Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023

Vẫn phấp phỏng, lo âu

Từ ngày 27 đến 30/6, Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2023 kế hoạch chính thức diễn ra. Như vậy thời gian để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này không còn nhiều, trong khi những vấn đề cần rút kinh nghiệm từ những kỳ thi trước vẫn khiến cả xã hội phấp phỏng, lo âu.
0:00 / 0:00
0:00
Thí sinh tham gia kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022 khu vực Hà Nam. Ảnh: ND
Thí sinh tham gia kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022 khu vực Hà Nam. Ảnh: ND

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 1919/BGDĐT-GDĐH ngày 28/4 về việc hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non gửi các cơ sở đào tạo, sở giáo dục và đào tạo trên cả nước, nhằm thống nhất triển khai nhiệm vụ và tiến độ Kỳ thi Tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh năm nay.

Nhìn chung, cả quy chế thi, tuyển sinh và các hướng dẫn về công tác tổ chức kỳ thi, công tác tuyển sinh năm nay cơ bản được giữ ổn định như các năm trước; có một vài điểm mới như Nhân Dân cuối tuần đã phân tích ở các bài viết trước chủ yếu là siết chặt hơn khâu kỹ thuật và các bước tổ chức để bảo đảm tính nghiêm túc, công bằng, minh bạch của cả mùa tuyển sinh.

Tạm tính đến 18 giờ ngày 5/5, số liệu thống kê thí sinh đăng ký dự thi trên Hệ thống Quản lý thi là: 383.783 thí sinh. Trong đó, thí sinh tự do: 23.770 (chiếm 6,19%); thí sinh chỉ xét tốt nghiệp: 85.123(chiếm 22,18%); thí sinh chỉ xét tuyển sinh: 3.606 (chiếm 0,94%); thí sinh đăng ký trực tuyến: 362.219 (chiếm 94,38%); thí sinh đăng ký trực tiếp: 21.569 (chiếm 5,62%); thí sinh đăng ký trực tiếp qua dịch vụ công: 163 (chiếm 0,04%). Theo đó, phần lớn thí sinh tham gia Kỳ thi vẫn với mục đích "hai trong một", vừa xét tốt nghiệp THPT vừa lấy kết quả để dự tuyển vào đại học, cao đẳng.

Về mặt kỹ thuật, theo ghi nhận của phóng viên Nhân Dân cuối tuần, tại một số thời điểm số lượng thí sinh truy cập đồng thời vào Hệ thống Quản lý thi tăng đột biến nên xảy ra hiện tượng nghẽn mạng tại một số địa phương. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, bộ phận trực kỹ thuật của Hệ thống đã triển khai ngay các giải pháp kỹ thuật xử lý nên hệ thống đã hoạt động ổn định bình thường.

Cùng với việc tổ chức và bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình diễn ra kỳ thi, công tác ra đề và hình thức đề cũng tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, nhất là các chuyên gia giáo dục. Một số chuyên gia kiến nghị, sau một thời gian áp dụng hình thức thi trắc nghiệm ở một số môn học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có tổng kết, rút kinh nghiệm cả về kết quả thi lẫn chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến còn băn khoăn về "ngân hàng đề thi", lo ngại cho khâu bảo mật đề thi với phần mềm lựa chọn đề trên máy tính và cả quy trình ra đề hiện nay.

Ở một số môn như toán học, vật lý, hóa học… khi áp dụng hình thức thi trắc nghiệm liệu có làm giảm khả năng tự luận của thí sinh, ảnh hưởng đến chất lượng học tập - vẫn là những câu hỏi cần sớm được nghiên cứu và trả lời thấu đáo.

Liên quan vấn đề thực hiện quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, nhiều ý kiến bày tỏ chưa thật sự yên tâm với hình thức xét tuyển học bạ.

Theo đó, đến thời điểm này, đã có khoảng hơn 120 trường đại học công bố phương thức xét học bạ THPT để tuyển sinh năm 2023. Nhìn chung, số trường xét học bạ và tỷ lệ phương thức này tăng dần trong ba đến bốn năm trở lại đây. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, không ít thí sinh có bảng thành tích học tập được ghi trên học bạ khá cao, nhưng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ đánh giá năng lực của một số trường đại học lại rất thấp. Cũng đã có một số ý kiến phản ánh, kiến nghị đến ngành giáo dục là cần thêm nhiều giải pháp để phương thức xét tuyển tiên tiến này bảo đảm công bằng, minh bạch, đánh giá đúng năng lực thí sinh, bảo đảm chất lượng đầu vào cho bậc giáo dục đại học, cao đẳng.

Thông tin từ một số cơ sở đào tạo cho thấy, có nhiều thí sinh trúng tuyển qua hình thức xét học bạ, song trong quá trình học lại cho thấy chất lượng kém hơn so với sinh viên dự tuyển đầu vào bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ thi đánh giá năng lực. Cũng xuất phát từ khảo sát thực tiễn, thời gian gần đây, cử tri một số tỉnh đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu bỏ việc xét tuyển đại học qua học bạ, bởi hiện nay nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc "làm đẹp" học bạ và "chạy điểm".

Bình luận về thực trạng "lạm phát điểm" một vài năm trở lại đây (có khi 30 điểm vẫn trượt đại học), TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phân tích về hình thức xét tuyển qua học bạ, nếu không bảo đảm tính công bằng, minh bạch, để xảy ra hiện tượng tiêu cực như nâng điểm, sửa kết quả sẽ ảnh hưởng đến cả việc lựa chọn con đường học tập của học sinh. "Không ít em thấy mình được điểm cao, rồi lầm tưởng mình học giỏi và đăng ký xét tuyển vào đại học. Nếu biết rõ thực lực của mình, có thể các em sẽ chuyển hướng học nghề hoặc có lựa chọn khác để có cơ hội việc làm cao hơn", chuyên gia này nhận định.

Đến đây, một vấn đề không mới vẫn tiếp tục được đặt ra là, đổi mới thi cử - xét cho cùng là nhằm tạo tiền đề cho đổi mới phương pháp dạy và học với mục tiêu cao nhất là chất lượng học sinh, sinh viên. Muốn thế, dù công tác thi cử, tuyển sinh được giữ ổn định hay áp dụng phương thức nào đi nữa thì yêu cầu tiên quyết là phải bảo đảm sự công bằng, minh bạch cho mỗi thí sinh.

Mới đây, Cục An ninh điều tra (A09) Bộ Công an đã có văn bản kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi tốt nghiệp THPT, đồng thời xử lý trách nhiệm của những người liên quan vụ lộ đề thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, A09 cũng kiến nghị ngành giáo dục cần kiểm tra, rà soát các quy định, quy trình, quy chế liên quan công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi

chuẩn hóa và công tác ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT để bổ sung, khắc phục những quy định chưa chặt chẽ, không để các cá nhân lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội như đã từng xảy ra.