi phụ trách công tác đảng ở phường diện bao phủ rộng, có nhiều đảng viên nguyên là lãnh đạo tỉnh, thành phố, những ngày đầu nhận quyết định luân chuyển từ thành phố Gia Nghĩa về, Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Thành Thái Minh Châu không tránh khỏi lo lắng. “Vạn sự khởi đầu nan”, anh chủ động tiếp cận, nắm bắt tình hình, sâu sát cơ sở, hòa đồng, chân thành cầu thị lắng nghe góp ý của đội ngũ cán bộ, đảng viên, rèn giũa tác phong điều hành, phát huy thế mạnh thương mại dịch vụ của một phường trung tâm. Mỗi lần tham dự sinh hoạt chi bộ tổ dân phố đều chuẩn bị kỹ lưỡng từ nội dung, cách ăn nói. Sau 3 tháng công việc dần vào guồng, tự tin hơn.

Nhớ lại những ngày triển khai lắp camera an ninh trên địa bàn phường, còn không ít ý kiến e ngại, bàn lùi, Bí thư Đảng ủy chỉ đạo quyết liệt, tổ chức họp bàn, phân tích thấu đáo, toàn diện và tích cực vận động, thuyết phục người dân chung tay hưởng ứng, ý tưởng mới đã thành hiện thực. Nhiều hộ dân còn lắp thêm camera ở cổng nhà và dữ liệu được khai thác hiệu quả phục vụ giữ gìn an ninh trật tự. Từ kinh nghiệm 6 năm gắn bó với cơ sở là nền tảng khi trở lại Thành ủy Gia Nghĩa đảm nhiệm Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm chính trị thành phố, anh Châu động viên cán bộ trẻ nắm bắt cơ hội luân chuyển để trưởng thành.

Thành phố thực hiện chủ trương luân chuyển khoa học, bài bản giúp cán bộ cọ xát thực tiễn, đánh giá, nhìn nhận tổng quan, toàn diện hơn, Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Tân Phạm Mạnh Cường trải lòng. Ngay sau khi về phường công tác, anh nhanh chóng bắt nhịp, cùng tập thể lãnh đạo quyết tâm thực hiện tốt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường đề ra. Gương mẫu “nói đi đôi với làm”, sâu sát chia sẻ, đồng hành, nhiều việc khó, nhiệm vụ đột xuất được kịp thời tháo gỡ.

Thời điểm dịch Covid-19, phường Nghĩa Tân là tâm dịch, không ít cán bộ lo âu. Người đứng đầu Đảng ủy xung kích bám trụ tại trụ sở, trực tiếp lăn xả tại hiện trường chỉ đạo sát sao, động viên anh em với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Công việc bộn bề như tăng cường cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, xây dựng mô hình ta-xi phòng chống tội phạm, thiết chế văn hóa ở thôn bon, tổ dân phố, khắc phục tồn tại về trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch, nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh nông nghiệp và thương mại dịch vụ… luôn được sắp xếp chu toàn, phát huy thế mạnh tạo đột phá, hướng đến văn minh đô thị.

Kinh nghiệm ba năm từ huyện về xã Đắk R’măng (huyện Đắk Glong) giữ cương vị Chủ tịch UBND xã giúp Chủ tịch UBND xã Lê Văn Đại tự tin khi chuyển sang xã Đắk Som công tác. Xã có tiềm năng phát triển kinh tế là du lịch, nông nghiệp và bô-xít, tuy nhiên đời sống bà con còn nhiều khó khăn, đó là nỗi trăn trở của tân chủ tịch. Nhiều giải pháp được tích cực triển khai là tuyên truyền thay đổi nhận thức, tập huấn cho bà con áp dụng giống mới, khoa học kỹ thuật trong canh tác, định hướng tập trung trồng cà-phê, sầu riêng, mắc ca phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng mang lại năng suất cao.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần nhờ vận dụng linh hoạt nguồn lực đầu tư của ba chương trình mục tiêu quốc gia, khơi dậy khát vọng làm giàu, thoát nghèo và hiệu ứng lan tỏa từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt thiết thực. Cán bộ tận tâm hỗ trợ, giải quyết thủ tục hành chính chu đáo, bà con tin yêu, đồng thuận chủ trương xã phát động. Xã đã thành lập đội múa cổ truyền người Mông, tổ chức lớp học dệt… và mong muốn quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng sớm được phê duyệt, đánh thức tiềm năng để phát triển du lịch gắn với phát huy bản sắc văn hóa bản địa.

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Trần Thái Châu cho biết, Nam Đà là xã đông dân nhất huyện Krông nô, nhờ sự đầu tư, tập trung nguồn lực từ tỉnh, huyện và nỗ lực phát huy nội lực đã về đích nông thôn mới trước 3 năm và hiện đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Dấu ấn trong quá trình về Nam Đà công tác là triển khai nhiều cách làm sáng tạo, vượt khó như huy động bà con đóng góp khoảng 3 tỷ đồng, 2 hộ dân hiến đất trị giá hơn một tỷ đồng, nâng cấp mở rộng đường 12m, đưa các loại cây, con giống giá trị cao vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập, quan tâm chăm lo hộ nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau, phát huy tinh thần “dân biết dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…, diện mạo xã nhà ngày càng khởi sắc.

Hiệu quả chủ trương từ thực tiễn

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh nhấn mạnh, để thực hiện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã chỉ đạo, ban hành các quy định, quy chế, hướng dẫn để cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn của Trung ương liên quan đến công tác quy hoạch, đào tạo, nhận xét đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, phân cấp quản lý cán bộ. Do đó, việc thực hiện các khâu trong công tác cán bộ bảo đảm chặt chẽ, góp phần lựa chọn cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng khách quan, dân chủ và chất lượng.

Luân chuyển cán bộ để rèn luyện, tạo nguồn ảnh 1

Chủ tịch UBND xã Đắk Som Lê Văn Đại thăm hỏi, động viên hộ dân bị thiệt hại do thiên tai.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Gia Nghĩa Vi Đức Thành chia sẻ, xác định công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, với tầm nhìn chiến lược, trong nhiệm kỳ Thành ủy đã luân chuyển 6 cán bộ về các phường, xã đảm nhiệm chức danh chủ chốt, bảo đảm công tâm, khách quan, theo đúng quy trình, bố trí “đúng người, đúng việc”, phù hợp địa bàn, chuyên môn, năng lực, sở trường. Các cán bộ sau thời gian đi cơ sở, va chạm thực tiễn phát huy được vai trò, năng lực điều hành đã khẳng định hiệu quả của chủ trương “đúng và trúng”.

Theo Phó ban Tổ chức Huyện ủy Krông Nô Phạm Thị Thùy Dương, số cán bộ huyện, trong đó có cán bộ nữ, người dân tộc luân chuyển về giữ chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND ở 9/12 xã, thị trấn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được nhân dân, đảng bộ cơ sở tín nhiệm. Cán bộ lãnh đạo trẻ năng động, sáng tạo và dám nghĩ dám làm tạo luồng gió mới ở địa phương, trường hợp phấn đấu tốt được đưa vào quy hoạch bố trí vị trí cao hơn. Trước khi luân chuyển, Ban Thường vụ Huyện ủy làm việc với cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, làm tốt công tác tư tưởng, tránh tình trạng cục bộ địa phương đồng thời chỉ đạo các phòng ban chia sẻ kinh nghiệm, sát cánh hỗ trợ cán bộ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Tín hiệu khả quan cho thấy, phần lớn cán bộ luân chuyển về cơ sở có ý thức tu dưỡng rèn luyện, tiếp cận nhanh với điều kiện và môi trường làm việc mới, nỗ lực vượt khó, phát huy tốt năng lực, trưởng thành cả về tư duy, phong cách, bản lĩnh, tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đắk R’lấp Đỗ Thanh Cát cho biết, sau các đợt điều động, luân chuyển cán bộ từ huyện về xã và luân chuyển ngang giữa các xã, các phòng ban, đến nay 100% Bí thư Đảng ủy, 80% Chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương. Một trong những cách làm hiệu quả, phù hợp đặc thù địa bàn huyện là với các xã có phần lớn người dân từ các tỉnh miền bắc, miền trung đi xây dựng kinh tế mới, lựa chọn cán bộ luân chuyển là đồng hương, cùng quê nên dễ tạo sự gần gũi, đồng cảm, thuận lợi hơn trong triển khai chủ trương, chính sách.

Thực tế minh chứng, lãnh đạo các xã, phường, thị trấn là người địa phương thường gặp rào cản, sức ép, cả nể trong thực thi nhiệm vụ bởi quan hệ họ hàng, người thân, thực hiện tốt luân chuyển cán bộ từ huyện tăng cường cho cơ sở, nhất là những nơi thiếu, yếu sẽ kết hợp hài hòa trình độ chuyên môn, kỹ năng thực thi công vụ và thực tiễn ở cơ sở, hạn chế được sức ì, tạo động lực và khí thế mới giúp địa phương phát triển.

Các nghị quyết, đề án về phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, nguồn nhân lực được ban hành và triển khai thời gian qua từng bước phát huy hiệu quả, thêm nhiều cán bộ xung phong đi cơ sở, tuy nhiên cần xem xét quy định thời gian luân chuyển tối thiểu 5 năm để cán bộ luân chuyển có nhiều thời gian am hiểu công việc, cống hiến; chuyển đổi chéo lĩnh vực phụ trách giữa khối công tác đảng và quản lý nhà nước để đào tạo toàn diện, phát huy tối đa năng lực. Luân chuyển cần gắn với quy hoạch, xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể vừa bảo đảm tính ổn định và phát triển, đáp ứng kịp thời việc sắp xếp, bố trí cán bộ trước mắt cũng như lâu dài.