Tăng "lương tinh thần" cho người lao động

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có tới hơn 60% số công nhân ở các khu công nghiệp không xem ti-vi hoặc nghe đài; 85% không đọc sách, báo; 80% không tập thể dục, thể thao thường xuyên… Đó thật sự là những "khoảng trống" mà các cấp công đoàn đang nỗ lực lấp dần, để từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho mỗi công nhân, người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Tiết mục của Công ty TNHH Astro tại Hội thi "Tiếng hát người lao động". Ảnh: HOÀNG TRUNG
Tiết mục của Công ty TNHH Astro tại Hội thi "Tiếng hát người lao động". Ảnh: HOÀNG TRUNG

TỈNH Đồng Nai hiện có 1,2 triệu công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, song các thiết chế văn hóa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Toàn tỉnh chỉ có Nhà sinh hoạt văn hóa thể thao và tổ chức sự kiện, đóng tại trụ sở Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa. Tỉnh Bình Dương - nơi có 1,3 triệu công nhân ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... - cũng thiếu các thiết chế văn hóa, khu vui chơi thể thao.

Dù điều kiện còn khó khăn, song các cơ quan chức năng ở các tỉnh, thành phố đã nỗ lực "mang niềm vui" đến với người lao động bằng nhiều hình thức khác nhau.

Hai năm qua, Bình Dương đã tổ chức thành công Hội thi "Tiếng hát người lao động", Hội thi "Tiếng hát karaoke thanh niên công nhân". Còn Đồng Nai tổ chức Hội thi "Tiếng hát cán bộ công đoàn", "Hội thi karaoke giọng hát hay công nhân". Huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) vừa tổ chức thành công Giải chạy bộ "Bước chân người lao động - khỏe để lao động sản xuất" thu hút gần 200 đoàn viên tham gia. Mỗi cuộc thi đều có quy chế chặt chẽ, giải thưởng hấp dẫn nên thu hút nhiều người đăng ký tham gia, tạo không khí vui tươi, chan hòa.

Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, các hoạt động, phong trào văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, thể thao của công nhân ngày càng phong phú, đa dạng. Dẫu vậy, các hoạt động đó vẫn chưa đáp ứng được lượng công nhân đông đúc trên địa bàn, còn có hiện tượng công nhân sống thiếu lành mạnh, vướng vào tệ nạn xã hội… Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, lao động. Để làm tốt hơn nữa, cơ quan chức năng tỉnh cũng huy động nguồn lực xã hội để xây dựng thiết chế văn hóa mới trên địa bàn.

Thủ đô Hà Nội có 10 khu công nghiệp, trong đó chín khu hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 95%, cũng hết sức quan tâm xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa dành cho công nhân. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, các cơ quan chức năng thành phố đã xây dựng được hơn 60 điểm. Các điểm sinh hoạt văn hóa nằm trong khu công nghiệp là địa chỉ quen thuộc mà nhiều lao động tìm đến, giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc. Trong năm 2024, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng thêm sáu điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân

ÔNG Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, rất nhiều công nhân còn đang phải vật lộn với nỗi lo kinh tế, thiếu thời gian hưởng thụ văn hóa sau những ngày lao động mệt nhọc. Bởi thế, ngoài chăm lo về đời sống vật chất, trách nhiệm của công đoàn các cấp là phải quan tâm hơn đến cả đời sống tinh thần của người lao động, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc quan tâm thiết thực đến đời sống tinh thần công nhân, với đa dạng hình thức, sẽ giúp họ tái tạo sức lao động, thêm gắn bó với doanh nghiệp, tăng cường khả năng sáng tạo, góp sức cho sự phát triển của doanh nghiệp. Trong thời gian tới và dài hạn, các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, xây dựng nhà ở, trường mầm non, giúp công nhân, người lao động được an cư, yên tâm sản xuất.

Song, chỉ với nỗ lực của chính quyền địa phương, công đoàn các cấp là chưa đủ, mà cần sự chung tay của các bộ, ngành trung ương, mạnh thường quân, đơn vị, doanh nghiệp mà người lao động đang làm việc.