Chưa ở đâu như Quảng Trị, vùng đất không rộng, người không đông, đế quốc Mỹ đã trút xuống đây số bom đạn khủng khiếp, tương đương với sức công phá bởi 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hi-rô-si-ma ở Nhật Bản trong thế chiến thứ hai. Chưa ở đâu như Quảng Trị có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, với gần 60 nghìn ngôi mộ, trong đó có khoảng 12 nghìn mộ chưa xác định được thông tin. Toàn tỉnh có hơn 18 nghìn liệt sĩ, hơn 2.000 Mẹ Việt Nam anh hùng. Riêng ở Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn có 10.263 ngôi mộ lưu giữ hài cốt liệt sĩ ở 45 tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều mộ chưa xác định được thông tin...
Chúng ta càng đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Quảng Trị đã và đang tổ chức “Lễ hội vì Hòa bình”, tháng có kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ; qua đó Quảng Trị thay mặt cả nước gửi đi thông điệp nhân văn: gác lại đau thương, dang rộng vòng tay hòa bình, nhân ái với các quốc gia, dân tộc có nguyện vọng hợp tác làm ăn, phát triển đất nước với Việt Nam. Đây cũng là hoạt động thiết thực, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” với các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước, được dư luận trong nước và thế giới đánh giá cao - như nữ nhà thơ Nga Ôn-ga Béc-gôn đã thốt lên: “Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên”!
Từ ngày Nhà nước ta ban hành “Pháp lệnh người có công”, cấp ủy và chính quyền các cấp, các địa phương đã cố gắng cụ thể hóa bằng những thông tư của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chung quanh nhiệm vụ tăng cường tri ân, hỗ trợ, động viên các thân nhân liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và người có công với nước, tạo thêm điều kiện duy trì và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Riêng năm 2023, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã vận động được hơn 600 tỷ đồng; hỗ trợ, xây mới 4.700 “nhà tình nghĩa”, sửa chữa, nâng cấp hơn 3.500 nhà cũ với kinh phí hơn 580 tỷ đồng; tặng các đối tượng chính sách 10.500 sổ “tiết kiệm tình nghĩa” với kinh phí hơn 27 tỷ đồng, có 2.770 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời, chi 880 tỷ đồng để chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe người có công; thu nhận hàng trăm con em họ vào làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp. Hàng nghìn thương binh, bệnh binh và người có công được tiếp nhận nuôi dưỡng tại 5 trung tâm lớn của đất nước. Công tác quy tập hài cốt được đẩy mạnh, cho đến nay hơn 300 nghìn hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính tên tuổi, quê quán, đơn vị. Năm qua cơ quan chức năng đã tiếp nhận 3.500 mẫu hài cốt liệt sĩ, 160 mẫu sinh phẩm thân nhân để giám định ADN...
Chúng ta trân trọng và đánh giá cao hàng nghìn, hàng vạn thương binh, bệnh binh thấm sâu lời dạy của Bác Hồ “tàn mà không phế”, luôn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, không phàn nàn chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, không trông chờ, ỷ lại Nhà nước, thường xuyên nêu cao tinh thần “vượt khó làm giàu”; một số anh chị em được tôn vinh là “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”. Năm nào cũng vậy, ngành lao động, thương binh, xã hội cũng tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương hàng trăm cá nhân, tập thể xuất sắc, có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Điều đó càng chứng minh tính đúng đắn chủ trương của Đảng ta, là phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chính sách phát triển đất nước. Toàn bộ các việc làm đó đã được thể hiện sinh động trong cuộc sống, nhằm mục tiêu cao đẹp: những người yếu thế không bị bỏ lại phía sau!