Hát cho đồng đội tôi nghe
- "Ngày giỗ trận Vị Xuyên" 12-7 mới đây, hình ảnh nhiều nhóm cựu chiến binh nghẹn ngào hát Về đây đồng đội ơi trước Ðài hương 468 xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng lại khiến bao người rưng rưng xúc động. Dường như tiếng gọi khắc khoải này đã trở thành khúc tưởng niệm chung dành cho tất cả những người lính từng cầm súng bảo vệ cương thổ phía bắc?
- Những ngày này của sáu năm về trước, giai điệu của Về đây đồng đội ơi được chúng tôi thể hiện lần đầu tại Ðài hương 468, như lời gọi mời những người "lính chiến mãi đôi mươi, còn nằm khe đá hay thung sâu" về hội quân. Mưa trắng trời Vị Xuyên khi bài hát chưa kịp dứt, như thể linh hồn anh em đã về quần tụ. Kể từ đó, lời gọi ấy luôn được các cựu chiến binh hòa giọng, mỗi dịp trở lại chiến trường xưa để cùng thắp nén nhang tưởng nhớ.
Tôi không thể quên được cảm giác bồn chồn, day dứt khi không thể có mặt trong dịp đài hương trên cao điểm 468 lập ra vừa tròn 100 ngày. Ký ức đau thương trong trận mở màn chiến dịch MB84, khi có tới gần 600 đồng đội ngã xuống và khoảng 800 người bị thương dội về đã thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó, ngay lập tức. Câu hát đầu tiên vụt hiện "về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn". Rồi tôi nghĩ, đâu chỉ đơn vị mình, còn biết bao chiến sĩ khác đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên toàn mặt trận, vậy là có câu thứ hai "về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn". Rồi như được anh linh của những người ngã xuống dẫn dắt, ca khúc Về đây đồng đội ơi hoàn thành. Ðó là lời gọi của những người còn sống với những đồng đội hy sinh.
Sau đó, một người bạn cùng đơn vị có tâm sự với tôi, rằng "chúng ta đang sống đời mình và phần đời còn lại của những đồng đội hy sinh trao tặng". Câu nói đó ám ảnh tôi và Hát cho người còn sống ra đời. Ðó là tâm tình của những anh em hy sinh gửi lại cho chúng tôi - những người còn được sống, được trở về.
Hai ca khúc đã nối nhau ra đời như thế, chỉ trong khoảng một tuần.
- Nhưng hình như "Về đây đồng đội ơi" không phải là sáng tác đầu tiên của ông về những người lính cùng chung chiến hào bảo vệ biên cương?
- Vâng. Ca khúc đầu tiên trong đời lính của tôi là "Thư về với mẹ", ra đời ngay sau trận quyết tử 12-7-1984 kể trên. Và "Thư về với mẹ" cũng giúp tôi tin, rằng mình có thể viết nhạc phẩm có lời. Nhớ những ngày đầu nhập ngũ, chỉ huy phân công sáng tác ca khúc vì nghĩ tôi chơi được violin đồng nghĩa với được ăn học tử tế. Nhưng ngày ấy vốn từ của tôi khá nghèo nàn nên nhìn ai đó viết được bài hát là nể lắm. Vì thế, tác phẩm "Chiều Tây Bắc" viết cho violon và dàn nhạc dù nhận được giải thưởng trong hội diễn quân khu, hội diễn toàn quân nhưng cũng chỉ là nhạc phẩm không lời của anh lính tuyên văn.
Ðêm đó, ngồi lặng lẽ bên những ngôi mộ mới đắp cho anh em, tôi nghĩ đến mẹ mình, rồi nghĩ tới mẹ của những đồng đội đã hy sinh. Nghĩ đến tờ giấy từ vỏ bao thuốc lá Sa Pa với dòng chữ "Mẹ kính yêu" nhòe mầu mực xanh trộn máu đỏ trong túi áo của một người đồng đội hy sinh, tôi viết tiếp bức thư ấy bằng những câu hát, nghĩ được câu nào hát liền câu ấy cho những anh em đang nằm dưới mộ nghe. Không hiểu sao, tôi luôn nghĩ họ không chết, linh hồn họ vẫn đâu đó quanh ta. Những "Lũy đá bất tử", "Mình là lính", "685"… sau này đều tiếp nối mạch nguồn theo dòng suy nghĩ ấy.
"Mình là lính"
- Công chúng có thể cảm nhận niềm tự hào của ông về quãng thời gian đứng trong quân ngũ. Dường như những tháng năm là người lính đã tác động rất lớn đến một nhạc sĩ Trương Quý Hải của hôm nay?
- Tôi không hình dung được, đời mình sẽ ra sao nếu không có những tháng năm mang trên mình mầu xanh áo lính. Số phận đã mang lại cho tôi nhiều may mắn, khi luôn được làm những gì mình thích, mình yêu. Nhập ngũ khi đã trúng tuyển Trường đại học Mỏ Ðịa chất. Ra quân quay về học nốt, rồi làm cán bộ Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Trường đại học Kinh tế quốc dân và học thêm tấm bằng Kinh tế thương mại nhưng tôi chẳng làm gì liên quan tới hai chuyên ngành được đào tạo bài bản ấy. Chẳng hề có bước chuẩn bị nào trong suốt lộ trình nên những ngã rẽ khúc quanh cuộc đời đến với tôi rất bất ngờ, như thể có sự sắp xếp của bàn tay số phận. Tôi đăng ký nhập ngũ vì thích được làm lính, sáng tác nhạc vì được cấp trên giao nhiệm vụ. Có được một vài ca khúc lãng mạn được yêu mến thời làm cán bộ Ðoàn, rồi viết những ca khúc về đồng đội bởi ký ức không bao giờ chịu ngủ yên. Cảm ơn đời lính đã mang lại cho tôi những trải nghiệm không thể nào quên.
- Ðiều đáng nhớ nhất, trong chuỗi "trải nghiệm không thể nào quên" ấy là gì, thưa ông?
- Ðó là tình đồng đội. Ðám lính trẻ chúng tôi có câu chào nghe rất tức cười "đồng hương quê đâu đấy?". Chàng nào có em gái ở quê nhà là được mọi người "yêu hơn Thủ trưởng". Thương nhau đến mức ranh giới giữa các địa phương bị xóa nhòa, thương nhau như thể người ruột thịt. Lời giới thiệu khi gặp lại nhau giữa thời bình không thể ngắn gọn hơn, "tôi 313", "tôi 356", "tôi 567"… Không cần đi kèm chức danh hay địa vị. Nhận nhau qua số hiệu đơn vị, thân thiết với nhau vì chung một chiến trường.
"Mình là lính" là câu nói tự hào nhất, đầy đủ nhất mà chúng tôi nói về mình và về nhau. "Mình là lính" là ca khúc tôi viết từ lời tâm sự của bạn mình, một cựu chiến binh cùng mặt trận trước kia, một doanh nhân thành đạt trong thời bình: "Sau bao năm bị cuốn vào guồng quay thương trường khốc liệt, tôi nhận ra mọi danh lợi bon chen, mưu tính đều trở nên cực kỳ tầm thường so với những điều bình thường, giản dị của người lính". Những tháng ngày trong quân ngũ đã đồng hành và tác động mạnh mẽ tới cuộc đời tôi, khiến tôi luôn muốn trở lại Vị Xuyên, để ôm đàn hát cho đồng đội nghe, để thắp nén hương tưởng nhớ anh em. Và để cùng những người còn sống cất lên tiếng gọi tha thiết: "Về đây đồng đội ơi". Bất cứ khi nào còn có thể!
- Trân trọng cảm ơn ông!